Chọn cao nguyên Sìn Hồ để phát triển sâm Lai Châu
Ở một nơi cao hơn 1.700m so với mực nước biển, tại bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), vườn sâm Lai Châu của Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh có hàng nghìn cây sâm Lai Châu đang được ươm trồng, phát triển tươi tốt. Diện tích hiện nay của vườn sâm Lai Châu này là 2ha, được trồng toàn bộ trong nhà màng với sự chăm sóc cẩn thận của các cán bộ kỹ thuật trồng trọt có kinh nghiệm nhiều năm trồng sâm.
Dược phẩm Thái Minh là doanh nghiệp tiên phong trong trồng và phát triển sâm Lai Châu tại đây theo hướng trồng sâm trong nhà màng công nghệ cao, áp dụng xây dựng vòng tuần hoàn khép kín và phát triển bền vững đi từ vùng trồng công nghệ cao đến các sản phẩm chế biến sâu trong ngành mỹ phẩm và TPCN.
Chia sẻ về lý do chọn nơi đây để trồng và phát triển sâm Lai Châu, ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Thái Minh cho biết: Sâm Lai Châu là loại dược liệu quý, loại dược liệu này ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông, thường phát triển ở độ cao từ 1.700 - 2.200 so với mực nước biển.
Tỉnh Lai Châu có tiềm năng rất lớn về Sâm nói riêng và các cây dược liệu nói chung như đỗ trọng, đương quy, astiso, sâm Lai Châu nhưng đa số vẫn phấn bố trong tự nhiên, chưa hình thành vùng nguyên liệu với quy mô lớn và áp dụng công nghệ để tăng năng suất.
Đầu năm 2022, trước lời kêu gọi của UBND tỉnh Lai Châu về việc doanh nghiệp hãy phát triển trồng, chế biến loài dược liệu quý hiếm tại tỉnh trong đó có sâm Lai Châu, Dược phẩm Thái Minh đã tiến hành khảo sát các địa phương ở Sìn Hồ và chọn bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn làm nơi mở vườn sâm Lai Châu bởi nơi đây có độ cao lý tưởng 1700m so với mực nước địa biển, khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp, địa hình bằng phẳng, người dân đồng bào cần cù, chịu khó.
“Tham gia nghiên cứu để đầu tư vào tỉnh Lai Châu từ tháng 2/2022, đến tháng 6/2022 Thái Minh đã bắt đầu xây dựng vườn trồng đầu tiên của mình tại xã bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn. Chúng tôi quyết định thành lập công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh, phụ trách việc nghiên cứu, phát triển, ươm, nhân giống, trồng sâm Lai Châu. Từ đó, hướng đến mục tiêu đưa cây sâm Lai Châu trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thay đổi đời sống và thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng cao. Đồng thời giúp tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao cho Thái Minh trong tương lai" - ông Thái cho hay.
Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đã xây dựng mô hình trồng sâm Lai Châu theo hướng trồng sâm áp dụng nông nghiệp công nghệ cao: nhà màng và đất tự trộn, giúp kiểm soát 99% các yếu tố dịch bệnh, côn trùng, khí hậu, độ ẩm của cây. Khi mới thành lập năm 2022, công ty nhận chuyển nhượng lại toàn bộ vườn sâm từ Hợp tác xã Sâm và thảo dược Sìn Hồ. Hiện nay, vườn sâm Lai Châu của Thái Minh đã nhân rộng lên 2ha, có những củ sâm từ 1- 6 năm tuổi. Đây là nguồn giống quan trọng giúp Thái Minh xây dựng khu trồng sâm lâu dài của mình. Trong tương lai, Thái Minh dự kiến nhân rộng diện tích Sâm Lai Châu ở Sìn Hồ lên 20ha trong tương lai.
Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Thái Minh cho biết, để phát triển sâm Lai Châu bền vững, Thái Minh đã xây dựng vòng tuần hoàn kinh tế bền vững gồm 4 nhà: nhà nông – nhà nghiên cứu – nhà sản xuất – nhà phân phối.
Cụ thể là Thái Minh Farm – Viện nghiên cứu Sâm và dược liệu Việt Nam – nhà máy sản xuất TPCN Thái Minh Hi-tech và nhà máy Mỹ phẩm Thiên nhiên Song An – Thái Minh Panax và Cỏ Mềm Homelab.
Trong đó, Thái Minh Farm (hay công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh) được thành lập với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển, ươm, nhân giống, trồng, chế biến cây thảo dược có giá trị cao như sâm Lai Châu, đẳng sâm, hoàng sin cô (yakon), đông trùng hạ thảo, bẩy lá một hoa. Từ đó cung cấp nguyên liệu được nuôi trồng trong điều kiện tốt nhất cho đầu vào của nhà máy Thái Minh Hi-tech và nhà máy Song An. Các thành phần của cây Sâm sẽ được sản xuất trở thành sản phẩm chất lượng, giá trị cho người tiêu dùng cả nước và hướng tới xuất khẩu trong tương lai.
Viện nghiên cứu Sâm và dược liệu Việt Nam: được Thái Minh triển khai tại khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Thạch Thất - Hà Nội, với mức đầu tư lớn, kết hợp với các nhà khoa học từ trong và ngoài nước. Viện nghiên cứu con đường dài hạn của Dược phẩm Thái Minh với cây Sâm Lai Châu – quốc bảo của Việt Nam. Con đường nghiên cứu khoa học chuyên sâu giúp nâng tầm loại dược liệu mà trước nay vẫn được cho là quý giá.
Tại nhà máy Thái Minh Hi-tech đạt tiêu chuẩn GMP và chứng nhận ISO/IEC 17025, và nhà máy Song An là nơi chế biến các sản phẩm từ sâm Lai Châu. Trong 2 năm tới, Thái Minh Hi-tech sẽ được đầu tư và nâng cấp trở thành nhà máy chiết xuất và tinh sạch dược liệu đạt chuẩn FDI. Nhà máy này sẽ sản xuất ra được những hoạt chất tinh khiết từ những cây dược liệu Việt Nam có thế mạnh, đem lại hiệu quả cao. Để từ việc phải nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc và sản xuất thuốc generic, người Việt có thể bán ngược lại nguyên liệu và thuốc phát minh cho thế giới.
Cùng với đó 2 công ty kinh doanh là Cỏ Mềm và Thái Minh Panax sẽ là đơn vị phân phối các sản phẩm chế biến sâu từ Sâm ra thị trường trong ngành mỹ phẩm và Thực phẩm chức năng.
Thời gian qua, Dược phẩm Thái Minh cũng đã có những sản phẩm đầu tiên từ cây Sâm Lai Châu bán ra ngoài thị trường. Đó là Trà sâm Việt Nam và bộ Mỹ phẩm thiên nhiên Sâm 1700. Đây đều là những sản phẩm tiền đề có chứa hàm lượng chất xám cao. Và cũng là những sản phẩm đầu tiên giúp cho vòng tuần hoàn phát triển Sâm Lai Châu được vận hành bền vững.
Hướng tới mục tiêu đưa cây sâm Lai Châu trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thay đổi đời sống người dân
Sìn Hồ là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, những năm qua, tỉnh Lai Châu và huyện Sìn Hồ đã tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng dược liệu của tỉnh.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đánh giá cao các vùng trồng Sâm Lai Châu và dược liệu của huyện Sìn Hồ nói chung, của vườn sâm Lai Châu nói riêng. Lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh đã có Đề án phát triển vùng Sâm Lai Châu trong đó có Sìn Hồ và Sà Dề Phìn. Việc liên kết trong trồng, phát triển Sâm Lai Châu và dược liệu chính là hướng đi đúng đắn của tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa cây sâm Lai Châu trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thay đổi đời sống người dân.
Ông Giàng A Tùng - Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho biết, thời gian qua, trên cơ sở đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn xã để phát triển cây sâm Lai Châu, cấp ủy chính quyền phối hợp tuyên truyền tới bà con trồng cây sâm Lai Châu. Đến nay đã có 2 hộ dân mạnh dạn trồng sâm Lai Châu trên cơ sở giống cây sâm Lai Châu mà doanh nghiệp Thái Minh đang trồng trên địa bàn. Kỳ vọng của địa phương là cây sâm Lai Châu sẽ là cây "xóa đói giảm nghèo" cho bà con nơi đây. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền người dân phối kết hợp với doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng diện tích trồng Sâm. Từ đó tạo ra công việc ổn định cho người dân, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho bà con.
Ông Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Thái Minh khẳng định: Với việc thành lập vườn Sâm Lai Châu tại Sảng Phìn, Dược phẩm Thái Minh sẽ nỗ lực phát triển cây Sâm Lai Châu và nông nghiệp xanh tại mảnh đất Sìn Hồ, mang đến một cách làm nông nghiệp mới phát triển kinh tế địa phương, xã hội bền vững. "Giá trị của sâm Lai Châu là rất lớn, được ví như loài cây "quốc bảo" của Việt Nam. Chúng tôi hi vọng, bà con Sà Dề Phìn nói riêng và Sìn Hồ nói chung sẽ tham gia trồng sâm Lai Châu trên chính diện tích đất của gia đình, với sự hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn và thậm chí bao tiêu sẽ mở rộng được diện tích trong sâm Lai Châu tại đây, đưa cây sâm Lai Châu trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thay đổi đời sống người dân".
Năm 2022, Dược phẩm Thái Minh đã kí biên bản ghi nhớ về việc phát triển vùng trồng và đầu tư nghiên cứu cây sâm Lai Châu với tổng ngân sách là 560 tỉ đồng trong vòng 10 năm từ 2022 – 2032. Mục tiêu Thái Minh sẽ biến cây sâm Lai Châu từ chỗ trồng ở dưới tán rừng thành một loại cây có thể trồng đại trà ở độ cao trên 1500m, giảm giá xuống để mọi người tiêu dùng đều có thể tiếp cận và sử dụng loài thảo dược quý giá này.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại tỉnh Lai Châu, sáng ngày 18/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ đã đến thăm vườn sâm Lai Châu gần 2 ha trồng trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Thái Minh Farm, ở bản Sảng Phìn (xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu).
Thủ tướng đánh giá cao mô hình kinh tế khép kín đối với cây Sâm Lai Châu mà Công ty CP Dược phẩm Thái Minh đã tiên phong đầu tư và áp dụng, tin tưởng Sâm Lai Châu sẽ là thương hiệu uy tín, chất lượng trong tương lai. Đồng thời Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần thực hiện tốt liên kết "4 nhà" trong phát triển và xây dựng thương hiệu Sâm Lai Châu, để cây Sâm sẽ tạo nguồn thu nhập, tạo động lực trong phát triển kinh tế cho đồng bào địa phương. Thủ tướng cũng đề nghị Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng mô hình trồng sâm trên địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ tối đa cho người dân, đầu tư chế biến sâu, làm tốt khâu quảng bá và thay đổi mẫu mã sản phẩm thu hút người tiêu dùng.
Sau khi thăm vườn sâm Lai Châu của Thái Minh Farm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng cây sâm giống cho đại diện một số hộ dân ở xã Sà Dề Phìn. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tự tay trồng cây sâm Lai Châu ngay tại Thái Minh Farm.