Thống kê của Bộ Lao động - Thương bình - Xã hội cho thấy, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề đang chiếm hơn 60%. ‘
Con số này, chưa kể đến, số người theo học những ngành nghề không phù hợp suy nghĩ, sở thích và đam mê mà họ đã chọn ban đầu. Sâu xa của thực trạng đáng lo ngại này, là bức tranh hướng nghiệp khá sơ sài tại Việt Nam.
Phần lớn, các bậc phụ huynh chỉ nghĩ đến việc hướng nghiệp cho con khi chúng sắp hết thời gian trung học, chuẩn bị bước vào giai đoạn đại học. Cách làm này, hòa, toàn khác với các nước.
Ông David Freyer, một giáo viên đến từ Canada cho biết, ở các nước, việc giới thiệu ngành nghề cho trẻ, giới thiệu nét đẹp của từng ngành nghề được thực hiện từ giai đoạn mẫu giáo.
Lớn hơn một chút, là giai đoạn tiểu và trung học. Như vậy, trẻ sẽ ý thức và có thời gian nuôi dưỡng ước mơ, hoạch định con đường của mình. Đến giai đoạn trung học thì các doanh nghiệp sẽ đến trường để ‘đặt hàng’ những học sinh đang có ước mơ trùng khớp với những vị trí mà doanh nghiệp sẽ cần trong tương lai.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, sáng lập và điều hành hệ thống trường ngoại khóa Tomato Children’s Home cho biết, bố mẹ Việt thường nghĩ hướng nghiệp cho con vào độ tuổi cấp 3 hoặc chuẩn bị thi đại học thì mới hướng nghiệp cho con.
‘Nhưng thực tế là chúng ta có thể bắt đầu sớm hơn ngay từ tuổi mẫu giáo. Để chọn được nghề phù hợp với con thì nó phải là quá trình khám phá mà qua quá trình đó con không chỉ biết giá trị nghề đó là gì? tạo ra được gì? mà quan trọng hơn hết là con có phù hợp hay không.
‘Bản thân tôi nghĩ nên hướng nghiệp cho con càng sớm càng tốt để con có cơ hội để hiểu bản thân mình, đồng thời có những thử nghiệm xem có phù hợp với mình hay không? Thời gian càng dài, sự chuẩn bị càng tốt thì khả năng chọn sai nghề sẽ giảm đi’, bà Uyên Phương nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Hương Linh, tác giả bộ sách Mình có thể làm nghề gì? Câu chuyện hướng nghiệp hiện nay ở Việt Nam đang khá nghèo nàn. Không chỉ thiếu nhận thức về vai trò của công tác tư vấn, hướng nghiệp, phụ huynh Việt Nam khi hướng nghiệp cho con cũng có những lựa chọn rất hạn chế.
Các bố, mẹ Việt chỉ nhắc đến những công việc rất quen thuộc, có vị trí trong xã hội, hay có thu nhập cao, ổn định như: phi công, kỹ sư, bác sĩ hay giáo viên...
Gói trong công tác hướng nghiệp này, còn có cả ước mơ của cha mẹ, có cả những điều bố mẹ khao khát nhưng không làm được.
Sinh năm 1989, tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc trường Đại học tổng hợp Nghệ thuật Hàn Quốc với học bổng toàn phần, năm 2015, sau khi học xong, cô nhận ra rằng mình không phù hợp với con đường đang đi, Hương Linh quyết định chọn lại nghề nghiệp.
Để tìm được đam mê của chính mình, cô phải thử nghiệm rất nhiều công việc khác nhau. Trải qua nhiều vai trò từ giáo viên dạy tiếng Anh, nông dân, người thiết kế trang sức bằng đất nặn… , cô phát hiện những công việc đó hết sức thú vị và có ích cho cộng đồng nhưng hầu như chúng không hề có mặt trong danh sách những hình mẫu trong hoạt động hướng nghiệp.
Đây chính là lý do để nữ tác giả trẻ thực hiện bộ sách hai tập Mình có thể làm nghề gì để chăm sóc mẹ thiên nhiên? và Mình có thể làm nghề gì để giúp đỡ cộng đồng? Thông qua bộ sách, Linh cho độc giả hiểu, thấy vai trò và ý nghĩa của từng nghề mà nhiều người vẫn quan niệm đây là nghề ‘bao đồng’ nhưng đầy giá trị.
Đồng thời, mang đến cho các phụ huynh thông tin về những ngành nghề mới mà khó có thể tìm thấy trong các loại sách hướng nghiệp khác.
Thông qua những hình mẫu có thật trong đời sống được phác họa dưới dạng hình ảnh vẽ tay ngộ nghĩnh, sinh động do chính tác giả sáng tạo nên, bộ sách mang đến cho người đọc cái nhìn hoàn toàn tự nhiên về các ngành nghề như bảo tồn thiên nhiên, đầu bếp chay, hoạt động xã hội vì môi trường, nhân viên cứu trợ, nhà hoạt động xã hội… với những con người thật, thành công thật ở cả Việt Nam và thế giới.
Bộ sách mở ra cho người đọc thấy được hành trình của những người làm công tác cộng đồng đến với nghề thế nào? công việc hiện tại và niềm hạnh phúc của họ khi tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống?
Cùng với việc mang đến thông tin về những nghề rất lạ, bộ sách còn gợi cho người đọc nhiều câu hỏi lớn: chúng ta hướng nghiệp cho con như thế nào? Khi nào và dựa trên giá trị nào? Thu nhập, địa vị xã hội hay chính đam mê, khả năng và hoài bão?
‘May mắn lớn nhất của tôi là được gia đình ủng hộ để tôi có thể trải nghiệm và tìm thấy công việc khiến mình hạnh phúc, dù đó là khi tôi đi làm nông dân, đi hoạt động cộng đồng...
Không điều gì có ý nghĩa với tương lai của một đưa trẻ bằng việc được bố mẹ định hướng và tạo điều kiện cho chúng được làm nghề mình thích’, Hương Linh nhấn mạnh.
Phương QuyênBạn đang xem bài viết Nước ngoài hướng nghiệp từ khi mẫu giáo, ở Việt Nam học cấp 3 bố mẹ mới… bắt đầu tính tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].