Báo Điện tử Gia đình Mới

Nỗi khổ của phụ nữ khi chồng không làm ra tiền, phải một thân gồng gánh gia đình

Chồng tôi bảo một cái cây cong cần có thời gian uốn nắn thì mới thẳng lại được. Cái cây đó cũng đang cố, đừng ép không lại xôi hỏng bỏng không.

Lấy chồng như đánh bạc

“Thanh niên ai cũng chơi bời. Chỉ cần có gia đình, con cái vào thì mọi thứ sẽ khác. Bản thân anh mày cũng thế mà", đó là câu nói mà ông anh trai đã nói khi tôi còn đang băn khoăn có nên kết hôn với chồng tôi bây giờ hay không.

“Nó chơi bời nhưng chưa bao giờ ăn cắp ăn trộm của ai, luôn hết mình vì bạn bè. Nó tiêu và phá tiền của nó kiếm được mà thôi”-Ông anh bồi thêm.

Mang tiếng cùng làng nhưng cả hai đều rời bỏ làng đi làm ăn xa từ sớm nên tôi cũng không hiểu rõ tính chồng mình như thế nào. Con gái 28 tuổi ở quê đã thực sự là quả bom nổ chậm trong nhà. Thôi thì gia đình nhà anh đàng hoàng, tử tế. Anh trai anh lại là bác sĩ ngoại của bệnh viện nội tiết. Bản thân anh cũng là một người có công việc với mức thu nhập chính cũng khá cao. Ờ thì thử xem sao.

Chồng tôi vẫn thích rượu chè, đàn đúm với bạn bè thâu đêm suốt sáng, vẫn lô đề cờ bạc như trước. Cái xe máy cũng chuộc lên chuộc xuống mấy lần. Người ta học bằng lái xe B2 có tầm chục triệu nhưng chồng tôi cũng ngót 30 do trượt mấy lần.

Chúng tôi thuê nhà trọ 1,2 triệu /1 tháng. Phòng được hơn chục mét vuông. Tiền điện 4.000 đồng/1 số, nước 30.000 đồng/ khối. Tháng sơ sơ cũng mất đứt 2 triệu tiền nhà. Đứa lớn gửi nhà trẻ 2 triệu /tháng. Thằng bé không biết uống sữa bột chỉ thích sữa tươi. Sáng, trưa, chiều, tối ngày đi bay 1 vỉ V inamilk trắng to.Tháng cũng gần triệu bạc.

Nỗi khổ của phụ nữ khi chồng không làm ra tiền, phải một thân gồng gánh gia đình 0

Tiền bỉm, tiền sữa chua, bánh kẹo tháng cũng ngót nghét hơn triệu. Chúng tôi chỉ ăn cơm tối, sáng trưa vợ chồng tự túc. Tiền thức ăn giao động 100.000 đồng/ngày. Cuối năm tôi bận tối mắt tối mũi.

Con tôi được tuổi rưỡi, tôi cai sữa. Mẹ tôi  xót con, xót cháu đón thằng bé về quê chăm.

Guồng quay 

Tôi làm bên sự kiện cưới hỏi. Công việc đầu và cuối năm rất bận, chỉ có những tháng hè là rảnh rỗi. Tôi lao đầu vào công việc, làm ngày làm đêm làm thêm giờ suốt. Nói thật là không làm không được. Cưới hỏi mà, tháng có mấy ngày cưới quốc dân nên những ngày đấy chạy sấp mặt luôn.

Có những hôm cơm không kịp ăn, ngủ cũng chả có thời gian. Cứ vài ba ngày thông đêm, về đến nhà là nằm vật ra giường, quần áo cũng chẳng kịp thay, làm một giấc rồi muốn làm gì thì làm.

Phụ nữ mà, dù bận đến đâu cũng vẫn phải lo công việc gia đình. Từ dọn dẹp cơm nước, chăm chồng chăm con. Mọi người mệt thì được nghỉ ngơi còn làm vợ, làm mẹ thì ngoại lệ không được phép ốm.

Đồ ăn thức uống tôi luôn chất đầy trong tủ lạnh phòng những hôm tôi đi làm không về nhà chồng tôi muốn gì tự nấu. Những hôm làm về muộn tôi thường mua đồ ăn sẵn. Giá giao động 1 bữa cũng từ trăm đến vài trăm nghìn. Mà những tháng cuối năm và đầu năm số lần tôi nấu ăn ở nhà đếm trên đầu ngón tay.

Nỗi khổ của phụ nữ khi chồng không làm ra tiền, phải một thân gồng gánh gia đình 1

Chúng tôi là người nhà quê, anh em họ hàng nội ngoại nhiều lễ nghi nên những khoản chi ngoài như ma chay, cưới hỏi, đi lại về quê, đối nội đối ngoại rất tốn kém.

Đối với các bạn dự trù 1 triệu chi cho những khoản đấy là đủ nhưng chúng tôi thì không thể. Chưa kể những khoản thuốc thang của con. Trẻ con thì hay ốm vặt nên suốt ngày hết thuốc tăng cường sức đề kháng, thuốc bổ, rồi lại ho, ốm sốt cũng tiêu tốn ví tiền của tôi cũng không ít.

Bất hạnh không ngờ

Con trai tôi lại không may mắn như những đứa trẻ khác. Nó bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, tăng động. Lại phải tiêu tốn 1 khoản không nhỏ đưa đi khám ở viện Nhi, viện Đại học y. Cuối cùng con tôi cũng phải theo học lớp can thiệp 1 giờ mỗi ngày. Một cô một trò từ thứ hai đến thứ bảy. Một giờ là 150.000 đồng. Tháng cũng gần 4 triệu đồng. 

 May mắn thay khoản tiền đó bố mẹ chồng và anh chị chồng cho bé nên tôi cũng đỡ đau đầu.

Tôi bán mạng vì công việc, vì gia đình nhưng chồng tôi không hiểu cho. Chúng tôi ngày càng chồng chất hiểu lầm. 

Rồi chồng tôi đón con ở quê lên, nghỉ việc ở nhà trông con. Một năm có 12 tháng thì chồng tôi mất 3 tháng tìm việc, rồi lại thử việc, làm quen dần được khoảng hơn nửa năm lại xảy ra bất đồng ý kiến. Lại nghỉ. Đen cái toàn nghỉ sát tết.

Rồi tôi sinh bé thứ hai, được 3 tháng bà ngoại lên chăm để tôi đi làm. Bé được 1 tuổi bà ngoại về quê thế là bé phải đi nhà trẻ. Tiền hai bé đi học lúc này tăng cao toàn hơn 4 triệu /tháng.

Bố mẹ chồng tôi thương cháu lại gánh thêm khoản tiền học mầm non của thằng lớn thành ra tôi cũng chỉ mất hơn 2 triệu tiền học cho bé thứ hai. Nhưng tiền sữa, bỉm, tiền ăn vặt của hai đứa lại tăng lên.

Chồng tôi lúc thì vay 500, lúc thì 1 triệu lại có lần những 5 triệu đồng. Vay rồi tiền cũng mất hút luôn. Thành ra mỗi tháng tôi tiêu hết 11-15 triệu. Đấy là mẹ chồng tôi đã giấu chồng tôi lo cho bé lớn khoản gần 6 triệu /tháng.

May mắn không dành cho tôi 

Là phụ nữ ai cũng mong mình may mắn có được người chồng hiểu và thông cảm, cùng nhau gánh vác trách nhiệm gia đình nhưng may mắn đó lại không dành cho tôi.

Tôi kiếm được nhiều nhưng cũng chi nhiều nên số tiền tiết kiệm chẳng có dư.

Nhiều lúc nghĩ tủi thân khi thấy anh em, bạn bè thậm chí cả những đứa em còn tuổi thanh niên trẻ trâu cũng đã mua được nhà Hà Nội, mua được xe máy đẹp, ô tô sang mà nhìn lại bản thân mình vẫn mãi chẳng có gì trong tay mà buồn.

Nỗi khổ của phụ nữ khi chồng không làm ra tiền, phải một thân gồng gánh gia đình 2

Sếp tôi hỏi tôi hiện có bao tiền trong tay, tôi bảo chẳng có gì cả. Sếp không tin hỏi thế lương của em đâu, em tiêu những gì mà không tiết kiệm được tí nào. Rồi sếp khuyên tôi nên tiết kiệm tiền phòng thân, cố mua được ngôi nhà thu nhập thấp cũng ổn. Tôi chỉ biết cười trừ với sếp.

Tôi cũng muốn tiết kiệm lắm chứ. Tôi cũng muốn mình sớm mua được ngôi nhà nhỏ để cho các con được vui chơi thoải mái, được ăn học đàng hoàng đến nơi đến chốn nhưng một mình tôi làm, tôi chi thì làm sao hi vọng được. Điều đó khó như hái sao trên trời.

Chúng tôi cãi nhau, chồng tôi bảo một cái cây cong cần có thời gian uốn nắn thì mới thẳng lại được. Cái cây đó cũng đang cố, đừng ép không lại xôi hỏng bỏng không. Thôi thì đành tự lực cánh sinh vậy.

Chỉ biết ước 

Ở dãy nhà  trọ của tôi có hai gia đình trẻ chuyển đi vì họ mua được chung cư. Đôi thứ nhất một mình chồng đi làm tháng được trên dưới 15 triệu đồng. Vợ ở nhà chăm hai bé nhỏ. Trước khi cưới chồng đã tiết kiệm được vài trăm triệu. Chồng bảo vì ban ngày chồng được ăn ở chỗ làm, con ăn ở trường đã có thịt rồi nên bữa tối chỉ cần cơm camh rau đơn giản là đủ. Chỉ cần mỗi tuần cải thiện cho cả gia đình một bữa thịt là OK. 

Đấy, tôi mà được như vợ chồng đấy thì tôi biết bao. Người vợ đó thật may mắn vì có được một người chồng biết nghĩ.

Đôi thứ hai, vợ bị bệnh teo chân từ nhỏ dẫn đến hai chân không đều nhau, đi lại rất khó khăn nhưng lại có được một người chồng chịu khó làm ăn, không rượu chè, cờ bạc, không tiêu pha linh tinh, lương được chục thì vợ cầm đến 9.

Nhà có hai đứa con một trai, một gái rất đáng yêu. Chị làm sale cho xưởng may của gia đình em trai nên thu nhập cũng ổn định giao động trên dưới hai chục, được ưu tiên ở nhà không phải đến công ty.

Chị nấu ăn 3 bữa, kèm con học, chăm con đâu ra đấy, chẳng để chúng thiếu thốn gì. Mỗi một năm chị sẽ tổng kết lại số dư cả năm rồi gửi cho em trai giữ, lãi như lãi ngân hàng. Sau gần một năm thì cũng đã có một căn hộ riêng.

Phụ nữ may mắn thì như thế. Còn tôi thì sao? Hục mặt đi làm mà cơm không lành, canh không ngọt, nghĩ mà cám cảnh. Ngẫm không biết mình làm nghề đem lại hạnh phúc cho người khác mà cuộc đời của mình sao mà u ám, bất công thế.

Từ bỏ

Suy đi tính lại tôi đành bỏ việc công ty dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Tôi về bán hàng theo nghề nhà chồng. Thương tôi con nhỏ nên bố mẹ, chị chồng tôi chuẩn bị sẵn mọi thứ để chỉ việc lấy đồ đem xuống trường bán.

Nói chung, tiền không nhiều và ổn định bằng làm công ty nhưng lại có thời gian dành cho gia đình, con cái hơn.

Mâu thuẫn vợ chồng tôi lên tới đỉnh điểm khi anh bị ngã xe gãy ngón chân áp út, phải khâu mấy mũi. Có cái vết thương bé xíu như thế nhưng đen cái là bảo hiểm y tế chồng tôi vừa hết hạn mà tôi bận quá chưa kịp mua nên đã tiêu tốn gần bốn chục triệu.

Nằm viện điệu trị ở bệnh viện Thanh Nhàn 15 ngày, về nhà chồng tôi nào có ở yên. Anh đi cổ vũ bóng đá, đi chơi, đi nhậu bình thường nên vết thương bị nhiễm trùng lại nhập viện thêm 15 ngày.

Khi anh thất nghiệp, khi anh nằm viện tôi chả thấy bóng dáng bạn nhậu anh đâu cả. Chỉ có mình tôi sáng đưa cơm vào viện, về đi làm, tối lại mang cơm vào. Mấy ngày đầu nằm viện, 4 anh trai tôi thay nhau vào chăm ban đêm vì thương tôi con nhỏ. Tưởng anh tỉnh ngộ nào ngờ khỏi bệnh, đi làm được vài tháng nghỉ việc. Lần này lại cũng giáp tết.

Đen hơn nữa đứa thứ hai nhà tôi bị cúm A biến chứng viêm phổi cấp cứu ở viện Nhi sau chuyển về Thanh Nhàn. Thế mà chồng tôi không tha, báo nợ tôi 20 triệu, ép tôi nếu không lo thì mang con bé đi trốn cùng.

Không còn gì để nói. Tôi cay đắng nhận ra dù mình có cố gắng bao nhiêu, dù có hi sinh đến cỡ nào thì với một người không đáng làm chồng làm cha sẽ chẳng bao giờ có kết cục tốt đẹp. Tôi sẽ phải tự giải thoát cho mình. Tôi hứa với tư cách một người vợ sẽ lo trả nợ cho anh lần cuối cùng này.

Tết năm ấy vẫn bình yên vì tôi không muốn bố mẹ chồng tôi phải buồn lòng thêm nữa.

Mọi người thường hay đùa với tôi “bé cậy cha, lớn cậy vợ, già cậy con”. Có phải cuộc sống của tôi sẽ là như thế không, tôi phải nuôi 2 con với 1 chồng sao?

Chồng tôi nằm nhà chẳng nói gì tới việc đi kiếm việc làm. Bởi những lần trước toàn tôi phải tìm cho anh.

Nỗi khổ của phụ nữ khi chồng không làm ra tiền, phải một thân gồng gánh gia đình 3

12h đêm tôi gọi điện, chồng tôi vẫn mải đàn đúm với bạn không về, con trai tôi ngủ bên nhà ông bà nội. Tôi vơ vội quần áo mang con đến nhà chị bạn làm cùng công ty cũ. Sáng hôm sau tôi gọi điện nhờ bố mẹ chồng chăm thằng lớn, tôi mang con bé đi một thời gian để xem chồng tôi có chịu thay đổi hay không chứ tôi mệt mỏi lắm rồi.

Tôi xin lỗi và mong ông bà đừng lo cho mẹ con tôi. Chúng tôi sẽ sống tốt. Tôi thay số điện thoại. Các anh chị và sếp cũ tôi bắn vào tài khoản tôi, mỗi người vài triệu bảo cho cháu đừng nghĩ gì cả. Tôi thật sự biết ơn họ. Đúng là lấy chồng vì gia đình nhà chồng.

Tôi bỏ đi, chồng tôi bị gia đình nhà chồng nói. Gọi điện cho tôi không được, ban đầu còn đe doạ trên messenger sau nhắn tin xin lỗi nọ kia rồi đành tự đi kiếm việc làm, năn nỉ mẹ con tôi quay về.

Được hơn tháng họ nhà chồng có đám cưới, tôi trở về và ở nhà ngoại. Chồng tôi đưa con trai xuống đón nhưng tôi không về. Tôi cho con bé đi về chơi với ông bà và các bác.

Đúng đợt 8/3/2020 Hà Nội có ca nhiễm COVID mới, thực hiện giãn cách xã hội, chồng tôi vẫn đi làm, 3 mẹ con tôi vẫn ở nhà ngoại.

Đổi thay 

Tháng đấy chồng gửi về quê cho mẹ con tôi được 5 triệu. Tôi bảo chồng tôi từ giờ phải tự đóng tiền nhà, tiền học cho con còn tôi lo tiền ăn uống. Làm được thì về với nhau còn không thì đường ai người đấy đi. Sức tôi có hạn tôi không kham nổi và cũng không muốn kham nữa.

Hết giãn cách chồng tôi về quê đón 3 mẹ con tôi lên Hà Nội. Những tháng tiếp theo tự lo đóng tiền nhà, tiền học cho con. Cũng đưa thêm cho vợ được vài triệu. Cuộc sống gia đình tôi cũng cải thiện hơn.

Ban ngày tôi đi bán hàng, tối về cơm nước dạy con học. Tôi tự nấu các món ăn, ít mua đồ ăn nhanh nên khoản tiền chi tiêu ăn uống cũng giảm.

Tôi bàn với chồng thuê nhà trọ khác rộng hơn để các con có chỗ chơi thoải mái và yên tĩnh học hành. Tất nhiên tiền thuê nhà cũng vì thế tăng cao. Được cái điện nước rẻ nên mỗi tháng cũng tốn tầm 3 triệu tiền nhà. Con tôi vẫn phải học chữa nói ngọng nên chi phí của nhà tôi cũng tầm 15-18 triệu. Nhờ có sự đóng góp của chồng nên chúng tôi cũng tiết kiệm được chút. Ấy thế mà dịch lại bùng phát khiến cuộc sống gia đình tôi lại bị đảo lộn.

Tôi không đi bán hàng được. Chồng tôi vẫn đi làm, tuy lương giảm nhưng vẫn còn có khoản trông vào. May mắn là trước dịch chúng tôi đã có 1 khoản tiết kiệm phòng thân nên khoảng thời gian này cũng không đáng lo lắm.

Nhưng bất ngờ tôi bị đau bụng phải nhập viện Bạch Mai cấp cứu. Lần đầu tiên tôi thấy chồng lo lắng, quan tâm nên dù đau tôi cũng có một chút niềm vui. May mắn thay nang buồng trứng của tôi vỡ và nhỏ dần đi nên không phải mổ.

Nhớ lại 2 lần đưa vợ đi mổ đẻ mà mặt chồng lúc nào cũng cau có, chửi um lên với bảo vệ ở bệnh viện khiến tôi xấu hổ không biết chui vào đâu nữa.

Sau gần chục năm kết hôn tôi nghiệm ra một điều: Đã muốn là một gia đình thì cả vợ cả chồng đều cần phải biết vun vén gia đình, cùng nhau yêu thương, chia sẻ và gánh vác trách nhiệm. Không cần giàu có chỉ cần gia đình vui vẻ, mạnh khoẻ, hoà thuận là cuộc sống đã mãn nguyện lắm rồi.

Người dự thi: KL (35 tuổi, Hà Nội)

Nỗi khổ của phụ nữ khi chồng không làm ra tiền, phải một thân gồng gánh gia đình 4

Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính