Những sai lầm khi cho con ăn dặm các mẹ thường mắc: Đừng bao giờ kéo dài bữa ăn quá 30 phút

Bình luận

Cho con ăn dặm là một “cuộc chiến” khiến nhiều mẹ bất lực, mắc phải những sai lầm thường gặp dẫn đến trẻ lười ăn, suy dinh dưỡng.

  Nhiều mẹ gặp phải sai lầm khi cho con ăn dặm dẫn đến trẻ lười ăn, suy dinh dưỡng

Nhiều mẹ gặp phải sai lầm khi cho con ăn dặm dẫn đến trẻ lười ăn, suy dinh dưỡng

Theo bác sĩ Đinh Xuân Bình, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng TP, khi chăm sóc con nhỏ, nhiều mẹ đang gặp phải một số sai lầm dưới đây dẫn đến trẻ lười ăn, suy dinh dưỡng.

1. Các bữa ăn của trẻ cách nhau quá gần

Nhiều mẹ sợ con đói nên cho con ăn liên tục mà không biết rằng, thông thường phải mất tầm 3 – 4 tiếng sau khi ăn trẻ mới cảm thấy đói.

Do đó, việc lên lịch 3 bữa ăn chính và 2 bữa phụ có thể là một ý hay cho đa số gia đình.

Theo lịch sinh hoạt phổ biến của hầu hết các gia đình, bữa sáng có thể bắt đầu lúc 7 giờ, trưa lúc 12 giờ, chiều lúc 18 giờ – 19 giờ và hai bữa phụ lúc 9 giờ và 15 giờ. Tuy nhiên, lịch này có thể thay đổi miễn sao 2 bữa ăn cách nhau khoảng 3 giờ.

2. Bữa ăn chỉ nên dưới 30 phút

Bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài trong khoảng 20 – 30 phút.

Đây là thời gian lí tưởng để các món ăn giữ được mùi vị và độ ngon của món ăn.

Tuy nhiên, đôi lúc trẻ không hoàn tất bữa ăn của mình trong 30 phút và giải pháp đơn giản sẽ là trẻ được cho ăn thêm một phần sữa, sữa chua, phô mai hay một cái bánh dinh dưỡng bù vào.

3. Ép trẻ ăn

Nếu trẻ từ chối có nghĩa trẻ đã no bụng và lựa chọn tốt nhất lúc này là nên kết thúc bữa ăn.

Việc ép bé ăn tiếp sẽ gây áp lực căng thẳng không đáng có lên trẻ, chưa kể việc ép ăn sẽ làm bé ói tất cả và như vậy toàn bộ công sức ăn uống của bé đổ sông đổ bể.

  Ép trẻ ăn, cho trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn là những sai lầm mẹ thường mắc khi cho con ăn dặm dẫn đến trẻ lười ăn, suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Ép trẻ ăn, cho trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn là những sai lầm mẹ thường mắc khi cho con ăn dặm dẫn đến trẻ lười ăn, suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa

4. Cho trẻ ăn vặt giữa bữa ăn

Một sai lầm nữa mà các mẹ hay gặp phải chính là hay cho trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn vì gia đình luôn lo lắng cho rằng “bé ăn ít quá” trong các bữa trong khi khi lượng ăn của bé đã đủ.

Như vậy, vô tình trẻ không bao giờ cảm thấy đói (vì lúc nào trong bụng bé cũng có đồ ăn) và tất nhiên trẻ cũng sẽ ăn ít hoặc không ăn trong bữa kế tiếp.

Ngược lại, nếu trẻ được ăn theo đúng giờ và không ăn gì (sữa, nước yến, trái cây, nước ngot, kẹo bánh..) vào giữa các bữa ăn, trẻ sẽ tự giác ăn ở bữa sau.

5. Cho trẻ ăn rong, xem tivi, điện thoại khi ăn

Khi trẻ ăn chậm, không chịu ăn, người lớn thường dùng giải pháp cho trẻ đi ăn rong để trẻ vừa chơi vừa ăn, cho trẻ xem quảng cáo, hoạt hình trên tivi, điện thoại… Cách làm này mang lại nhiều hại hơn là lợi.

Hậu quả dễ thấy nhất là thức ăn sẽ nguội lạnh không ngon và nguy cơ nhiễm trùng (khói bụi, ruồi nhặng..) khi bữa ăn kéo dài.

Nhất là với thói quen cho trẻ xem tivi, điện thoại làm đầu óc trẻ tập trung vào những thông tin, hình ảnh trên màn hình, không chú ý tới bữa ăn, dẫn đến trẻ không nhận thức được hương vị của món ăn, phản xạ nhai nuốt bị hạn chế.

Những sai lầm khi cho con ăn dặm các mẹ thường mắc: Đừng bao giờ kéo dài bữa ăn quá 30 phút 2

Trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng, cản trở sự phát triển thể chất bình thường của trẻ. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cho trẻ xem điện thoại còn ảnh hưởng đến mắt trẻ.

6. Nói dối để trẻ ăn

Việc cố gắng dọa bé “Con ăn đi không ông/bà/bác bắt mất, ăn mất” là hoàn toàn vô nghĩa. Lâu dần, bé sẽ biết đó là nói dối và sẽ “lờn thuốc” cũng như làm cha mẹ mất uy tín trong mắt bé.

Tương tự với những lời nói dối dọa trẻ là việc trao giải thưởng “ảo” cho trẻ khi ăn. Nhiều cha mẹ hay nói “con ăn hết rồi mẹ sẽ dẫn con đi công viên…” hay “con uống hết sữa sẽ cho con ăn kẹo”…

Nhưng thực tế, nhiều người lớn chỉ nói cho có để dụ trẻ ăn. Và cách làm này cũng không tốt cho trẻ, khi trẻ biết đó là những lời nói dối thì trẻ sẽ không còn tin lời nói của người lớn.

Thay vì dọa trẻ hoặc hứa hẹn, cha mẹ nên có những câu nói khuyến khích bé nếu bé có biểu hiện tốt. Ví dụ “Con cầm muỗng được rồi, giỏi lắm” hoặc “Hôm nay con ăn ngoan lắm không đòi hỏi xem tivi nữa , mẹ rất tự hào nhé!”.

Đối với các bé đang tuổi tập đi, bữa ăn đôi khi đơn giản là khoảng thời gian vui đùa với thức ăn. Ở độ tuổi này trẻ rất hay bắt chước người lớn và việc ngồi cùng bàn ăn cùng gia đình có thể giúp bé tò mò và đòi ăn.

Khi có những vấn đề khó khăn trong ăn uống của trẻ, gia đình nên cho bé khám ngay với các bác sĩ nhi hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm nguyên nhân và có giải pháp hữu hiệu nhất sớm nhất.

Chuyên gia trong bài: Bác sĩ Đinh Xuân Bình, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng TP

Bạn đang xem bài viết Những sai lầm khi cho con ăn dặm các mẹ thường mắc: Đừng bao giờ kéo dài bữa ăn quá 30 phút tại chuyên mục Ăn dặm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An An