Những người tuyệt đối không ngâm chân nước nóng, thảo dược trong mùa đông

Ngâm chân nước ấm, nước thảo dược trong mùa đông giúp khí huyết vận hành trơn tru, hạn chế đi những cơn đau nhức. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngâm chân cũng tốt và không phải ai cũng thích hợp.

  Ngâm chân với nước nóng hay thảo dược trong mùa đông lạnh sẽ giúp tránh nguy cơ cảm lạnh, phong hàn. Ảnh minh họa

Ngâm chân với nước nóng hay thảo dược trong mùa đông lạnh sẽ giúp tránh nguy cơ cảm lạnh, phong hàn. Ảnh minh họa

Lương y Nguyễn Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường (Hà Nội) cho biết, theo Đông Y, đôi chân là gốc rễ của cơ thể, chứa nhiều huyệt đạo quan trọng và vô số rễ thần kinh liên quan mật thiết đến thần kinh đại não cũng như từng cơ quan vị trí “trải dài” trên khắp cơ thể.

Việc ngâm chân với nước nóng hay thảo dược trong mùa đông lạnh hoặc sau khi dầm mình dưới mưa sẽ giúp tránh nguy cơ cảm lạnh, phong hàn, cải thiện đáng kể một số bệnh thường gặp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ngâm chân vì đã có những trường hợp chân biến chứng nặng vì thói quen này.

Ngâm chân nước ấm, thảo dược được áp dụng cho những trường hợp mất ngủ, đau nhức xương khớp do lạnh, đau lưng, đau dây thần kinh toạ…

Nhưng, phương pháp ngâm chân lại chống chỉ định cho các trường hợp rối loạn cảm giác vùng bàn chân, các vết thương hở nhiễm trùng, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giản tĩnh mạch, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ.

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng do tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc dẫn đến bỏng nặng.

  Nhiều bệnh nhân đái tháo đường ngâm chân với các loại lá có thể dẫn tới viêm loét, nhiễm trùng bàn chân…

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường ngâm chân với các loại lá có thể dẫn tới viêm loét, nhiễm trùng bàn chân…

Nguyên nhân là do ở những người bị đái tháo đường thường có lớp da chân tương đối mỏng, dây thần kinh và bàn chân không còn nhạy cảm nhiều với nhiệt độ so với người bình thường. Vậy nên họ sẽ khó cảm nhận được chính xác nhiệt độ của nước, mất nhiều cảm giác về nóng nên rất dễ bị bỏng da.

Hơn nữa, người bị đái tháo đường chỉ cần bị một mụn nước nhỏ mà không xử lý kịp thời, ngâm chân với các loại lá có thể dẫn tới viêm loét, nhiễm trùng bàn chân…

Để bảo vệ sức khỏe, lương y Nguyễn Thúy khuyến cáo, khi thực hiện ngâm chân mọi người cần tham vấn ý kiến bác sĩ, lưu ý nhiệt độ nước ngâm chân không vượt quá 60 độ C để tránh xung nhiệt và gây bỏng da. Sau ngâm cần lau khô chân ngay. Các lở loét do biến chứng của bệnh đái tháo đường cần phải cân nhắc rất kỹ về các dược liệu gây dị ứng tham gia trong bài thuốc ngâm chân.

Thời điểm ngâm tốt nhất là trước khi ngủ, ngâm hai chân vào nước ấm chừng 40 độ C, thời gian ngâm chừng 20 - 30 phút. Sau khi ngâm cần lau sạch chân bằng khăn khô, trong ngày lạnh phải ủ ấm chân ngay để tránh lạnh. Để làm tăng công dụng tĩnh tâm an thần, có thể kết hợp xoa bóp chân và lòng bàn chân.

Bài ngâm chân nước nóng thảo dược chữa viêm khớp, đau khớp do phong hàn thấp: Ngải cứu 30g, Lá lốt 30g, Muối hạt 20g, Gừng tươi 01 củ, Nước 02 lít. Tất cả giã dập, đun sôi với nước, để nguội đến nhiệt độ 50 – 60 độC thì ngâm chân trong 15 - 20 phút.

L.Minh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính