Báo Điện tử Gia đình Mới

3 lưu ý khi sử dụng thuốc xịt mũi, nhỏ mũi cho trẻ trong thời điểm giao mùa

Thời tiết giao mùa thường khiến cho trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi, viêm mũi họng. Để khắc phục tình trạng này cha mẹ thường dùng thuốc xịt mũi, nhỏ mũi cho con. Vậy cần lưu ý gì sử dụng thuốc xịt mũi, nhỏ mũi cho trẻ?

Theo khuyến cáo của bác sĩ BV Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí, tình trạng sổ mũi, ngạt mũi thường gây cảm giác rất khó chịu và thường gặp ở tất cả mọi người, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nhất là ở thời điểm giao mùa.

Sổ mũi, ngạt mũi thường kéo dài từ vài tuần đến cả tháng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Để chấm dứt tình trạng này, nhiều cha mẹ đã tự mua thuốc nhỏ mũi về dùng. Vì tác dụng tức thời làm thông thoáng mũi khiến nhiều người lầm tưởng và lạm dụng thuốc như “thần dược” có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc, dùng kéo dài hay quá liều gây tổn thương niêm mạc gây ra tình trạng sung huyết hồi phát, rát mũi, khô mũi, nguy cơ gây bội nhiễm và tái phát bệnh nhiều hơn…

Vì vậy, để an toàn cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi sử dụng thuốc xịt mũi, nhỏ mũi cho trẻ.

1. Không tự ý mua và dùng thuốc xịt mũi, nhỏ mũi cho trẻ

Các loại thuốc nhỏ mũi thông thường giúp trẻ dễ thở, giảm sung huyết, giảm chảy nước mũi thường chứa thành phần là các chất co mạch như Naphazolin, Xylometazolin, Ephedrin, Oxymetazolin…

Tuy nhiên các thuốc trên có những loại chống chỉ định với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc phải sử dụng hàm lượng thấp tùy thuộc độ tuổi của trẻ. Vì vậy, nếu cha mẹ tự ý dùng thuốc sai liều, sai hàm lượng, dùng thuốc có chống chỉ định với trẻ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, tình trạng sổ mũi, ngạt mũi nguyên nhân thường do virus gây ra. Do đó, cha mẹ không tự ý dùng các thuốc nhỏ mũi có chứa kháng sinh và corticoid khi không có chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng sinh nhỏ mũi thường là các kháng sinh nhóm Aminoglycosid (như Neomycin sulfat, Tobramycin) hay Quinolon (như Moxifloxacin), ngoài kháng sinh thường chứa các thành phần chống viêm, giảm phù nề, giảm sung huyết.

Thuốc kháng sinh tại chỗ có thể hấp thu qua niêm mạc mũi vào máu với nồng độ thấp nên những trẻ nhỏ có cơ địa nhạy cảm chỉ cần một lượng nhỏ có thể gây ngộ độc ốc tai - tiền đình gây điếc.

Mặt khác, dùng thuốc có chứa kháng sinh và corticoid kéo dài có thể gây kháng thuốc, vì vậy cần thận trọng và chỉ sử dụng khi có khuyến cáo của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

Cha mẹ không nên tự ý dùng các loại thuốc xịt mũi, nhỏ mũi cho con mà không có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa

Cha mẹ không nên tự ý dùng các loại thuốc xịt mũi, nhỏ mũi cho con mà không có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa

2. Nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý

Khi điều trị tại nhà cho trẻ để an toàn nên lựa chọn nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ hay dạng xịt để vệ sinh lấy sạch mũi nhầy.

Đây là loại dung dịch có độ pH gần với pH sinh lý của mũi/họng nên có thể sử dụng dài ngày tùy theo nhu cầu vệ sinh khi viêm nhiễm.

Tuy nhiên, cần lưu ý là dù nước muối sinh lý an toàn nhưng cha mẹ cũng không nên sử dụng với mục đích vệ sinh mũi quá nhiều lần trong ngày cho trẻ, nhất là khi trẻ không bị viêm nhiễm, không ngạt mũi hay sổ mũi. Vì việc nhỏ mũi, xịt mũi vệ sinh quá nhiều lần trong ngày có thể làm mất đi các yếu tố miễn dịch tự nhiên của niêm mạc mũi chống lại các virus, vi khuẩn tấn công cơ thể.

3. Không sử dụng nước muối ưu trương quá 7 ngày liên tục

Trong trường hợp trẻ ngạt mũi nhiều cha mẹ có thể sử dụng nước muối ưu trương (có nồng độ lớn hơn 0,9%) để nhỏ mũi cho trẻ.

Loại dung dịch này có thể làm cuốn mũi co lại giúp dễ thở, sau đó vệ sinh lại bằng nước muối sinh lý 0,9%. Tuy nhiên, loại nước muối ưu trương không nên dùng quá 7 ngày liên tục vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi cho trẻ.

Tốt nhất, khi trẻ ngạt mũi mà chưa xác định được nguyên nhân cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để tìm nguyên nhân gây bệnh, tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, dùng thuốc đúng liều lượng, số lần dùng trong ngày và không quá số ngày bác sĩ đã chỉ định, không sử dụng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cha mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và giữ môi trường sống xung quanh trẻ sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, kín gió, ấm vào mùa đông, có thể dùng máy tạo hơi ẩm không khí giúp trẻ giảm khô mũi, giảm cơn khò khè trong mùa đông.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO