Những loại rau cho lợn giờ thành đặc sản được săn lùng

Bình luận

Trước kia nhắc tới bèo tây, rau khoai lang, rau sam, người ta nghĩ ngay tới thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, với những giá trị dinh dưỡng và y học, các loại rau này đang trở thành đặc sản.

Danh sách những loại rau cho lợn ăn giờ thành đặc sản có thể kể tới là:

Rau bèo tây

Những loại rau cho lợn giờ thành đặc sản được săn lùng 0

Bèo tây hay bèo Nhật Bản là một loài thực vật thuỷ sinh, thân thảo, sống nổi theo dòng nước, thuộc về chi Eichhornia của họ Họ Bèo tây.Cây bèo tây xuất xứ từ châu Nam Mỹ, du nhập Việt Nam khoảng năm 1905.

Rau bèo tây sống ở các ao, hồ, ruộng trũng bỏ hoang. Ở miền Bắc trước kia, bèo tây được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, bèo tây được rất nhiều bà nội trợ Việt và Nhật săn lùng bởi không chỉ dễ chế biến, làm được nhiều món (ăn sống, nhúng lẩu, làm nộm, gỏi, làm dưa chua, xào thịt.), ăn lạ miệng mà còn bởi nó có tác dụng chữa bệnh tương đối tốt.

Theo y học cổ truyền, bèo tây (lục bình) có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,..Đây cũng là loại cây chứa nhiều acid amin, giàu vitamin và các loại khoáng vi lượng khác, rất tốt cho cơ thể.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi chế biến bèo tây, cần chú ý không lấy bèo từ những vùng nước bị ô nhiễm. Bèo tây có khả năng hấp thụ kim loại nặng và nhiều chất khác trong nước để lọc nước nên nếu ăn bèo ở những vùng ô nhiễm, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh do kim loại nặng truyền vào cơ thể.

Rau khoai lang

Những loại rau cho lợn giờ thành đặc sản được săn lùng 1

Khoai lang là một loài cây nông nghiệp với các rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt. Khoai lang có phần củ được dùng làm lương thực, phần lá dùng làm rau.

Lá khoai lang trước thường được người dân hái về và nấu chung cùng cám lợn. Tuy nhiên, giờ đây rau lang đã trở thành món ăn đặc sản tại nhiều nhà hàng bởi giá trị dinh dưỡng và công dụng chữa bệnh của nó.

Theo nghiên cứu, rau lang là loại rau có giá trị dinh dưỡng rất cao, thậm chí cao hơn cả củ. Vitamin B6 trong lá khoai lang cao gấp 3 lần trong củ khoai, vitamin C cao gấp 5 lần, viboflavin cao gấp 10 lần. Giá trị dinh dưỡng của nó tương đương với rau chân vịt, tuy nhiên do lượng axit axalic trong rau khoai lang ít hơn nhiều nên nguy cơ gây bệnh sỏi thận cũng thấp hơn.Trong y học cổ truyền, rau khoai lang có tính bình, vị ngột, ích khí hư... chữa các bệnh như táo bón,buồn nôn, ốm nghén, quáng gà, trị mụn, đau lưng mỏi gối, phụ nữ băng huyết, phòng chống béo phì, chống oxy hóa trong cơ thể.

Rau khoai lang có thể được chế biến dưới dạng món luộc, hoặc xào với tỏi đều rất ngon. Tuy nhiên, cần lưu ý là không ăn rau khoai lang khi đói bởi nó sẽ làm hiện tượng hạ đường huyết thêm trầm trọng. Hơn nữa, rau khoai lang không nên ăn quá nhiều bởi hàm lượng canxi trong lá cao, dễ dẫn tới bệnh sỏi thận.

Rau sam

Những loại rau cho lợn giờ thành đặc sản được săn lùng 2

Rau sam là một loài cây sống một năm, thân mọng nước trong họ Rau sam. Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Đông.Trước kia, ở Việt Nam, rau sam thường mọc dại ven đường và được nhiều người lấy về cho vào nấu cám lợn.

Từ lâu người châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc coi rau sam là siêu thực phẩm bởi giá trị dinh dưỡng của nó. Ngày nay, trong nhiều nhà hàng Việt Nam, rau sam được nâng lên thành đặc sản, được dùng như món rau sống ăn kèm với canh, hoặc xào với tỏi, nấu canh với thịt, cá hoặc đơn giản là luộc chấm mắm tỏi ớt..

Rau sam giàu vitamin A, C, vitamin nhóm B, nhiều khoáng chất như kali, magiê, canxi, sắt, kẽm và selen. Nó cũng rất “giàu có” về chất nhầy, các chất chống oxy hóa như flavonoid, phytoestrogen, các axit hữu cơ như axit xitric hoặc axit malic. Trong thành phần hoạt chất của rau sam có chứa melatonin- một loại hormone điều hòa giấc ngủ và sự tỉnh táo cho cơ thể. Trong y học cổ truyền, rau sam dùng để chữa tiểu đường, hỗ trợ tim mạch, giải nhiệt thanh lọc cơ thể, trị tiểu ra máu, tiểu rắt, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, chống viêm...

Tuy nhiên, phụ nữ có thai và người bị bệnh về thận không nên ăn rau sam.

Bạn đang xem bài viết Những loại rau cho lợn giờ thành đặc sản được săn lùng tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo