Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ho không phải là bệnh mà là phản xạ bảo vệ của cơ thể trẻ với các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế việc xâm nhập của dị vật, vi khuẩn hoặc tham gia vào việc tống xuất dịch tiết nhằm làm sạch đường thở.
Nhưng thực tế có rất nhiều cha mẹ không hiểu rõ bản chất của việc trẻ ho, dẫn đến thấy con ho là cha mẹ sợ hãi, cuống cuồng tìm đủ mọi cách để nhanh chóng chặn đứng con ho, dẫn tới mắc phải một số sai lầm dưới đây khi chưa ho cho con.
Chữa bệnh cho con theo “bác sĩ Google”
Nhiều cha mẹ khi thấy con có biểu hiện mệt mỏi, ho húng hắng là có thói quen lên mạng hỏi “bác sĩ google”, tìm kiếm những thông tin giống biểu hiện bệnh của con và cho con dùng thuốc theo hướng dẫn trên mạng.
Cách làm này rất nguy hiểm, bởi cùng là triệu chứng mệt mỏi, ho, sốt nhưng lại là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau, có trẻ là do viêm họng, viêm phổi, có trẻ lại là sốt virus…
Vậy nên không thể thấy triệu chứng giống trên mạng mô tả đã tự ý cho con dùng thuốc mà không qua thăm khám. Làm như vậy có thể gây hại cho sức khỏe, tính mạng của con trẻ.
Tự làm bác sĩ, tự chữa bệnh cho con
Khi con có biểu hiện ho, sốt, nhiều mẹ không cần theo dõi, không thăm khám đã tự ý ra hiệu thuốc mua cho con uống.
“Đây là sai lầm nghiêm trọng gây hại cho tính mạng trẻ. Hỏng xe cha mẹ không tự sửa mà đem ra thợ sửa xe để sửa. Vậy mà khi con ốm, ho, sốt không đem khám lại tự chữa bệnh cho con. Mãi mới sinh được đứa con mà không coi trọng bằng cái xe thì tôi không hiểu cha mẹ nghĩ gì” – Bác sĩ Dũng nói.
Đó là còn chưa tính đến việc cha mẹ tự mua thuốc kháng sinh cho con uống với suy nghĩ thuốc kháng sinh là “thần dược” chữa mọi bệnh tật, cho con uống kháng sinh sẽ giúp chặn trước tình trạng viêm nhiễm, giúp con nhanh khỏi bệnh.
Lối suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm và việc tự ý dùng kháng sinh cho con có thể gây tác dụng phụ như con bị tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ, kháng kháng sinh…, tăng nguy cơ mắc bệnh nặng hơn mà không có thuốc chữa.
Chữa bệnh cho con bằng đơn thuốc của trẻ khác
Thấy con mình có triệu chứng ho giống con nhà khác mẹ liền xin đơn thuốc về áp dụng chữa cho con mình là sai lầm mà nhiều mẹ bỉm sữa đang mắc phải.
Mẹ phải biết rằng, cùng là ho nhưng mỗi con lại có một bệnh khác nhau, tình trạng sức khỏe, cơ địa khác nhau nên không thể dùng đơn thuốc của trẻ này để áp dụng điều trị cho trẻ khác mà không qua thăm khám của bác sĩ.
Tự ý bỏ thuốc điều trị
Nhiều cha mẹ khi cho con dùng thuốc chữa ho được khoảng 2 – 3 ngày thấy con không khỏi bệnh là vội vã đổi thuốc khác. Hoặc cho con dùng thuốc thấy đỡ là tự ý bỏ thuốc điều trị vì sợ con uống nhiều thuốc sẽ hại thân thể.
Cha mẹ nên nhớ, người xưa có câu “cơm ba bát thuốc ba thang” ngụ ý nói thuốc thang phải có liều lượng. Uống thuốc cần phải dùng đúng liều, dùng đúng theo thời gian quy định mới đem lại hiệu quả điều trị bệnh.
Việc tự ý dừng thuốc giữa chừng sẽ làm bệnh của con thêm nặng hơn, gây khó khăn trong quá trình điều trị và có thể gây ra tình trạng kháng thuốc ở trẻ.
Chữa bệnh mới bằng đơn thuốc cũ
Không ít cha mẹ có thói quen chữa bệnh mới cho con bằng đơn thuốc cũ vì tiếc tiền thăm khám và vì nghĩ rằng lần trước con ho, sốt bác sĩ kê thuốc đó khỏi thì lần này con ho chỉ cần ra mua thuốc giống lần trước là được.
Việc cha mẹ dùng đơn thuốc cũ điều trị bệnh mới cho con là sai lầm nghiêm trọng có thể dẫn tới tình trạng dùng thuốc không đúng bệnh, bệnh không những không khỏi mà còn nguy hiểm đến sức khỏe trẻ.
Bởi trẻ ho do nhiều nguyên nhân khác nhau và với mỗi nguyên nhân lại có cách điều trị khác nhau nên không thể lần nào thấy trẻ ho cũng dùng một đơn thuốc cũ để điều trị.
Kiêng khem cho trẻ quá mức khi bị ho
Khi con bị ho, nhiều cha mẹ bắt con kiêng đủ thứ như tôm, cua, thịt gà, đồ tanh… để con chóng khỏi bệnh.
Cách làm này của cha mẹ đã vô tình làm cho con bị thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng và làm trẻ thêm mệt mỏi, bệnh lâu khỏi hơn.
Cha mẹ nên nhớ rằng, khi trẻ bị bệnh đồng nghĩa với sức đề kháng của trẻ đang suy giảm, lúc này việc bồi bổ cho trẻ, cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống chọi với bệnh tật.
Trẻ đã mệt mỏi vì bệnh, ăn uống không ngon giờ còn phải kiêng khem đủ thứ sẽ làm trẻ suy kiệt, bệnh mãi không khỏi.
Để phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ trong mùa đông, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo cha mẹ cần:
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu
- Cho trẻ bú mẹ từ những giờ đầu sau sinh và duy trì đến 2 tuổi
- Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm với chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn, ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng
- Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý
- Tránh nhiễm lạnh cho trẻ bằng cách không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh
- Không nên tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá và bụi, giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ
- Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh
- Phát hiện sớm các biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ để được tư vấn bác sĩ kịp thời
Bạn đang xem bài viết Những cách chữa ho cho trẻ sai lầm mà nhiều mẹ hay mắc phải tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].