Nhiều trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota
Từ đầu tháng 12, khoa Nhi, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí xuất hiện trở lại nhiều trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota. Theo thống kê của đơn vị này, 3 tuần trở lại đây đã ghi nhận 23 trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy cấp do virus Rota và đang có xu hướng ngày càng tăng.
Tiêu chảy cấp do virus Rota là bệnh cấp tính do virus thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước…
Virus Rota sống bền vững trong môi trường, sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn, có thể sống trong phân một tuần. Bệnh thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh 2 - 3 ngày và kéo dài khoảng 5 - 7 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến tiêu chảy mất nước và nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Tiêu chảy cấp thường lây truyền qua đường phân – miệng thông qua thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiêp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Một số thói quen xấu tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền tác nhân gây bệnh như: trẻ bú bình không hợp vệ sinh, không rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh, xử lý phân không hợp vệ sinh…
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra hiện tượng mất nước và điện giải, nặng có thể gây trụy mạch do giảm thể tích, có thể tử vong. Vì vậy, ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu của tiêu chảy và mất nước như môi khô, khóc không có nước mắt, tiểu ít, quấy khóc, uống nước không uống được … cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp thế nào để con sớm khỏi bệnh?
Bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, trẻ bị tiêu chảy cấp nếu ở thể nhẹ, bệnh thường tự khỏi sau 3-4 ngày, tuy nhiên cần điều trị các triệu chứng theo hướng dẫn của nhân viên y tế như:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường hoặc uống Oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp hoa quả hoặc súp gà, súp thịt, nước sạch, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường cũng là những thức uống phù hợp.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tuy nhiên, cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã đề cập ở trên.
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy.
- Vệ sinh nguồn nước, đảm bảo ăn uống vệ sinh: không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống, giáo dục thói quen vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn.
- Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi), người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.
- Phòng bệnh chủ động: uống dự phòng vắc-xin Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
- Cha mẹ tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trà đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp vì các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm.
- Trong trường hợp bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol, cha mẹ cần chú ý pha dung dịch theo sự hướng dẫn của bác sĩ, cho bé uống từng ngụm nhỏ bằng chén hoặc thìa. Ngoài ra, tiếp tục cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ muốn.
- Cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung kẽm sớm ngay khi bắt đầu bị tiêu chảy.
- Khi trẻ có những biểu hiện sốt, nôn nhiều, đi ngoài nhiều, trẻ biểu hiện rất khát nước; trẻ ăn uống kém hoặc bỏ bú; trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
An AnBạn đang xem bài viết Nhiều trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp, cha mẹ cần chăm sóc thế nào để trẻ sớm khỏi bệnh? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].