Chuyển đổi số y tế là gì?
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, chuyển đổi số y tế là các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới công nghệ số hiện đại, nhằm tối ưu hóa việc quản lý, lưu trữ thông tin, dẫn tới sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động của y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Chuyển đổi số y tế đem lại lợi ích gì?
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế bao gồm việc sử dụng hệ thống hồ sơ điện tử, ứng dụng di động, hệ thống quản lý và các công nghệ tiến tiến… Đối với các bệnh viện, việc chuyển đổi số giúp bệnh viện kiểm soát tốt quy trình, buộc nhân viên phải thực hiện đúng nguyên tắc, mang lại hiệu quả cao trong khám, chữa bệnh.
Đối với người dân, chuyển đối số y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tương tác dễ dàng với nhân viên y tế để phản ánh và nhận hướng dẫn, cũng như quản lý sức khỏe cá nhân thông qua kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh.
Chuyển đổi số y tế còn giúp cải thiện tính cá nhân hóa trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp cần sự can thiệp ngay lập tức. Các công nghệ mới như hồ sơ điện tử, hệ thống thông tin y tế liên kết giúp tăng cường khả năng chia sẻ thông tin y tế giữa các cơ sở chăm sóc, từ đó cung cấp thông tin quan trọng, chính xác cho việc chẩn đoán và điều trị.
Còn đối với nhân viên y tế, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin giúp các bác sĩ dễ dàng tiếp cận các kiến thức và kỹ thuật y học mới nhất, góp phần nâng cao chất lượng, sự an toàn cho bệnh nhân. Đồng thời, chuyển đổi số y tế còn góp phần giảm thiểu nguy cơ sai sót trong các quy trình khám chữa bệnh, đảm bảo sự chính xác và đáng tin cậy trong quản lý thông tin y tế.
Điển hình như việc thực hiện bệnh án điện tử, thông qua hệ thống quản lý thông tin y tế mà giờ đây thông tin sức khỏe của người dân dễ dàng được bác sĩ cập nhật và chia sẻ giữa các bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh. Chính điều này giúp cho việc kết nối, tương tác giữa các chuyên gia y tế trở nên dễ dàng hơn, từ đó tạo điều kiện cho việc hội chẩn và tư vấn điều trị bệnh hiệu quả.
Hơn nữa, mục tiêu của chuyển đổi số y tế là đảm bảo mỗi bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh đều có hồ sơ bệnh án điện tử. Điều này giúp cho hồ sơ sức khỏe của người dân tại các cơ sở y tế được kết nối với nhau. Từ những thông tin được kết nối đó mà bác sĩ điều trị sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về sức khỏe bệnh nhân và đưa ra được phương án điều trị tối ưu nhất.
Đối với các nhà quản lý, việc chuyển đổi số trong y tế mang lại nhiều cải tiến cho việc quản lý sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc. Nhờ sự ứng dụng của công nghệ, nhà quản lý y tế có thể triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo và dự báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng góp phần cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Việc áp dụng các ứng dụng và hệ thống trực tuyến giúp giảm bớt các thủ tục phức tạp, giảm thời gian xếp hàng chờ đợi, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn cho người dân.
Các bệnh viện của Hà Nội thực hiện chuyển đổi số thế nào?
Công cuộc chuyển đổi số tại bệnh viện lấy lợi ích bệnh nhân làm thước đo, nên cái gì có lợi cho người bệnh thì được các bệnh viện ưu tiên làm trước. Vì vậy mà vấn đề đón tiếp, đặt lịch hẹn khám bệnh được nhiều bệnh viện giải quyết đầu tiên.
Như tại BV ĐK Đức Giang, bệnh viện thực hiện đặt lịch khám online, đăng ký khám bệnh bằng Face ID (nhận diện khuôn mặt) và căn cước công dân (CCCD)… Hiện, bệnh viện có số bệnh nhân đăng ký khám Face ID và thanh toán không dùng tiền mặt thuộc nhóm nhiều nhất miền Bắc.
Việc đặt lịch hẹn khám chính xác đến từng phút, đòi hỏi phải số hoá trên phần mềm quản lý bệnh viện (HIS). Theo đó, hệ thống đặt lịch hẹn khám của BV ĐK Đức Giang được triển khai xuyên suốt: Đặt lịch hẹn khám ngay sau khi kết thúc khám trên HIS; Đặt lịch hẹn khám trên Website của BV; Đặt lịch hẹn và thay đổi lịch hẹn trên Tổng đài chăm sóc khách hàng của bệnh viện.
Để đảm bảo việc tiếp đón và khám đúng hẹn, bệnh viện tích hợp 3 trong 1 vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS): Hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng Autocall; kết nối HIS-Tổng đài; tự động chuyển từ Text sang Voice và gọi điện cho bệnh nhân; đăng ký khám chữa bệnh qua tổng đài. Số hóa đã cho phép bệnh viện chuyển đổi linh hoạt giữa quy trình tiếp nhận người bệnh: khám theo hẹn và khám thông thường. Đến nay, hơn 80% người bệnh đến khám đúng hẹn.
Tương tự, BV ĐK Xanh Pôn cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt. Khi đi khám bệnh, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chíp và thẻ bảo hiểm y tế. Từ lần thứ 2 trở đi, người bệnh đi khám chỉ sử dụng khuôn mặt để đăng ký thẳng lên Phòng khám mong muốn, giúp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục, người dân sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp cận các dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, chất lượng.
Cùng với đó, BV ĐK Xanh Pôn xem việc triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy là giải pháp chiến lược góp phần giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh. Ngoài ra, hệ thống thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện đã giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Ðồng thời hỗ trợ bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh quản lý viện phí hiệu quả.
Là bệnh viện thứ 4 của Hà Nội chính thức áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy (sau BV ĐK Mỹ Đức, BV Phụ sản Hà Nội và BV ĐK Xanh Pôn), trung bình mỗi ngày BV ĐK Vân Đình khám cho khoảng 1.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 400 lượt người.
Theo TS.BS Nguyễn Khuyến, Giám đốc BV ĐK Vân Đình, để triển khai bệnh án điện tử, từ năm 2020, BV ĐK Vân Đình bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm quản lý HIS. Từ tháng 2/2023, bệnh viện đã triển khai phần mềm HIS-LIS (phần mềm cận lâm sàng), áp dụng từng bước thanh toán điện tử, chữ ký số, thẻ đăng ký khám bệnh tự động, triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh bằng phần mềm PACS.
Đến ngày 15/8/2023 Bộ Y tế đã đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Bộ chính thức cho phép sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) tại BV ĐK Vân Đình. Việc triển khai bệnh án điện tử vào hoạt động khám chữa bệnh góp phần giảm áp lực cho nhân viên y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng sự hài lòng của người dân.
Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố nhằm giúp mỗi người dân biết, tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Theo đó, TP.Hà Nội đặt mục tiêu: 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn Hà Nội được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội; 100% thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn thành phố được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số, đồng thời được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bện tật. Ngoài ra, hồ sơ sức khỏe điện tử còn giúp bác sĩ nắm được đầy đủ các thông tin sức khỏe của người bệnh, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe…, để từ đó chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đưa ra các phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh, giảm bớt chi phí khám chữa bệnh.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Nhiều bệnh viện của Hà Nội chú trọng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].