Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính
Đây là sáng kiến của UBND quận Cầu Giấy, đã chính thức được áp dụng từ tháng 5/2023. Ứng dụng là bước đột phá áp dụng chuyển đổi số, công nghệ trong phục vụ hành chính cho người dân trong quận.
Ông Trần Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, quận có hơn 30 vạn dân, hơn 22.000 DN, hơn 9.500 hộ kinh doanh. Nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng.
Trong năm 2023, số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận là 317, thuộc thẩm quyền giải quyết cấp phường là 169. Trung bình hàng năm, cấp quận tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 hồ sơ yêu cầu, cấp phường hơn 80.000 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.
Từ kinh nghiệm thực tiễn hàng ngày, quận Cầu Giấy nhận thấy nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho công dân vướng mắc nhiều nhất lại là ở khâu hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ. Nhiều hồ sơ thừa, thiếu giấy tờ theo quy định; nộp sai thẩm quyền giải quyết. Khi công dân hiểu đầy đủ các thủ tục yêu cầu đã là hoàn thành 90%...Do đó, nếu giải quyết tốt khâu này thì thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính theo đúng pháp luật được đẩy nhanh hơn, giảm tải thời gian và công sức cho cả công dân lẫn cán bộ tiếp nhận và thụ lý hồ sơ.
Ngoài ra, các kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân chủ yếu qua trao đổi trực tiếp, điện thoại hoặc mạng xã hội, người dân phải chờ đợi, cán bộ phải trả lời nhiều câu hỏi mang tính lặp lại.
Sự xuất hiện của công nghệ ChatGPT đã đem lại cảm hứng cho quận Cầu Giấy nảy ra sáng kiến 'Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp Thủ tục hành chính'. Giờ đây, thay vì phải tìm tòi các thủ tục hành chính qua nhiều văn bản khác nhau hay sử dụng các kênh truyền thống cần con người cụ thể để giải đáp, công dân hoàn toàn có thể hội thoại với AI chatbot để truy vấn thông tin cần thiết.
Ứng dụng cũng có khả năng đa ngôn ngữ phục vụ người nước ngoài hỏi đáp các vấn đề TTHC, giảm tải sự hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ công chức, giảm thiểu chi phí, giúp cho thông tin trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với người dân, DN. Đồng thời, giảm thời gian chờ đợi cho người dân; cung cấp cho người dân thông tin và hỗ trợ một cách thuận tiện, chính thống, giúp cải thiện trải nghiệm của người dân với các dịch vụ công.
Cùng với đó, giảm chi phí đào tạo và tuyển dụng nhân lực, giúp cơ quan hành chính Nhà nước tiết kiệm chi phí vận hành. Giảm tải công việc cho cán bộ công chức, giúp cán bộ công chức tập trung vào các vấn đề phức tạp hơn.
Cũng theo ông Trần Việt Hà, trong giai đoạn đầu của triển khai ứng dụng AI chatbot, quận Cầu Giấy sẽ triển khai trong phạm vi TTHC của UBND quận và UBND các phường. Trong giai đoạn tiếp theo, quận sẽ triển khai rộng các TTHC của các ngành công an, thuế, bảo hiểm xã hội… Cùng với đó là thông tin về các lĩnh vực khác như giáo dục, du lịch…
Ứng dụng quét mã QR trong cải cách hành chính
“Ứng dụng quét mã QR trong cải cách hành chính” tại phường Quán Thánh (quận Ba Đình) là mô hình hướng dẫn công dân quét mã QR để tìm hiểu thành phần hồ sơ và cách thức thực hiện đăng ký 6 thủ tục hành chính thông dụng thông qua đường link ứng dụng trên Trang thông tin điện tử phường Quán Thánh, bao gồm các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục hộ tịch, cấp bản sao chứng thực điện tử.
Bên cạnh đó, người dân còn có thể quét mã QR để đánh giá sự hài lòng của người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường.
Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh Đoàn Kim Thanh cho biết, việc triển khai thực hiện mô hình trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại phường nhanh, gọn, chính xác, đúng quy định góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Việc thực hiện mô hình sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất đạo đức giao tiếp ứng xử và năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, thực hiện giải quyết các thủ tục, hồ sơ đảm bảo nhanh, hiệu quả.
“Đây chính là thước đo đánh giá sự hài lòng của công dân về thái độ phục vụ của công chức, viên chức phường, góp phần mang lại hiệu lực hiệu quả trong công tác cải cách hành chính tại UBND phường”.
Áp dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để hình thành chính quyền số - công dân số
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình, sáng kiến hay tại các quận, huyện ở Hà Nội trong việc áp dụng chuyển đổi số vào các thủ tục hành chính.
Tinh thần chuyển đổi số đã được thực tế hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhiều giấy tờ đã được bãi bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục và chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt... hình thành chính quyền số - công dân số.
Tính riêng trong quý III/2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận toàn thành phố là 994.814 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn là 957.562 hồ sơ, đạt 99,75%. Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng, thời gian qua TP đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong cải cách hành chính.
Để phục vụ người dân và doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì vận hành khai thác Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã được xây dựng và đưa vào vận hành thử tại các đơn vị trực thuộc TP từ ngày 11/4/2023. Toàn bộ các dữ liệu của công dân, doanh nghiệp bao gồm thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết được số hóa, xác thực bằng chữ ký số của công dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ lưu trữ trên kho dữ liệu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, cho phép công dân, doanh nghiệp được sử dụng lại các dữ liệu trên kho để thực hiện các TTHC lần sau theo đúng quy định.
Đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, CSDL quốc gia về Dân cư, Hệ thống Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, các HTTT/CSDL các Bộ, ngành: Bộ Tư pháp (4 hệ thống), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CSDL Doanh nghiệp), Bảo hiểm việt Nam (CSDL Bảo hiểm); Đã kết nối với VNPost thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo hệ thống Bưu điện công ích; Kết nối tổng đài, tin nhắn SMS Brandname phục vụ cho Hệ thống nhắn tin đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.
Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử. Trên 1.106 lượt hỏi đáp của doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn qua hệ thống 479 kênh hỗ trợ điện tử đã được tiếp nhận, xử lý kịp thời. Triển khai ứng dụng eTax Mobile đáp ứng nhu cầu tra cứu, nộp thuế trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là 183.430.
TP cũng đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc TP.
Tổ chức duy trì, vận hành kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính thông qua ứng dụng Zalo nhằm góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS). Kết quả, qua kênh Zalo đã tiếp nhận 257 phản ánh kiến nghị (PAKN), trong đó: 139/257 PAKN liên quan đến công tác giải quyết TTHC đã được chuyển đến cơ quan chuyên môn để giải quyết và phản hồi cho người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ hoàn thành 100%; 118 PAKN liên quan tới khiếu nại, tố cáo, các phản ánh về môi trường, rác thải, ô nhiễm...
Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cũng chia sẻ: "Hà Nội đang quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, các ngành. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm chuyển đổi số và coi đó là nhiệm vụ của chính quyền. Chính điều này là rào cản không dễ vượt qua trên hành trình chuyển đổi số.
Cải cách hành chính là lĩnh vực quan trọng và rất cần áp dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Bên cạnh hiệu quả từ chuyển đổi số mang lại cho cán bộ, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, thì chuyển đổi số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính còn giúp người dân hiểu hơn về khái niệm 'chuyển đổi số', đưa chuyển đổi số đến gần với người dân hơn, tháo gỡ được rào cản trên hành trình chuyển đổi số của Hà Nội".
V.LinhBạn đang xem bài viết Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính: Áp dụng chuyển đổi số góp phần hình thành 'chính quyền số - công dân số' tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].