Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Nhận thức của phụ huynh học sinh trung học phổ thông về việc học và thi IELTS: Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Nghệ An

Bài viết này trình bày một nghiên cứu khảo sát nhận thức của phụ huynh học sinh trung học về Hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế (IELTS).

Empty

Tác giả: Lê Thị Tuyết Hạnh, Đặng Thị Nhài, Trần Thị Khánh Tùng

- Trường Đại học Vinh

ABSTRACT

Studying IELTS in Vietnam is now becoming increasingly popular and important for those who want to study and work in English-speaking countries. With the development of the economy and the growing trend of international integration, the demand for high IELTS scores is growing exponentially. This paper reports a study examining the perceptions of high school students’ parents about the International English Language Test System (IELTS). The participants included 70 parents, of whom 15 participated in the interviews. The data was collected using a five-point Likert scale survey and follow-up interviews. The findings reveal a strong consensus among the participants on the main purposes of taking IELTS such as university admission, obtaining a scholarship, and improving English learning experiences. Some misconceptions about the effects of this exam on studying other subjects and other aspects of life are also uncovered. From the findings, the paper recommends some solutions to avoid misconceptions surrounding IELTS, thus providing insights for policy considerations and future research.

1. Mở đầu

International English Language Test System (IELTS) “… được sử dụng để đo lường trình độ tiếng Anh của những người muốn học tập hoặc làm việc tại các quốc gia hoặc tổ chức nơi tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng” (O’Sullivan, 2018, tr 1). Được đồng sở hữu bởi Hội đồng Anh, IDP IELTS Australia và Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge, IELTS được công nhận bởi hơn 9.000 cơ quan, tổ chức, trong đó có hơn 3.000 đơn vị tại Hoa Kỳ và hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới (O’Sullivan, 2018). Phạm vi tiếp cận rộng rãi khiến bài thi này trở thành bài kiểm tra trình độ tiếng Anh được chấp nhận trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, kể từ khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BGDDT ngày 25/01/2017 về việc chấp thuận việc sử dụng điểm của các kì thi quốc tế như IELTS và TOEFL cho môn Tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, số lượng thí sinh tham gia các bài thi quốc tế này đang tăng lên chóng mặt. Theo báo cáo thường niên 2023 về “Dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam” của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lí Đề án Ngoại ngữ quốc gia, năm 2021 có hơn 28.600 thí sinh được miễn thi trung học phổ thông quốc gia, năm 2022 con số này tăng lên hơn 35.000 và đạt gần 47.000 vào năm 2023. Đáng chú ý, năm 2018, hơn 50% thí sinh thi IELTS tại Việt Nam có độ tuổi trên 23, chỉ có gần 1,5% thí sinh ở độ tuổi 16-18 và hơn 13% ở độ tuổi 19-22, trong khi vào năm 2023 thí sinh từ 16-18 tuổi chiếm tới 30% (Thanh Hằng, 2023). Có thể nói rằng sự ra đời của chính sách mới có thể là chất xúc tác làm tăng số lượng thí sinh theo đuổi việc học ngoại ngữ và độ tuổi tham gia vào các kì thi IELTS ngày càng được trẻ hóa.

Trên thế giới, đã có một số nghiên cứu liên quan đến bài thi IELTS và những quan điểm của người học về những ảnh hưởng của bài thi lên các kĩ năng khác (Ghamarian et al., 2014; Iwashita et al., 2021). Một trong những kết quả của những nghiên cứu này chỉ ra là việc tham gia học và thi IELTS có tác động tích cực lên khả năng giao tiếp của người học, tuy nhiên có một số đã đánh giá không chính xác về tính tích cực của nó. Ví dụ, các thí sinh quan niệm rằng bài thi viết học thuật IELTS có thể phản ánh đầy đủ các kĩ năng viết cần thiết cho các mục tiêu học thuật hoặc nghề nghiệp cụ thể (Iwashita et al., 2021) hay tin rằng có mối liên hệ giữa điểm thi IELTS và kết quả học tập tổng thể ở bậc đại học (Feast, 2002). Ở Việt Nam, sự phổ biến của IELTS đi đôi với thực tế là nhiều gia đình phải chi một khoản tiền lớn cho con mình theo học các khóa chuyên sau về IELTS và để điểm IELTS cao nhất có thể, trong khi nghiên cứu của Feast (2002) đã chỉ rõ rằng không có mối liên hệ giữa điểm thi IELTS và kết quả học tập cung ở bậc đại học nên việc nâng điểm IELTS lên quá cao là không cần thiết. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh tin rằng IELTS là chìa khóa thành công của con em họ hay tấm hộ chiếu để vào được các trường đại học hàng đầu Việt Nam (Vu et al., 2016). Tuy nhiên, nghiên cứu của Nguyen và cộng sự (2020) đã cung cấp cái nhìn tổng thể về việc giảng dạy các khóa luyện thi IELTS ở miền Trung Việt Nam và cho thấy phần lớn các GV giảng dạy IELTS tham gia trong nghiên cứu không được đào tạo một cách bài bản về việc dạy và đánh giá liên quan đến bài thi IELTS. Từ thực trạng phổ biến hóa của “hiện tượng” IELTS và từ những kết quả nghiên cứu liên quan nêu trên, việc thực hiện một nghiên cứu để đi sâu tìm hiểu nhận thức, quan niệm của phụ huynh về kì thi IELTS là điều cần thiết. Kết quả của nghiên cứu có thể đóng góp vào việc làm rõ thực trạng hiểu biết hiện tại của những người tham gia vào quá trình học và thi IELTS, qua đó đưa ra một số kiến nghị cho các bên liên quan nhằm cải thiện chất lượng dạy và học IELTS nói riêng cũng như nâng cao năng lực tiếng Anh nói chung tại Việt Nam.

2.  Kết quả nghiên cứu

2.1.  Khái quát về khảo sát

- Đối tượng tham gia nghiên cứu: Nghiên cứu đã được thực hiện với sự tham gia của 70 phụ huynh là người có con đang theo học các lớp học IELTS hoặc đã tham gia thi IELTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chủ yếu ở Vinh. Những người tham gia này được chọn dựa theo lời giới thiệu của HS từ các lớp học IELTS hoặc từ các trường THPT trên địa bàn. Để thực hiện mục đích của nghiên cứu, những người tham gia này sẽ trả lời một cuộc khảo sát trực tuyến và sau đó 15 phụ huynh được lựa chọn ngẫu nhiên để tham gia cuộc phỏng vấn sâu bằng cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.

- Công cụ nghiên cứu và quy trình thực hiện nghiên cứu: Nghiên cứu đã áp dụng cách tiếp cận tổng hợp giữa định tính và định lượng để khai thác vấn đề một cách toàn diện hơn.

+ Bảng câu hỏi: Số liệu định lượng được thu thập qua bảng câu hỏi. Bảng câu hỏi này bao gồm 18 nhận định được thiết kế theo thang Likert từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (hoàn toàn đồng ý), nội dung chủ yếu tập trung vào khai thác về hiểu biết của người tham gia về cấu trúc bài thi, mục đích và tác động của bài thi đến kết quả học tập ở trường phổ thông, công việc và một số khía cạnh đời sống khác. Hệ số Cronbach’s Alpha bằng 0.921, đây được xem là hệ số đáng tin cậy. Những người tham gia đã dành khoảng 10-15 phút để hoàn thành bảng khảo sát này.

+ Phỏng vấn sâu: Sau khi bảng câu hỏi được thu thập và xử lí, 15 trong tổng số những người tham gia được lựa chọn bất kì để phỏng vấn bán cấu trúc với mục đích làm rõ một số vấn đề và tìm hiểu sâu hơn về những nội dung nghiên cứu. Nội dung của các cuộc phỏng vấn chủ yếu tập trung tập hiểu về quan niệm của các phụ huynh về ảnh hưởng của việc học và thi IELTS lên con cái của họ. Ngôn ngữ sử dụng trong cuộc phỏng vấn là tiếng Việt. Ngữ liệu định tính này được thu thập, ghi âm và phối hợp phân tích với số liệu định lượng để trả lời các câu hỏi nghiên cứu đề ra.

- Thời điểm thực hiện khảo sát: Tháng 10/2023 đến tháng 11/2023.

2.2.  Kết quả khảo sát

2.2.1 Nhận thức của phụ huynh học sinh trung học phổ thông về cấu trúc bài thi IELTS

Để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu liên quan đến nhận thức của phụ huynh về cấu trúc bài thi IELTS và động lực cũng như các ảnh hưởng của IELTS đến kết quả học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp của con cái họ và một số khía cạnh khác, số liệu từ bảng câu hỏi và phỏng vấn cũng được phối hợp phân tích. Kết quả từ bảng câu hỏi như sau:

Bảng 1. Nhận thức của phụ huynh HS THPT về cấu trúc bài thi IELTS

Nhận thức của phụ huynh

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Tôi biết IELTS là một hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trải dài qua cả bốn kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết

4.34

.931

Tôi biết thang điểm đánh giá IELTS là từ 1 (không biết sử dụng) đến 9 (sử dụng thông thạo)

4.24

.970

Tôi biết kết quả của kì kiểm tra IELTS sẽ có hiệu lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày kiểm tra

4.16

1.016

Tôi biết IELTS gồm có hai loại hình: học thuật (Academic) và đào tạo Chung (General)

4.01

1.110

Tôi biết toàn bộ bài thi sẽ diễn ra trong khoảng 2 giờ 45 phút cho các kĩ năng Nghe, Đọc và Viết (Nghe 40 phút, Đọc 60 phút, Viết 60 phút, Nói 11-14 phút)

3.79

1.273

Nhìn chung, các bậc phụ huynh thể hiện sự hiểu biết chính xác về các cấu trúc của bài thi và các khía cạnh khác của IELTS tương tự. Họ nắm chắc khuôn khổ cơ bản của bài kiểm tra với giá trị trung bình đạt mức 4.34. Ngoài ra, với mức trung bình là 4.01 thuộc về hiểu biết hai loại hình bài thi IELTS riêng biệt là Học thuật và Tổng quát, phụ huynh thể hiện hiểu biết đáng kể về biến này. Phụ huynh cũng thể hiện nhận thức về các chi tiết quan trọng như giá trị của kết quả IELTS (4.16) và thang điểm từ 1 đến 9 (4.24), cho thấy sự hiểu biết vững chắc về giá trị kết quả và mức độ thành thạo tiếng Anh được thể hiện bằng điểm số.

2.2.2. Mục đích của phụ huynh khi cho con học IELTS

Bảng 2. Mục đích của phụ huynh khi cho con học IELTS

Mục đích của phụ huynh

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Xin học bổng

4.06

.946

Đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra tiếng Anh tại đại học

4.04

1.042

Xét tuyển riêng đại học, cao đẳng

3.96

.908

Xin việc trong nước

3.94

1.006

Đi du học

3.91

1.032

Được miễn thi ngoại ngữ trong kì thi THPT Quốc gia

3.83

1.049

Chứng minh khả năng học tiếng Anh

3.83

1.204

Một phương pháp khác để học tiếng Anh

3.71

1.079

Miễn học phần tiếng Anh tại đại học

3.50

1.225

Thể hiện sự chăm chỉ

3.33

1.305

Phục vụ định cư nước ngoài

3.10

1.364

Xuất khẩu lao động

2.49

1.189

Kết hôn với người nước ngoài

2.26

1.270

Dữ liệu được trình bày trong bảng 2 nêu bật những lí do chính khiến phụ huynh HS THPT tại Nghệ An cho con tham gia học và thi IELTS. Trong số những lí do này, động lực chính được phụ huynh đưa ra là việc theo đuổi học bổng (điểm trung bình = 4.06). Tiếp đó, việc đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra về trình độ tiếng Anh trong môi trường đại học và việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng là những động lực quan trọng, với giá trị điểm trung bình lần lượt là 4.04 và 3.96. Bên cạnh đó, những động cơ liên quan đến việc lấy IELTS để hỗ trợ cho đời sống xã hội như việc kết hôn với người nước ngoài, định cư và xuất khẩu lao động như một kì vọng từ góc độ của cha mẹ lại thấp hơn đáng kể, với mức điểm trung bình là 2.26 và 2.49.

2.2.3. Nhận thức của phụ huynh về ảnh hưởng của việc học IELTS đến kết quả học tập ở trường phổ thông Bảng Nhận thức của phụ huynh về ảnh hưởng của việc học IELTS đến kết quả học tập ở trường phổ thông

Nhận thức của phụ huynh

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Cải thiện môn Tiếng Anh ở trường

4.21

.778

Không có ảnh hưởng gì đến thành tích học của con tôi

3.26

1.086

Cải thiện kết quả học tập các môn khác

2.79

1.318

Ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian học các môn khác

2.73

1.203

Theo quan điểm của phụ huynh, việc cải thiện tiếng Anh ở trường là tác dụng lớn nhất của việc học IELTS (4.21) nhưng họ lại không chắc chắn việc học và thi IELTS có ảnh hưởng gì đến kết quả học tập khác hay không. Không có sự khác biệt lớn giữa tác dụng nâng cao kết quả các môn học khác và các tác động tiêu cực của việc học IELTS, với mức đánh giá trung bình là 2.79 và 2.73. Độ lệch chuẩn tương ứng là 1.318 và 1.203 cho thấy mức phân tán rộng của dữ liệu được thu thập. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 phụ huynh (N = 5) trong phỏng vấn đã phản hồi về tác động tiêu cực của IELTS đến kết quả học tập của con mình, trong khi ý kiến phản bác lại cao gần gấp đôi (N = 9). Phụ huynh cũng không cho rằng việc học IELTS làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian học các môn khác.

2.2.4. Nhận thức của phụ huynh về ảnh hưởng của IELTS với công việc học tập

Bảng 4. Nhận thức của phụ huynh về ảnh hưởng của IELTS với công việc học tập

Nhận thức của phụ huynh

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Tôi cho rằng phải có điểm IELTS cao thì con tôi sẽ có khả năng giao tiếp và làm việc hiệu quả, cả ở môi trường Việt Nam và khi đi du học

3.84

1.137

Tôi cho rằng phải có điểm IELTS cao thì thành tích học tập ở trường khi đi du học của con tôi mới tốt

3.59

1.302

Tôi cho rằng bài thi IELTS tạo động lực tích cực để con tôi học tiếng Anh

3.57

1.071

Tôi cho rằng phải có điểm IELTS cao thì con tôi mới có công việc tốt

3.53

1.348

Tôi cho rằng học IELTS gây ra những áp lực không cần thiết cho con tôi

3.21

1.178

Dữ liệu trong bảng 4 thể hiện ý kiến của phụ huynh về ảnh hưởng của IELTS đến cơ hội việc làm và học tập của con cái họ. Tỉ lệ ý kiến cho rằng con họ sẽ có khả năng giao tiếp và làm việc tốt cả trong nước lẫn quốc tế nếu đạt điểm IELTS cao đứng đầu với giá trị trung bình là 3.84. Không có sự khác biệt lớn giữa quan điểm cho rằng điểm IELTS là cần thiết để HS có thể học tập tốt ở trường khi đi du học, đồng thời mang lại động lực tích cực để học tiếng Anh và sau đó là có được một công việc tốt. Tuy nhiên, kết quả từ bảng khảo sát cho thấy các bậc phụ huynh không nghĩ rằng học IELTS khiến HS phải đối mặt với những áp lực không cần thiết (điểm trung bình = 3.21). Kết quả từ phỏng vấn lại cho thấy rằng mặc dù giá trị trung bình của những căng thẳng do IELTS mang lại tương đối thấp nhưng 9 trong số 15 phụ huynh được phỏng vấn thừa nhận rằng bài thi này gây ra một số căng thẳng liên quan đến điểm số hoặc quản lí thời gian. Họ có xu hướng tin rằng những căng thẳng này có thể kiểm soát được và hợp lí do tính cần thiết của bài thi. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là gần một nửa số người được phỏng vấn (N = 6) không đồng ý với quan điểm cho rằng IELTS gây ra áp lực quá mức và trình bày quan điểm như: “Tôi nghĩ việc học nào cũng cần có áp lực để đạt được kết quả tốt và IELTS cũng vậy, nên nói áp lực không cần thiết là hoàn toàn sai lầm” (PH7) và “Môn học nào cũng sẽ mang lại áp lực, IELTS cũng không phải ngoại lệ, nên ở đây không tồn tại “áp lực không cần thiết” (PH9).

2.2.5 Nhận thức của phụ huynh về một số khía cạnh khác của IELTS

Bảng 5. Nhận thức của phụ huynh về một số khía cạnh khác của IELTS

Nhận thức của phụ huynh

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Tôi cho rằng chỉ IELTS mới là con đường tốt nhất để chứng minh khả năng học tiếng Anh của con tôi

3.39

1.322

Tôi cho rằng phải luyện thi IELTS từ sớm (cấp 1, cấp 2)

3.21

1.392

Tôi cho rằng GV dạy Tiếng Anh ở trường phải có điểm IELTS cao

3.14

1.026

Tôi cho rằng phương thức xét tuyển, miễn thi THPT quốc gia bằng chứng chỉ IELTS gây nên sự bất bình đẳng giữa thí sinh

3.00

1.228

Tôi cho rằng tôi chỉ cần chứng chỉ IELTS cao, không quan trọng khả năng tiếng Anh: chấp nhận học mẹo, mua đề

2.84

1.612

Tôi cho rằng ở cấp 3 chỉ cần có chứng chỉ IELTS cao, các môn khác không quan trọng

2.27

1.273

Nghiên cứu cho thấy, phụ huynh HS THPT ở Nghệ An cũng không hẳn đồng ý rằng chỉ có IELTS là phương pháp hiệu quả nhất để chứng minh trình độ tiếng Anh của con họ với điểm trung bình = 3.39. Khi được phỏng vấn, số lượng người phản đối vai trò duy nhất của kì thi IELTS trong việc đánh giá trình độ tiếng Anh của HS cao gấp ba lần quan điểm ủng hộ (N = 10). “Chúng ta đang tìm kiếm một phương pháp học tập tốt hơn; bằng cấp hoặc chứng chỉ hiện không được xếp hạng là phương pháp học tập tốt nhất. Vì vậy, IELTS chỉ mang đến cho HS cơ hội thử những điều mới, trải nghiệm môi trường và phương pháp học tập khác nhằm mở rộng kiến thức và có nhiều cơ hội tiếp cận các chủ đề mới” (PH6).

Tất cả phụ huynh tham gia cuộc phỏng vấn (N = 15) đều phản đối quan điểm cho rằng các môn học khác không còn quan trọng nữa và ủng hộ tầm quan trọng ngang nhau của tiếng Anh bên cạnh các môn học khác. “Rõ ràng không đúng vì những đứa trẻ này là HS Việt Nam và mặc dù IELTS chứng chỉ được quốc tế công nhận và có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, HS cần đảm bảo sự cân bằng trong học tập. Tiếng Anh là một ngôn ngữ chứ không chỉ đơn thuần là một bài kiểm tra nên HS phải học với tinh thần là chúng đang học một ngôn ngữ mới thay vì chỉ học để kiểm tra” (PH5).

Mức giá trị trung bình đối với việc gian lận trong kì thi IELTS là 2.84 và con số yêu cầu điểm IELTS cao đối với GV tiếng Anh ở trường là 3.14, thể hiện quan điểm trung lập của các phụ huynh về hai khía cạnh này. Hơn nữa, độ lệch chuẩn tương đối cao là 1.612 và 1.228 cho thấy các quan điểm khá khác nhau về vấn đề này. Để làm rõ vấn đề, ngữ liệu từ phỏng vấn đã được phân tích và cho thấy hầu hết phụ huynh đều phản đối việc gian lận trong kì thi IELTS (N = 14) vì đây là hành vi đáng xấu hổ (N = 4) và không mang lại hiệu quả trong thực tế (N = 3). Chỉ có duy nhất một phụ huynh ủng hộ việc học mẹo khi nói rằng: “Với tầm quan trọng to lớn của chứng chỉ IELTS ở Việt Nam, tại sao không học mẹo để có thể đạt điểm cao?” (PH4).

Về trình độ của GV tiếng Anh THPT, số phụ huynh phản đối là 9 người vì họ cho rằng điểm IELTS không biểu thị kĩ năng giảng dạy và nhấn mạnh sự khác biệt giữa IELTS với chương trình phổ thông mà HS đang theo học và đề xuất rằng chỉ có GV dạy IELTS mới cần phải có chứng chỉ này (N = 1). Phụ huynh cũng đã phủ nhận về sự không chính xác khi sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển và miễn thi kì thi THPT Quốc gia vì họ cho rằng điểm IELTS

cao tương đương với trình độ tiếng Anh tốt. Phương pháp sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển và miễn thi THPT Quốc gia đã gây ra tranh luận, trong đó có 5 phụ huynh tham gia đồng ý về các bất bình đẳng tiềm ẩn do sự khác biệt về kinh tế hoặc chênh lệch về địa lí.

2.3.  Một số kiến nghị

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu về nhận thức của phụ huynh về tác động về việc học và thi IELTS lên cuộc sống của con cái họ. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy:

Thứ nhất, các bậc phụ huynh đều có sự hiểu biết rõ ràng về cấu trúc, loại hình và các khía cạnh khác của bài thi IELTS, chứng tỏ sự phổ biến của bài thi này ở khu vực và cũng chứng tỏ phụ huynh thực sự quan tâm đến vấn đề học IELTS của con cái mình. Khi nói đến động cơ đằng sau việc thi IELTS, phụ huynh đều có sự đồng thuận về tầm quan trọng của chứng chỉ này đối với việc tuyển sinh đại học và cao đẳng, phản ánh sự liên kết giữa nguyện vọng của họ với mục tiêu học tập. Kết quả nghiên cứu này cũng giống với kết quả của Suryaningsih (2014, tr 93) khi cho rằng “bài thi IELTS được coi như chìa khóa của cánh cổng đại học”. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đã chỉ ra quan điểm về sự bất bình đẳng trong việc xét tuyển này. Trên thực tế, việc học thi IELTS hay các chứng chỉ ngoại ngữ khác tiêu tốn khá nhiều thời gian và tài chính của các gia đình, vì vậy việc lấy điểm IELTS để xét tuyển đại học ít nhiều gây ra sự thiệt thòi cho các bạn HS vùng xa hoặc các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Nên chăng cần có thêm các phương án phù hợp từ Bộ GD-ĐT, từ phía các nhà lãnh đạo các trường đại học để giảm thiểu tối đa sự bất cập này.

Thứ hai, nghiên cứu cũng chỉ ra phần lớn phụ huynh cho rằng việc học IELTS không gây ra áp lực không cần thiết cho người học, giúp cho việc học tiếng Anh ở trường và tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho con em họ. Tuy nhiên, việc học và thi IELTS có hỗ trợ việc học tiếng Anh ở trường THPT hay không đang là vấn đề cần xem xét. Hiện nay, chương trình dạy tiếng Anh hầu hết ở các trường công lập đều triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Nguyễn Thị Hồng Nhật và cộng sự, 2023), điều này có nghĩa là có sự khác biệt về việc học tập theo định hướng giao tiếp trong chương trình và học luyện thi IELTS. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ xuất hiện trong bài thi không thể mô tả hết được những kĩ năng cần thiết cho giao tiếp hay học thuật, nghiên cứu của người học sau này (Iwashita et al., 2021). Vì vậy, cả phụ huynh và HS cần được cung cấp rõ về những hạn chế của bài kiểm tra IELTS trong việc đảm bảo kĩ năng giao tiếp toàn diện và nhấn mạnh hơn về yêu cầu thực hành và trải nghiệm thực tế để sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong công tác và học tập sau này.

Cuối cùng, các bậc phụ huynh trong nghiên cứu này cũng đồng thuận cho rằng con cái họ cần điểm IELTS cao để đạt kết quả học tập tốt ở trường khi đi du học. Kết quả này trái chiều với những kết quả nghiên cứu trước đây. Theo Zheng (2020), sinh viên chỉ đạt được những kĩ năng học thuật thiết yếu chẳng hạn như nghiên cứu bài học, trích dẫn, thuyết trình và viết luận thông qua việc học và tham gia kì thi IELTS. Nghiên cứu của Iwashita và cộng sự (2021) chỉ ra nhiều ý kiến trái chiều về mức độ liên quan của các nhiệm vụ trong bài thi IELTS với các kĩ năng cần thiết cho giao tiếp học thuật. Ngoài ra, hầu như không có mối liên hệ nào giữa điểm IELTS và kết quả học tập chung, vì lí do đó, việc nâng điểm IELTS lên quá cao được cho là không cần thiết (Feast, 2002). Chính vì vậy, để hỗ trợ các bậc phụ huynh có cái nhìn chính xác hơn về bản chất của việc học và thi IELTS, các tổ chức giáo dục và các bên liên quan nên tập trung vào việc cung cấp các buổi tư vấn toàn diện bao gồm các chứng chỉ, phạm vi và giá trị của chúng trong việc đánh giá trình độ tiếng Anh ngoài IELTS. Phụ huynh cũng cần được biết về tầm quan trọng của các kĩ năng chuyên môn khác, trong đó trình độ ngoại ngữ bổ sung cho kiến thức chuyên ngành là rất quan trọng. Hơn nữa, việc tích hợp tư vấn và hướng nghiệp trong chương trình giáo dục có thể hỗ trợ họ mở rộng nhận thức. Việc làm nổi bật sự đa dạng của những con đường dẫn đến thành công và thể hiện tầm quan trọng của kĩ năng chuyên môn bên cạnh khả năng thông thạo ngoại ngữ có thể điều chỉnh lại nhận thức về IELTS và vai trò của nó trong hành trình học tập và nghề nghiệp. Bằng cách cung cấp thông tin chính xác và toàn diện, HS và phụ huynh có thể đưa ra quyết định sáng suốt, dẫn đến cách tiếp cận cân bằng về lợi ích của việc đánh giá trình độ thông thạo ngôn ngữ mà không “toàn năng hóa” vai trò của chúng đối với sự thành công.

3. Kết luận

Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy, các bậc phụ huynh ở Nghệ An có hiểu biết cơ bản về bài thi IELTS và đánh giá khá cao những tác dụng tích cực của việc học và thi IELTS lên con cái của họ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Những bậc phụ huynh này có những nhận thức rõ ràng về các mục đích chính của việc thi IELTS như tuyển sinh đại học, nhận học bổng và cải thiện trải nghiệm học tiếng Anh. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy vẫn còn một số hiểu biết hạn chế về tác động của kì thi này đối với việc học và các khía cạnh khác của cuộc sống như mối liên hệ giữa chứng chỉ này với động lực học tiếng Anh, khả năng giao tiếp và làm việc cũng như kết quả học tập cũng được bộc lộ. Nghiên cứu này được thực hiện ở phạm vi hẹp nên có thể kết quả không mang tính phổ quát, mặc dù vậy nghiên cứu cũng đã góp phần chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế trong nhận thức của các phụ huynh về “hiện tượng IELTS” và đưa ra những đề xuất kiến nghị phù hợp, góp phần cải thiện chất lượng dạy - học tiếng Anh nói riêng và giáo dục ở Việt Nam nói chung.

Tài liệu tham khảo

  1. Feast, V. D. (2002). The Impact of IELTS Scores on Performance at University. International Educational Journal, 3(4), 70-85.
  2. Ghamarian, D., Motallebzadeh, K., & Fatemi, M. A. (2014). Investigating the Relationship between the Washback Effect of IELTS Test and Iranian IELTS Candidates’ Life Skills. Journal of Language and Linguistic Studies, 10(1), 137-152.
  3. Iwashita, N., Sasaki, M., Stell, S., & Yucel, M. (2021). Japanese Stakeholders’ Perceptions of IELTS Writing and Speaking Tests and their Impact on Communication and Achievement. IELTS Research Reports Online Series, No. 4. British Council, Cambridge Assessment English and IDP: IELTS Australia. https://www.ielts.org/ teaching-and-research/research-reports
  4. Nguyen, H. V., Nguyen, M. X. N. C., & Dao, P. (2020). The impact of IELTS on English language teachers in Central Vietnam. IELTS Research Reports Online Series, No. 1. British Council, Cambridge Assessment English and IDP: IELTS Australia. https://www.ielts.org/teaching-and-research/research-reports
  5. Nguyễn Thị Hồng Nhật, Đỗ Thị Thanh Dung, Lưu Thị Hương, Nguyễn Thị Minh Phương, Trần Thị Minh Phương, Mai Thị Vân Anh (2023). Thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng Anh: Góc nhìn từ giáo viên thực hiện chương trình. Tạp chí Giáo dục, 23(5), 58-63.
  6. O’Sullivan, B. (2018). IELTS (International English Language Testing System). Cambridge Assessment English and IDP: IELTS Australia.
  7. Suryaningsih, H. (2014). Students’ Perceptions of International English Language Testing System (IELTS) and Test of English as a Foreign Language (TOEFL) Tests. Theses and Dissertations, Indiana University of Pennsylvania.
  8. Thanh Hằng (2023). Độ tuổi thi IELTS của người Việt ngày càng trẻ. Báo điện tử VnExpress. https://vnexpress.net/ do-tuoi-thi-ielts-cua-nguoi-viet-ngay-cang-tre-4693949.html
  9. Vu, T. P. A., Nguyen, Q. T., & Nguyen, T. T. (2016). Identifying the criteria for selecting language outcomes assessment tools: The case of TOEIC and IELTS. Paper presented at 4th British Council New Directions in English Language Assessment: Standardised Testing and Proficiency scales. Ha Noi, 13-14 October 2016.
  10. Zheng, Y. (2020). Chinese Students’ Perception of English Language Preparation for Academic Studies. US-China Foreign Language, 18(9), 268-272. https://doi.org/10.17265/1539-8080/2020.09.002

[Tạp Chí Giáo dục, Tập 24, số 10 (tháng 5/2024), 41–46.]

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO