Vụ tai nạn máy bay rơi ở Pakistan đã khiến ít nhất 5 ngôi nhà bị phá hủy, may mắn có 2 người sống sót, trong đó có chủ tịch ngân hàng Punjab.
Các nhà chức trách, lực lượng cứu hộ đã và đang nỗ lực để tìm kiếm các nạn nhân trên chiếc máy bay Airbus A320 gồm 98 người bao gồm hành khách và phi hành đoàn.
Hãng hàng không Pakistan cho biết Airbus A320 là một trong những chiếc máy bay an toàn nhất.
Trong khi đó phi công Sajjad Gull cũng là người có kinh nghiệm, đã báo cho bộ phận không lưu trước khi bị tai nạn.
Hassan, 14 tuổi kể: "Tôi đang đến nhà thờ thì thấy chiếc máy bay nghiêng một bên. Tiếng động cơ nghe rất kỳ lạ. Sau đó nó rơi xuống mang theo tiếng động lớn."
Một cư dân khác ở Karachi, anh Mudassar Ali cho biết anh nghe một tiếng nổ lớn, khi thức dậy thấy mọi người đang gọi cứu hộ.
Amjad Shah, một cư dân sống gần đó cũng tỉnh giấc và nghe một tiếng động rất to giống như tiếng bom. Anh cho biết nhiều người tập trung lại xem và cảnh sát đã rất vất vả để có thể giải tán đám đông.
Nadir Butt, một kỹ sư ở một công ty điện thoại di động đang lái xe đến sân bay để đón Dilshah Ahmed, một người bạn và là đồng nghiệp của anh. Ahmed đang trên đường trở về nhà để dự lễ hội Eid (một lễ hội của người Hồi giáo) với vợ và các con của mình.
Nhưng khi thấy chiếc máy bay rơi vào nhà dân, anh Butt đã gọi bạn mình nhưng không nghe máy. Anh chứng kiến cảnh nhân viên cứu hộ đưa từng thi thể từ chiếc máy bay ra. 11 tiếng sau đó, anh Butt nhận được tin bạn mình đã qua đời.
Rizwan Khan một thành viên của đội cứu hộ cho biết họ đã rất vất vả để có thể vào được các ngôi nhà bị phá hủy để tìm kiếm người sống sót vì lửa cháy quá nóng.
Được biết, Pakistan gần đây gặp một số tai nạn hàng không. Năm 2010, một chiếc Airbus cũng bay từ Karachi đã va vào núi khiến 152 người thiệt mạng. Năm 2016, một chiếc P.I.A cũng đã bốc cháy sau khi bị lỗi động cơ, 48 người tử vong.
(Theo AFP/NY Times)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết Nhân chứng kể lại vụ máy bay rơi ở Pakistan: Máy bay nghiêng, tiếng nổ như tiếng bom tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].