Nhà văn Lev Tolstoy là một trong những thành viên danh dự của cộng đồng người ăn chay đầu thế kỷ 20 tại Nga, tuy vậy con đường tìm tới chế độ ăn chay của ông cũng không đơn giản.
Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy (28/8/1828 – 20/11/1910), là một tiểu thuyết gia người Nga, nhà triết học, người theo chủ nghĩa hoà bình, nhà cải cách giáo dục, người ăn chay…
Ông nổi tiếng với 2 cuốn tiểu thuyết kinh điển là Chiến tranh và hoà bình và Anna Karenina, miêu tả sự phóng khoáng và hiện thực của cuộc sống Nga.
1. Hành trình tìm tới chế độ ăn chay
Lev Tolstoy trở thành người ủng hộ chủ nghĩa ăn chay khi bước vào tuổi 50. Hành trình thay đổi trong chế độ ăn của ông gắn liền với những tìm tòi, trải nghiệm của nhà văn về ý nghĩa tinh thần và triết lý của cuộc sống.
Lev Tolstoy là một người theo Chính thống giáo và ông rất tâm niệm với điều răn “không giết chóc” của đạo giáo này. Tuy nhiên, ý nghĩa của điều răn này đã được mở rộng hơn sau khi ông chứng kiến cảnh những người bán thịt giết chết một con bò tại một lò mổ ở Tula. Hình ảnh kinh khủng trong lò mổ đã khiến ông phải đánh giá và suy nghĩ lại về nhiều việc: ví như vì sao ông không ngăn chặn vụ giết bò, vì sao ông lại chứng kiến cảnh giết chóc đó. Lúc này, ông mới hiểu ra rằng thông điệp không giết chóc với ông còn mang ý nghĩa khác – không giết chóc cả động vật.
Ăn thịt động vật với ông đồng nghĩa với việc con người trực tiếp tham gia vào việc giết chóc, chà đạp lên những chuẩn mực tôn giáo và đạo đức. Và vì thế ông lựa chọn ngừng ăn thịt, từ chối các loại thức ăn có nguồn gốc động vật và chuyển sang ăn chay.
Trong các tác phẩm của mình, ông cũng đã chuyển tải quan điểm rằng một nguyên tắc cơ bản của người ăn chay là không bạo lực. Ăn chay là cách duy nhất để ngăn chặn các tội lỗi đang xảy ra trên thế giới. Và sự độc ác, tàn nhẫn với động vật là dấu chứng cho một phông văn hóa và nhận thức thấp của xã hội, cũng như của việc không có khả năng cảm nhận và tận hưởng mọi thứ xung quanh.
Trong hơn 25 năm cuộc đời từ sau khi chuyển sang ăn chay, ông vô cùng tích cực trong việc truyền tải tư tưởng và nguyên tắc của chế độ ăn chay tại Nga. Ông góp phần thành lập và phát triển tạp chí Ăn chay, giúp mở cửa hàng và khách sạn có các món ăn chay, là thành viên danh dự của nhiều hội ăn chay…
2. Thực đơn của nhà văn nổi tiếng
Trong một bản ghi chép của mình, nhà văn Lev Tolstoy có viết: “Chế độ ăn hàng ngày của tôi chủ yếu là yến mạch, tôi ăn 2 lần cùng với bánh mì làm từ bột mì. Ngoài ra, bữa trưa tôi ăn súp bắp cải, súp khoai tây, cháo kiều mạch hoặc khoai tây luộc, uống nước táo hầm cùng mận khô.
Thỉnh thoảng, bữa tối được thay thế bằng cháo – đây cũng là món ăn chính trong thực phẩm ăn kiêng hàng ngày của tôi. Sức khỏe tôi không hề bị tổn hại mà còn được nâng cao hơn từ sau khi tôi và gia đình không ăn thực phẩm từ sữa, bơ, trứng cũng như uống trà, cà phê và đường”.
Có một câu chuyện khá thú vị về việc giữ nguyên tắc ăn chay của gia đình nhà văn Tolstoy. Nhà văn có một người em gái tên T.A. Kuzminskayatới thăm khi ông và người thân và một số bạn bè chuyển tới Yasnaya Polyana để cùng thực hiện chế độ ăn không thịt. Bà T.A. Kuzminskaya thích ăn thịt và khi được phục vụ các món ăn chay, bà nói, đó là những thứ ghê tởm, bà không ăn được. Bà muốn được ăn thịt và thịt gà.
Lần khác, khi bà T.A. Kuzminskaya tới thăm gia đình nhà văn để ăn tối, bà rất ngạc nhiên khi thấy một con gà đang được buộc vào chân ghế cùng một con dao lớn bên cạnh.
Khi được hỏi, nhà văn Tolstoy trả lời rằng: ‘Em muốn ăn thịt gà nhưng không ai trong chúng tôi muốn cắt tiết gà. Vì thế, chúng tôi chuẩn bị mọi thứ để em có thể tự phục vụ mình”.
Sự kiên định với ăn chay của Lev Tolstoy được thể hiện ngay cả khi nhà văn nổi tiếng mắc bệnh rất nặng năm 1901, ông phải chuyển tới Crimea để dưỡng bệnh, ông cũng cương quyết từ chối món súp có nước thịt mà vợ ông đã chuẩn bị cho mình.