Nhiều người nghĩ rằng, với quyền lực của mình, các Sa hoàng Nga phải thích ăn toàn những món vô cùng cao quý, khó tìm. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Cùng tìm hiểu một số món ăn mà các Sa hoàng như Alexander I, Alexander III và Nikolai II thích ăn nhé!
1, Sa hoàng Alexander I (23/12/1777 - 1/12/1825)
Sa hoàng Nga Alexander I, tên thật là Alexander Pavlovich (sinh ngày 23/9/1777) lên ngôi trị vì từ ngày 23/3/1801 đến ngày 1/9/1825. Ông cũng là vua Ba Lan từ năm 1815 đến 1825, là người Nga đầu tiên làm Đại Công tước xứ Phần Lan và Litva. Ông là con trưởng trong 4 người con của Sa hoàng Pavel I và Hoàng hậu Maria Feodorovna.
Trong thời gian trị vì, ông đã lãnh đạo nước Nga chiến thắng đế quốc Ottoman, Thụy Điển và đặc biệt là chiến thắng oanh liệt trước Hoàng đế Pháp Napoleon vào năm 1812. Người dân Nga nói riêng và châu Âu nói chung đã tôn vinh ông là một trong những người hùng, người có ảnh hưởng lớn nhất châu Âu thời đó.
Sa hoàng Alexander I rất thích uống trà xanh. Ông thường dùng nó vào mỗi sáng. Trà thường được mang tới cho ông lúc 7 giờ, kèm theo là kem và một ổ bánh mì trắng. Sau khi đi dạo, vào lúc 10 giờ, ông sẽ ăn hoa quả, đặc biệt là quả dâu tây. Tới 21 giờ, ông lại tiếp tục uống trà và 23 giờ đêm, ông uống kefir. Đây có thể là chế độ ăn dựa trên lời khuyên của bác sĩ để tránh những cơn đau dạ dày.
Ngoài trà, Sa hoàng Alexander I còn thích ăn món canh botvinyu. Đây là món ăn truyền thống của Nga, được nấu từ kvas chua, thêm vào cây chút chít (nghiền, hoặc đã chế biến) cùng với ngọn củ cải, rau chân vịt, hành xanh, cây tầm ma và loại thảo mộc ăn được khác.
Sau chiến thắng Napoleon năm 1812, Sa hoàng Alexander I đi chu du khắp châu Âu và được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ trên thế giới. Qua những chuyến đi này, ông được cho là đã phổ biến món trứng cá ra toàn châu Âu.
2. Sa hoàng Alexander III (10/3/1845 - 1/11/1894)
Sa hoàng Alexander III là vị Hoàng đế, hay Sa hoàng áp chót của đế quốc Nga từ ngày 13/3/1881 tới khi qua đời năm 1894. Ông là một thành viên của nhà Romanov, cũng làm Đại Công tước xứ Phần Lan và Vua Ba Lan. Ông là con trai của Sa hoàng Alexander II và cháu trai của Sa hoàng Nikolai I, bố của vị Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử nước Nga Nikolai II.
Vị Sa hoàng này cả đời phải đấu tranh để giảm cân bởi ông cho rằng một vị Sa hoàng béo không thể là một hình mẫu tốt với thần dân nước mình. Tuy nhiên, lúc thì ông tuân theo được một quy tắc ăn kiêng nghiêm ngặt, lúc thì ông lại ăn no nê tới tận đêm.
Sa hoàng Alexander III rất thích ăn lợn quay với cải ngựa. Ông cũng rất thích ăn món dưa chuột muối và thích được thử các loại nước sốt khác nhau mà mình mang từ Paris về. Ngoài ra, ông rất thích ăn cá, được chế biến khi còn tươi nguyên.
Về đồ ngọt, Sa hoàng thích ăn các loại bánh moussie hoa quả và kết thúc bữa tiệc bằng một cốc sô cô la nóng.
3. Sa hoàng Nikolai II (19/5/1898 - 17/7/1918)
Sa hoàng Nikolai II là vị Hoàng đế, hay Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Nga. Ông cũng là Đại Công tước Phần Lan và Vua Ba Lan trên danh nghĩa. Hoàng đế Nikolai II trị quốc từ năm 1894 đến khi thoái vị vào ngày 15/3 /1917.
Dưới triều ông, Nga - một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời đó - đã lâm vào khủng hoảng kinh tế và quân sự.
Cũng thời gian này, phong trào phản đối chính trị - xã hội, phong trào nổi dậy phát triển mạnh mẽ. Điển hình là cuộc nổi dậy năm 1905 - 1907, Cuộc cách mạng tháng 2 năm 1917 và cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại.
Về chính sách đối ngoại, dưới thời Sa hoàng Nikolai II, nước Nga mở rộng lãnh thổ về Viễn Đông, thực hiện cuộc chiến tranh với Nhật và tham gia vào khối liên minh quân sự các cường quốc châu Âu. Đặc biệt, thời gian này nước Nga tham gia vào chiến tranh thế giới thứ I.
Giống cha mình, Sa hoàng Nikolai II thích ăn sáng bằng dưa chuột muối. Nhiều người cho rằng, Sa hoàng Nikolai II là người có chế độ ăn uống vô cùng hợp lý. Nhiều khi ông chỉ thích ăn củ cải và uống nước.
Ngoài ra, ông thích ăn cháo, bánh tráng (Bliny – món ăn truyền thống làm từ bột mì của Nga) và bánh mì lúa mạch đen.
Sau khi thoái vị, ông thường ăn cháo và khoai tây nghiền cùng cơm nắm hoặc mì Ý với nấm.