Bệnh gout là gì?
Bệnh gout là một dạng viêm khớp phổ biến. Những rối loạn chuyển hóa liên quan tới ăn uống khiến huyết tương có nồng độ axit uric quá cao. Từ đó dẫn tới lắng đọng tinh thể urat hoặc tinh thể axit uric.
Người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau.
Khi đời sống được nâng cao hơn, nguồn thực phẩm đa dạng và chế độ ăn không lành mạnh nên căn bệnh này ngày càng phổ biến và trẻ hóa.
Các thói quen ăn uống gây bệnh Gout
Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh Gout chính là chế độ ăn uống sai lầm. Mức sống của xã hội tăng lên, lối sinh hoạt thay đổi, mọi người thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa nhiều nhân purin và uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn... là nguyên nhân chính làm tăng acid uric trong máu.
Acid uric tăng quá cao trong máu và đọng lại hình thành nên các tinh thể Urat có đầu sắc nhọn, tập trung tại khớp, tổ chức dưới da gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.
Để phòng ngừa bệnh gout cũng như tránh cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, cần hạn chế những thói quen xấu dưới đây:
Ăn nhiều nội tạng động vật, hải sản dễ gây bệnh Gout
Các thức ăn chứa từ 50% purin trở lên (thức ăn nhiều đạm) dễ làm tăng nguy cơ hình thành bệnh gout cấp tính.
Purin có các loại thịt đỏ như: Thịt bò, thịt chó, thịt dê, thịt bê, các loại hải sản, phủ tạng động vật...
Do đó, nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa purin để ngăn ngừa bệnh Gout.
Ăn nhiều chất béo
Chất béo là thành phần khá quan trọng trong bữa ăn hàng ngày, cần cho quá trình chuyển hóa một số chất và vi chất quan trọng như vitamin A, D, E…
Tuy nhiên nếu dùng quá mức cần thiết, đặc biệt là chất béo bão hòa, có thể làm chậm tiến trình của acid uric và làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn gout cấp.
Các thực phẩm chất béo nên sử dụng ở người mắc bệnh gút là: dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng.
Lạm dụng thịt và cá trong khẩu phần ăn hàng ngày
Tất cả các loại thịt thường chứa hàm lượng purin cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ nên ăn khoảng 113g đến 170g mỗi ngày. Thịt nạc luôn an toàn hơn thịt mỡ.
Chọn các thực phẩm chứa dưới 50% purin như thịt lợn nạc, lườn gà, trứng, sữa ít béo... (chỉ nên chiếm 10% protein trong bữa ăn).
Uống bia, rượu, đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn là đối tác ăn ý với bệnh gout.
Các loại bia, đặc biệt bia tươi và bia hơi có chứa nhiều nấm men. Men bia chứa nồng độ purin cao. Vì vậy, sau uống bia cơn đau có thể đến rất nhanh và gây ra đau đớn với những người mắc bệnh gout.
Đối với rượu, tuy không phải là nguồn cung cấp purin dồi dào, nhưng chất cồn trong rượu làm suy giảm chức năng hoạt động của gan thận, gây mất cân bằng việc chuyển hóa acid uric trong cơ thể.
Ăn thức ăn nhiều đường và đồ ăn vặt
Thức ăn chứa nhiều đường, chất pha ngọt, và thực phẩm đã qua chế biến thường là nguyên nhân chính gây bệnh gout.
Vì vậy, thay vì uống soda và nước trái cây chứa nhiều đường, hãy thử thay thế bằng nước tinh khiết hoặc nước ép trái cây nguyên chất.
Hãy luôn để ý thành phần của các sản phẩm bạn mua ở cửa hàng tạp hóa. Tránh mua các loại thực phẩm chứa đường fructose có trong siro bắp, hoặc chỉ dùng thức ăn có đường hay các loại khác của siro bắp ở mức tối thiểu.
Bên cạnh việc bỏ các thói quen ăn uống trên, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thực hiện tập thể dục đều đặn. Lười tập thể dục là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô số các bệnh từ xương khớp đến các bệnh như tiểu đường, béo phì, gan nhiễm mỡ.
Việc lười vận động khiến vùng xương khớp trong cơ thể tích tụ các tinh thể Urat ở một mức độ nhất định, dù cơ thể không có dấu hiệu gì bất thường.
Xem thêm: Ngày càng nhiều thanh niên mắc bệnh Gout, thấy đau ở 3 chỗ này chứng tỏ đã mắc bệnh
V.LinhBạn đang xem bài viết 5 thói quen ăn uống dẫn đến bệnh gout, cần bỏ ngay nếu không muốn chịu đau đớn tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].