Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thời gian nhân dân địa phương còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc có giá trị về thẩm mĩ, văn hóa, lịch sử, mang đậm dấu ấn về thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, không gian văn hóa, giá trị lịch sử, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Trong bản đồ du lịch Việt Nam, Ninh Bình được xác định nằm ở Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, có các tuyến du lịch quốc gia chạy qua (tuyến đường bộ theo quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 10… và tuyến đường sắt Bắc - Nam), Thành phố Ninh Bình còn được xác định là trung tâm của tiểu vùng du lịch Nam đồng bằng sông Hồng. Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng…, trong đó nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích tiền sử, lịch sử gắn với kinh thành của Cố đô Hoa Lư với một vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, một biểu tượng khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam của 3 triều đại: Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và Nhà Lý ở thế kỷ X.
Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh, Ninh Bình còn có hệ thống di sản, di tích văn hóa độc đáo và rất có giá trị. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 405 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 324 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt). Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm đã và đang trở thành điểm đến của du lịch văn hoá và tâm linh…
Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa, Ninh Bình còn là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng với 393 di sản, trong đó có 208 lễ hội truyền thống, đặc biệt có nhiều lễ hội đặc sắc được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ…
Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn, nghề gốm Bồ Bát (Yên Mô). Ngoài ra, Ninh Bình còn được biết đến bởi nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn nổi tiếng như: Thịt dê, cơm cháy, nem Yên Mạc (Yên Mô), rượu Lai Thành (Kim Sơn), mắm tép Gia Viễn…
Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Khu dự trữ sinh quyển Bãi ngang – Cồn Nổi, Khu Ramsar thế giới – Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và các di tích lịch sử- văn hóa, đây chính là nguồn tài sản vô giá, là nền tảng, là động lực quan trọng để tỉnh Ninh Bình khai thác, phát triển du lịch và hội nhập
Thời gian qua, xác định tiềm năng, lợi thế, vai trò quan trọng về hệ thống di sản của địa phương, tỉnh Ninh Bình đã ban hành chủ trương, chính sách, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Trong lĩnh vực du lịch, là tỉnh có nhiều di sản nổi bật, với tiềm năng, lợi thế khác biệt, tỉnh nhận thấy việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch từ đó tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết, hội nhập và giao lưu, đồng thời thông qua phát triển du lịch tiếp tục bảo tồn, phục dựng các giá trị di sản là việc làm cần được chú trọng, thúc đẩy.
Kế thừa những thành quả đã đạt được, Nghị Quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045, tiếp tục xác định quan điểm, định hướng chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc để phát triển du lịch, đồng thời đề ra nhiều giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử Cố đô Hoa Lư và Di sản thế giới Tràng An.
Công tác phát huy giá trị di sản của Ninh Bình đạt nhiều kết quả tích cực: lượng khách đến Ninh Bình tăng trưởng qua từng năm, nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư tôn tạo, bảo vệ các di tích, di sản văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho du lịch Ninh Bình. Nhiều dự án, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bao hào nước vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư...
Có thể thấy rằng di sản và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Các di tích, danh thắng, di sản văn hóa được quan tâm nhận diện, gìn giữ, bảo tồn, trùng tu tôn tạo, trở thành di sản của tỉnh, quốc gia và quốc tế sẽ trở thành tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng để du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và nguồn lực về cả nhân lực và vật lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản cũng như phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.
Để đảm bảo mục tiêu phát huy giá trị di sản kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan và bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của di sản, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản gắn với khai thác các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn được phát huy, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Ninh Bình.
Các đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc như hát chèo, hát xẩm, hát văn, múa trống dân gian…luôn được chú trọng. Bước đầu đã đưa một số loại hình nghệ thuật dân tộc như hát chèo, hát xẩm, hát văn... vào phục vụ ở một số khu, điểm du lịch như "Chiếu chèo" thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Bên cạnh việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ du lịch, Ninh Bình đã tận dụng khai thác thế mạnh của các giá trị văn hóa vật thể tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng như du lịch làng nghề, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ được lựa chọn giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh qua đó nhằm phát huy thế mạnh đặc trưng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa tiếp tục được nâng cao, qua đó nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Đã hình thành và đưa vào một số mô hình du lịch cộng đồng bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Để công tác bảo tồn, phát huy di sản gắn với du lịch một cách hiệu quả và phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình đã tổ chức xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển sinh kế cho người dân, xây dựng cộng đồng trở thành trung tâm trong việc bảo vệ di sản để “sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản”, đồng thời thực hiện giải pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cam kết thực hiện tốt quy định trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản.
Với nhiều vẻ đẹp thiên nhiên riêng có, những năm qua, Ninh Bình đã nhiều lần được các tổ chức trong nước và thế giới xếp top cao trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín. Năm 2020, Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2022, Tạp chí Du lịch và giải trí (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Ninh Bình đoạt Giải thưởng Đánh giá của khách du lịch, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới.
Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới. Mới đây nhất năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông". Đặc biệt, ngày 22/11/2024, tại Lễ trao giải thưởng Kotler 2024 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An vinh dự được trao giải “Impactful destination”- Điểm đến có ảnh hưởng. Đây chính là một sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh Ninh Bình với hạt nhân là Quần thể danh thắng Tràng An; cũng như những tác động của di sản thế giới này đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch và cuộc sống cộng đồng địa phương.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Nguồn lực di sản văn hóa và sự phát triển du lịch Ninh Bình tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].