Báo Điện tử Gia đình Mới

Bảo tồn loài Voọc mông trắng tại Quần thể danh thắng Tràng An

Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở rìa phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, có tổng diện tích 12.252ha với 3 khu vực chính gồm: Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, khu rừng nghuyên sinh đặc hữu Hoa Lư.

Empty

Quần thể danh thắng Tràng An là một vùng non xanh, nước biếc, mây trời hoà quyện. Trải qua hàng triệu năm kiến tạo đã hình thành nên các thung lũng, hang động và hồ đầm đều là các kiệt tác của thiên nhiên. Không chỉ hội tụ cảnh quan thiên nhiên độc đáo với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ cùng bề dày văn hoá lịch sử truyền thống mà đây còn là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú với rừng ngập nước và rừng trên cạn được hình thành trên nền Karster.

Qua hơn 8 năm được UNESCO ghi danh, các thuộc tính tạo nên các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An luôn được tôn trọng và gìn giữ; an ninh trật tự, cảnh quan môi trường được đảm bảo; các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, từng bước đưa du lịch là nghành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Hiện trạng Quần thể Voọc mông trắng và công tác quản lý bảo tồn.

Trước những năm 80 của thế kỷ XX, Tràng An từng là nơi cư trú và sinh sống vô cùng thuận lợi của những cá thể Voọc mông trắng bởi nơi đây có hệ thống núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm và cũng là nơi bảo tồn, chứa đựng đa dạng các hệ sinh thái động thực vật. Tuy nhiên, theo thời gian và một số tác động ngoại cảnh, loài linh trưởng quý hiếm này không còn xuất hiện ở Tràng An nhưng một quần thể của loài này vẫn đang được bảo vệ tốt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long và vườn quốc gia Cúc Phương.

Empty

Loài Voọc mông trắng được phát hiện từ năm 1930 trong một chuyến thám hiểm của ông Jean Delacour, một nhà động vật học người Pháp nổi tiếng. Giới khoa học đã miêu tả loài này qua 2 mẫu da động vật mua lại từ thợ săn bản địa ở huyện Hồi Xuân, nơi đây đã trở thành thị trấn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Sau 50 năm không có thông tin gì về loài linh trưởng này, đến khi các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được chúng ở Vườn Quốc gia Cúc Phương vào năm 1987.

Đến năm 2000, các chuyên gia của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Cúc Phương đã phát hiện được hơn 40 cá thể Voọc mông trắng ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Tính đến nay, ở Vân Long có khoảng hơn 200 cá thể Voọc mông trắng sinh sống (chiếm 70% tổng số Voọc mông trắng trên toàn Thế thới). Nơi đây là ngôi nhà vô cùng an toàn cho loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm Voọc mông trắng.

Tuy nhiên loài này vẫn có thể bị biến mất và có nguy cơ bị tuyệt chủng do một số ảnh hưởng như nguồn gen di truyền, bệnh dịch hoặc các tác động bên ngoài như môi trường sống, thiếu nguồn thức ăn tự nhiên, thay đổi môi trường sống… Do vậy việc thiết lập một quần thể thứ hai là ưu tiên bảo tồn hàng đầu nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài và đảm bảo sự tồn tại lâu dài của chúng.

Theo các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ học và cổ môi trường thuộc trường Đại học Cambridge và Queen’s Belfast - Vương quốc Anh, trước đây, Quần thể danh thắng Tràng An từng là nơi sinh sống của môt quần thể Vọc mông trắng, và đây là cơ sở để thiết lập lại một quần thể Vọoc tại đây.

Vị trí thích hợp để nghiên cứu nhằm tái thả Vọc là Đảo Ngọc nằm trên tuyến thăm quan số 1 và số 3 với diện tích khoảng 3 ha, hoàn toàn thích hợp cho một đàn Voọc mông trắng. Hai cuộc điều tra ngoại nghiệp về thảm thực vật trên hòn đảo này và những kết quả thu thập được cho thấy thảm thực vật ở đây có rất nhiều loài là nguồn thức ăn đúng cho loài Voọc mông trắng.

Tháng 8 năm 2020, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương và các bên có liên quan đã chuyển giao thành công 3 cá thể Voọc mông trắng từ Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp, Vườn Quốc gia Cúc Phương tới Tràng An. Các cá thể Voọc mông trắng được đưa tới núi Ngọc thuộc khu danh thắng Tràng An để hoà nhập vào môi trường nơi chúng đã từng phân bố ban đầu.

Thời gian đầu, 3 cá thể Voọc được nuôi nhốt để thích nghi với điều kiện tự nhiên sống mới. Các cá thể Voọc mông trắng được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và theo dõi trực tiếp bởi đội ngũ nhân viên của Khu du lịch sinh thái Tràng An, những người đã được học tập và đào tạo bởi các chuyên gia của Vường Quốc gia Cúc Phương về chăm sóc loài động vật này.

Đến tháng 10 chúng được thả tự do trên núi Ngọc, tự kiếm ăn và thích nghi hoàn toàn với môi trường sống mới. Sau hơn 2 năm hoà nhập với môi trường sống tại đảo Ngọc, gia đình Voọc mông trắng đã cho sinh sản 2 cá thể, lần lượt được sinh vào tháng 10/2021 và tháng 9/2022.

Việc cá thể Voọc mông trắng sinh ra tại môi trường đảo Ngọc, Tràng An là một tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực sinh thái này, tạo cơ sở để khôi phục, thiết lập một quần thể mới về loài linh trưởng đặc hữu đã được liệt kê cực kỳ nguy cấp trong danh sách các loài bị đe doạ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Có thể nói, đảo Ngọc là nơi lý tưởng trong việc phát triển và bảo tồn lâu dài quần thể Voọc mông trắng trong tương lai.

Thách thức đối với công tác quản lý, bảo tồn Voọc mông trắng tại Tràng An

Voọc mông trắng, một loài linh trưởng quý hiếm đang gặp phải nguy cơ đáng báo động và cần được bảo tồn nghiêm ngặt trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Voọc mông trắng thích sống trong các khu rừng thứ sinh trên núi đá vôi hiểm trở. Chúng thường di chuyển và kiếm ăn theo đàn ở các sườn núi và thung lũng. Những nghiên cứu cho thấy, Voọc mông trắng rất thích ăn một số loài cây gắn với sinh cảnh núi đá vôi.

Chồi non luôn là món ăn ưa thích nhất của chúng, sau đó là các loại hoa, quả, cành non và cả côn trùng. Tuy nhiên, hiện nay môi trường sống của chúng đang bị ảnh hưởng và thu hẹp dần bởi các tác động như khí hậu khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường, thức ăn tự nhiên không được đảm bảo, bệnh dịch… Do đó, việc bảo vệ sinh cảnh và môi trường sống của loài Voọc mông trắng luôn được chú trọng.

Đảo Ngọc tại Tràng An là một khu tách biệt, một nơi cư ngụ an toàn cho một đàn Voọc mông trắng. Khu vực này được quản lý chặt chẽ, không bị ảnh hưởng bởi các tác động của con người như ô nhiễm môi trường cảnh quan, các hoạt động săn bắt, lấn chiếm đất canh tác hay khai thác đá vôi, cho phép quản lý giám sát động vật vào bất cứ lúc nào, sẽ dễ dàng chuyển đổi động vật hay can thiệp thú y khi cần thiết. Tuy nhiên các tác động ngoại cảnh như thời tiết khí hậu, bệnh dịch và nguồn thức ăn tự nhiên hiện đang là thách thức đối với công tác quản lý và bảo tồn loài Voọc mông trắng tại đây.

Bên cạnh đó, nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài Voọc mông trắng nói chung vẫn còn hạn chế. Mặc dù đội ngũ nhân viên dù đã được học tập và đào tạo bởi các chuyên gia về chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ loài động vật này nhưng vẫn thiếu những kinh nghiệm thực tế. Thêm đó, chưa xây dựng được một kế hoạch tổng thể trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài Voọc mông trắng nói riêng.

Định hướng, chiến lược và các giải pháp bảo tồn loài Voọc mông trắng tại Tràng An

Khu du lịch sinh thái Tràng An là một điểm du lịch thu hút, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Việc có thể dễ dàng quan sát được loài linh trưởng quý hiếm của thế giới trong điều kiện tự nhiên sẽ tạo nên dấu ấn và tăng sự thu hút đối với du khách tới thăm quan Khu di sản danh thắng Tràng An, vừa tạo nên sản phẩm du lịch, vừa góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong gìn giữ và bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, Vọoc mông trắng nói riêng.

27082021vthuy127

Để bảo tồn và cứu loài Voọc mông trắng khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cần thực hiện ngay một số những ưu tiên, đề ra định hướng, chiến lược cụ thể và xác định các giải pháp bảo tồn loài linh trưởng này. Cụ thể:

- Xây dựng đề án bảo tồn Voọc mông trắng tại đảo Ngọc, Tràng An, trong đó đánh giá những tác động của ngoại cảnh, tác động của con người tới môi trường sống của Voọc mông trắng tại Tràng An.

- Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cảnh quan, đa dạng sinh học. Phát triển du lịch song song với bảo tồn giá trị hệ sinh thái. Hạn chế tối đa các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của Voọc.

- Xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đồng thời, thành lập tổ chăm sóc, theo dõi Voọc mông trắng nhằm bảo vệ và giám sát các hoạt động của Voọc mông trắng để sẵn sàng di chuyển hay can thiệp thú y khi cần thiết và có những biện pháp bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này.

- Tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền về bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, bảo vệ loài Voọc mông trắng, qua đó giúp nhân viên, người lao động, nhân dân địa phương và khách du lịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về cảnh quan thiên nhiên, cũng như nắm rõ các chính sách, quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn loài linh trưởng Voọc mông trắng, từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn loài Voọc mông trắng.

- Tiếp tục duy trì kết nối sinh cảnh. Khả năng tồn tại của Voọc mông trắng phụ thuộc vào khả năng di chuyển cũng như sinh sản trong toàn bộ cảnh quan. Nếu như hành lang sinh cảnh bị mất đi thì khả năng tuyệt chủng của loài linh trưởng này là rất cao. Do đó cần bảo vệ toàn vẹn sinh cảnh và hệ sinh thái của khu vực Voọc mông trắng đang sinh sống.

Việc bảo tồn loài Voọc mông trắng tại Quần thể danh thắng Tràng An có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản. Điều này không chỉ góp phần làm giàu các giá trị của di sản, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và du khách về bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và các loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam và Thế giới.

Đồng thời tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu và thực hiện nghiệp vụ bảo tồn đa dạng sinh học tại Quần thể danh thắng Tràng An, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số số 628/QĐ-TTg ngày 10 tháng 05 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới.

 Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Bùi Quang Ninh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính