Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững (tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30.1% năm 2000 xuống còn 14.1% năm 2015 và năm 2020 tỷ lệ này là 11.5%).
Đặc biệt, bác sĩ Tiến cho biết, hiện chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao.
Mặc dù, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm 1% một năm (tỷ lệ này hiện nay là 19.6%), nhưng còn tồn tại sự khác biệt và chênh lệch khá lớn giữa các vùng sinh thái, giữa thành thị và nông thôn như: vùng Miền Núi 38.0%, Nông thôn 14.9% và Thành thị 12.4%,… Suy dinh dưỡng thấp còi vẫn tập trung nhiều ở những nơi khó khăn, vùng dân tộc thiểu số: Miền núi phía Bắc 37.4% và Tây nguyên 28.8%; dân tộc kinh 17.1% và dân tộc khác là 32.0%.
Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 thì tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã cải thiện rõ rệt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.
- Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14.2% xuống còn 9.5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35.5% xuống còn 18.3%. Đạt được kết quả đó, là do tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống là 98,8%. Tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh con trong vòng 1 tháng được uống vitamin A là trên 90%.
- Thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu, ảnh hưởng đến khả năng lao động và học tập. Thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi đều được cải thiện. Năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19.6%, phụ nữ là có thai là 25.6% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16.2% so với năm 2010 (thì tỷ lệ thiếu máu của các đối tượng trên là 29.2%, 36.5% và 28.8%).
- Tình trạng thiếu kẽm ở phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã được cải thiện rõ rệt: Thiếu kẽm ở phụ nữ có thai đã giảm từ 80.3% năm 2010 xuống còn 63.5% năm 2020, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 69.4% xuống còn 58.0%.
Phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ bằng cách nào?
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.
Bác sĩ Tiến chỉ rõ, việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao, có tính bền vững để giảm sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cần:
- Ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày.
- Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý.
- Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.
- Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
- Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
- Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt và axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao và 41 tỉnh còn lại bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi mỗi năm 2 lần (Lần 1: Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6); lần 2 vào ngày 1-2/12), bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống một liều vitamin A, đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc.
An AnBạn đang xem bài viết Ngày 1 - 2/6, cha mẹ đừng quên cho trẻ đi uống vitamin A tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].