Thực trạng nhân viên ngân hàng ràng buộc mua bảo hiểm nhân thọ
Thực trạng khách hàng được nhân viên ngân hàng “khuyến khích” (thực chất là ràng buộc) mua bảo hiểm nhân thọ này đang ngày càng phổ biến và gây trở ngại cho người đi vay.
Cụ thể, khi đi vay vốn, khách hàng sẽ được nhân viên ngân hàng bắt ép mua bảo hiểm để quá trình giải ngân sẽ nhanh và mức lãi suất sẽ thấp hơn.
Ngược lại nếu không mua thì giải ngân sẽ rất lâu và mức lãi suất sẽ cao. Trong khi đó, một hợp đồng bảo hiểm có giá trị cao đối với người đi vay có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, lần đầu đóng từ 10-15 triệu đồng.
Dù là vậy, nhưng trong hoàn cảnh cần vay vốn, đa số khách hàng đành chấp nhận việc mua bảo hiểm và phải đóng đợt đầu vào khoảng 10-15 triệu và sau đó bỏ hợp đồng.
Theo đó, tình trạng này gây thiệt hại đối với người đi vay, ngoài ra đây còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm sẽ bị xử phạt thế nào?
Đối với hành vi bắt ép khách hàng mua bảo hiểm của nhân viênngân hàng được Ngân hàng Nhà nước khẳng định nghiêm cấm.
Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các ngân hàng thường liên kết với bên kinh doanh bảo hiểm để cùng nhau hợp tác phân chia lợi nhuận.
Theo đó, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm của khách hàng khi vay vốn ngân hàng, như sau:
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP) quy định như sau:
Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe...2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức
3. Hình thức xử phạt bổ sung:Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Theo đó nếu có hành vi ép khách hàng đến vay mua bảo hiểm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền của tổ chức sẽ gấp 02 lần cá nhân. Do đó, trường hợp ngân hàng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.
Hơn nữa có thể bị đình chỉ hoạt động từ 02 - 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.
Xử phạt hành chính hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm
Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngăn chặn doanh nghiệp, chi nhánh có hành vi ép buộc người khác mua bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP) như sau:
Phạt tiền 80 triệu - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
- Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
- Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính.
- Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, còn đình chỉ hoạt động từ 02 tháng - 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm.
Lưu ý: Cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng ½ tổ chức.
Như vậy, tổ chức ngân hàng khi thực hiện môi giới hoặc liên kết kinh doanh bảo hiểm thì chỉ được khuyến khích khách hàng tham gia trên tinh thần tự nguyên. Nghiêm cấm ngân hàng có hành vi lợi dụng chức vụ mà làm khó người dân đến giao dịch để ép mua bảo hiểm, hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 02 - 03 tháng.
Khi bị ngân hàng ép mua bảo hiểm nên xử lý thế nào?
Trường hợp khách hàng có bằng chứng về việc các ngân hàng bắt ép mua bảo hiểm, khách hàng cần gửi đơn kèm bằng chứng tới Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập hotline (đường dây nóng) để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng cụ thể:
- Số cố định: (024) 3936.1017
- Số di động: 0942.966.854
- Email: [email protected]
Như vậy, trong các trường hợp khách bị bắt ép mua bảo hiểm tại ngân hàng khi cần vay vốn thì cần thu thập bằng chứng gửi kèm đơn đến Ngân hàng Nhà nước hoặc phản ánh qua hotline trên.
Hà AnBạn đang xem bài viết Khi đi vay vốn trong trường hợp nhân viên 'ràng buộc' mua bảo hiểm mới giải ngân nên xử lý thế nào? tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].