Bộ Y tế đã có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa công bố thông tin về việc sử dụng cụ thể vắc xin COVID-19 nào để tiêm cho trẻ em.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) vắc-xin COVID-19 cũng như tất cả tiến bộ y khoa khác, công nghệ ngày càng mới. Với trẻ em công nghệ quá mới thì nên cẩn trọng.
Hai công nghệ tiên tiến và an toàn cho trẻ em đó là:
1. Công nghệ vắc-xin liên hợp: Gọi là liên hợp (Conjugate vắc xin) vì là kết hợp thêm một protein nào đó để bộ nhớ của hệ thống miễn dịch ghi nhớ và tạo miễn dịch bền vững. Đã có nhiều vắc xin dùng công nghệ này như HIB (ngừa viêm phổi, viêm màng não), vắc xin phế cầu, vắc xin não mô cầu.
2. Công nghệ tái tổ hợp - tái tổ hợp tiểu đơn vị (Recombinant vắc xin), ở Việt Nam mà dùng nhiều nhất là vắc xin viêm gan B tái tổ hợp và vắc xin cúm. Sau này lại thêm tái tổ hợp tiểu đơn vị cộng công nghệ nano.
Quan niệm của bác sĩ Khanh nếu chọn tiêm vắc-xin COVID cho trẻ em là vắc-xin Cuba Abdala cho 7-17 tuổi và Soberana cho trẻ nhỏ hơn.
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, chia sẻ: “Trong các loại vắc xin COVID-19 đang được tiêm, vắc xin Pfizer hiện đã được thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 - 18 tuổi. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Về liều tiêm vắc xin Pfizer, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cũng tương đương liều tiêm cho người lớn”.
Về theo dõi phản ứng sau tiêm, bác sĩ Thái cho hay, trẻ em cần được theo dõi cẩn trọng giống như tiêm các loại vắc xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bao gồm: các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.
V.LinhBạn đang xem bài viết Nên tiêm vắc-xin COVID-19 nào cho trẻ? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].