Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Bộ Y tế cho biết việc tiêm vắc-xin cho trẻ theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có những quan điểm về vấn đề này.
PV: Thưa PGS, ông nghĩ gì về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em trong thời điểm hiện nay?
PGS, TS Nguyễn Huy Nga: Tôi cho rằng nếu vắc-xin ở Việt Nam về nhiều và có loại vắc-xin phù hợp, được kiểm duyệt an toàn để tiêm cho trẻ em thì rất tốt. Vắc-xin bảo vệ trẻ trước nguy cơ nhiễm bệnh và hạn chế sự lây nhiễm virus.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, tôi cho rằng chưa cần thiết tiêm đại trà cho trẻ em, mà chỉ cần tiêm vắc-xin cho trẻ có bệnh lý nền. Bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất hiện nay số lượng vắc-xin COVID-19 Việt Nam tiếp nhận còn ít, chưa tiêm phủ hết cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền. Nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người lớn, người cao tuổi vẫn thấp chỉ từ 15-20%.
Do đó, tôi nghĩ nên tận dụng số vắc-xin hiện có để tiêm phủ cho người lớn, tạo miễn dịch cộng đồng, tạo vùng xanh. Khi tất cả người lớn xung quanh trẻ đều đã tiêm vắc xin cũng là cách bảo vệ trẻ nhỏ. Nếu số lượng vắc-xin còn ít, việc dồn vắc xin tiêm cho trẻ em các tỉnh có độ phủ vắc xin cao thì các tỉnh thành còn lại sẽ thiếu vắc xin để tiêm cho người lớn.
Thứ hai, qua thực tế các đợt dịch, ta thấy tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 thấp, triệu chứng lại nhẹ, thậm chí không có. Những trẻ em bị nặng khi mắc COVID-19 đều là trẻ có bệnh lý nền như béo phì, thừa cân, bệnh tim, phổi, ung thư... Các bé này khi mắc thường dễ diễn tiến nặng với suy hô hấp và tổn thương các cơ quan. Do đó, cần tiêm vắc-xin COVID-19 sớm, trước cho trẻ có các bệnh nền.
Thứ ba, hiện nay thế giới vẫn chưa có loại vắc-xin nào được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để tiêm cho trẻ em. Trẻ em cần loại vắc-xin phòng COVID-19 được sản xuất với liều lượng phù hợp, có nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đối với từng lứa tuổi. Tôi cho rằng chưa vội tiêm vắc-xin COVID-19 đại trà cho trẻ nhỏ, vẫn nên cẩn trọng hơn.
PV: Một số địa phương muốn tiêm vắc-xin cho trẻ rồi mới cho học sinh quay trở lại trường học, vậy tiêm vắc-xin cho trẻ có phải là tiền đề cho việc mở cửa trường học không?
PGS, TS Nguyễn Huy Nga: Đương nhiên là không. Nếu địa phương nào đặt ra mục tiêu đó thì quá cẩn thận không cần thiết. Tiêu chí mở cửa trường học phải là thực hiện tốt các biện pháp chống dịch 5K chứ không phải chỉ tiêm vắc-xin là không có ca mắc. Bởi đã có nhiều trường hợp tiêm vắc-xin xong vẫn bị mắc và hoàn toàn có khả năng lây nhiễm. Tiêm vắc-xin là để hạn chế bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Các địa phương cần xác định sống chung với dịch COVID-19, như vậy thì không thể giữ để không học sinh nào là F0. Khi đã sống chung với dịch thì việc xuất hiện ca bệnh là điều dễ hiểu.
Việc các địa phương, cơ sở giáo dục cần làm nhất đề ra các biện pháp phòng chống dịch trong trường học và tuyệt đối thực hiện nghiêm các biện pháp đó. Một trong số đó là việc đảm bảo học sinh các lớp ít tiếp xúc với nhau (lớp chơi với lớp), đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên...
Trong trường hợp phát hiện học sinh của 1 lớp mắc COVID-19, chỉ lớp đó chuyển sang học online, còn các lớp khác trong trường vẫn đến học bình thường.
Các trường nên tiêm vắc-xin cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Bởi khi người lớn an toàn thì sẽ cũng sẽ an toàn.
PV: Ông có lời khuyên nào để giữ gìn cho trẻ em tránh mắc COVID-19 khi trẻ chưa được tiêm vắc-xin?
PGS, TS Nguyễn Huy Nga: Các phụ huynh, người lớn từ 18 tuổi trở lên trong gia đình cần tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 để tạo môi trường gia đình an toàn cho trẻ. Mỗi người cần nghiêm túc thực hiện 5K để làm gương và nhắc nhở trẻ thực hiện.
Đặc biệt, hạn chế đưa trẻ đến những nơi quá đông người nếu như khu vực đó tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp.
Phối hợp chặt chẽ với nhà trường để hướng dẫn con thực hiện các biện pháp phòng dịch tại trường học.
Trẻ mắc COVID-19 thường triệu chứng rất nhẹ, bố mẹ cần lưu ý tới các biểu hiện bất thường của con khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở để đưa con đến cơ sở y tế sớm nhất.
Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Huy Nga!
V.LinhBạn đang xem bài viết Chuyên gia: Chưa cần tiêm vắc-xin đại trà cho trẻ em, chỉ nên tiêm cho trẻ có bệnh nền tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].