Nữ hoàng Ekaterina II – Nữ hoàng vĩ đại nhất của Đế chế Nga
Nữ hoàng Ekaterina II (Catherina II) tên thật là Sophie Friederike Auguste von Anhalt-Zerbst sinh ngày 2/5/1729 tại Stettin, khi đó là một phần lãnh thổ của nước Phổ (nay là thành phố Szczecin ở Ba Lan). Cha bà là Vương công xứ Stettin.
Năm 1745, sau khi cải đạo sang Chính thống giáo Nga và đổi tên sang Catherine, bà kết hôn với Hoàng tử Peter, cháu trai của Peter Đại đế và người thừa kế ngai vàng.
Năm 1762, chồng bà lên ngôi hoàng đế (Nga hoàng Peter Đệ tam), nhưng rồi sớm bị lật đổ và Catherine trở thành Nữ hoàng.
Sau khi chồng chết (người ta không rõ bà có liên quan tới cái chết của chồng không), bà có cho mình khá nhiều nhân tình và phong cho họ những chức tước cao trong triều đình, trong số đó người nổi tiếng và thành công nhất là Grigori Potemkin.
Nữ hoàng Ekaterina II vô cùng ngưỡng mộ Pyotr Đại đế nên tiếp tục theo đuổi chính sách “tây phương hóa” của ông. Về lãnh thổ, dưới sự cai trị của Nữ hoàng, diện tích nước Nga đã tăng lên đáng kể về phía nam và phía tây, sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ, trong đó có Crimea, Belarus và Lithuania. Những thỏa thuận mà Nga ký với Phổ và Áo đã dẫn đến ba lần chia cắt lãnh thổ Ba Lan, lần lượt vào các năm 1772, 1793 và 1795, kéo biên giới nước Nga tới tận Trung Âu.
Nhận thấy quyền lực của mình chủ yếu dựa vào tầng lớp quý tộc nên bà bắt đầu tiến hành một loạt cải cách nhằm tăng thêm quyền cai trị cho tầng lớp này đối với đất đai và nông nô, khiến mâu thuẫn xã hội thêm gay gắt.
Sở thích chính của Ekaterina là giáo dục và văn hóa. Bà đọc rộng và có cùng quan điểm với nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc thời đó, bao gồm cả Voltaire và Diderot.
Ekaterina II qua đời tại St Petersburg vào ngày 17/11/1796. Cái chết của bà hiện vẫn còn khá nhiều nghi vấn.
Bàn tiệc của Nữ hoàng Ekaterina có gì?
Cần phải nhớ rằng, trong hầu hết các ngôi nhà thời Nữ hoàng trị vì, đặc biệt ở Saint – Peterburgh, các món ăn và rượu đều là của Pháp. Văn hóa Pháp ảnh hưởng rất sâu rộng tới đời sống các tầng lớp lúc bấy giờ: ho nói tiếng Pháp, mặc theo cách Pháp, viết theo kiểu Pháp, nấu ăn cũng kiểu Pháp.
Những đầu bếp giỏi, nấu được nhiều món ăn truyền thống của Nga thường chỉ tìm thấy được trong những ngôi nhà quý tộc, giàu có từ lâu đời, nhưng ngay cả chủ nhân những ngôi nhà này cũng dần chuyển sang các thực đơn với món pate của Pháp, Italya, thịt bò quay của Anh và thịt bò bít tết Anh… Các món bánh phô mai truyền thống, bánh mì tròn ăn cùng với trà và mứt hoặc bơ đã được thay thế bởi các lọa bánh ngọt, bánh mousses hoặc thạch. Trong bữa tối, các đồ uống cũng như các loại hoa quả hiếm cũng xuất hiện như dứa, kiwi, xoài…
Trong thời gian trị vì của Nữ hoàng Ekaterina II (1762-1796), thứ quan trọng nhất được đưa ra đánh giá về sự xa xỉ, đó là các món ăn và các bữa tiệc đứng. Chủ nhân của các bữa tiệc thường được nhắc đến không phải qua sự đẹp đẽ, nguy nga của lâu đài, sự sang trọng của không khí mà bởi sự sự rộng rãi trong giao thiệp và chất lượng của các món ăn được phục vụ trong các bữa tiệc. Bàn ăn của nữ hoàng Katerina II luôn luôn nổi bật bởi sự đa dạng, phong phú cũng như sang trọng. Ngoài những món ăn truyền thông, trên bàn còn có nhiều món ăn mới lạ.
Thường, trong phần đầu bữa tiệc, có 10 món súp và hầm được phục vụ, tiếp đó là 24 món trước món chính gồm gà tây, bánh nướng, vịt với nước ép, thỏ rulets…Theo sau là 32 món “bảo đảm” gồm các món về gà, cá mú Tây Ban Nha, gà với pho mát Parmezan...
Sau cùng là các món chính như cá hồi phủ kem, cá chép, cá rô giăm bông, chim trĩ với quả hồ trăn, chim bồ câu với tôm càng, cá hồi…Sau các món này, 32 món “bảo đảm” lại được mang ra, với các món như ngỗng Tây Ban Nha, vịt với ô liu, cá chép mỡ với món fricando (món ăn từ lát mỏng thịt bò với nước sốt kèm nấm), gà gô với nấm tryufel…
Theo sau các món này là món nóng như thịt bò, thịt cừu, cừu hoang, thỏ rừng, salad, nước sốt. Các món này sau đó được thay bằng 28 món ăn vừa nóng vừa lạnh như giăm bông, lưỡi hun khói, bánh lem, bánh mì Ý, bánh ngọt…
Giai đoạn cuối đời, nghe lời khuyên của các bác sĩ, Nữ hoàng đã tự hạn chế thức ăn. Để không bị các cơn đau đầu hành hạ, bà không ăn tối.Sáng, nữ hoàng dậy lúc 6 giờ và ăn sáng với cà phê cùng kem và bánh mì nướng.
Thực đơn bữa trưa thường có rất nhiều loại súp, thịt bò hầm, thịt gà với súp lơ, thịt cừu, tôm hùm, vịt và tới 12 loại salad, 7 loại nước sốt, bánh mì Ý và các món phụ gồm rau và nấm hấp. Món tráng miệng gồm có bánh táo, bánh quy và rất nhiều loại hoa quả.
Có một điều thú vị là vào năm mới, bà thường được một nhà buôn giấu tên gửi tới một chiếc đĩa vàng với rất nhiều hoa quả như quả lê, quả mận, đào cùng nhiều loại hoa quả khác. Bà thường rất thích thú với món quà này. Món ăn ưa thích của nữ hoàng là món bò hầm ăn với đồ muối hoặc dưa cải bắp. Trong một lần tới thăm bạn hữu, Nữ hoàng cho biết bà thích ăn món súp bắp cải chua và cháo.
Thường bữa tối, Nữ hoàng uống nước suối.