Phát biểu tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VII do Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết: “Bệnh lý tim mạch cùng với ung thư đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn tại các nước phát triển và Việt Nam không nằm ngoài quy luật này.
Để đáp ứng được nhu cầu người dân trong điều trị và dự phòng bệnh lý tim mạch lồng ngực, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các bác sĩ, điều dưỡng đã làm rất nhiều việc nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng của người bệnh Việt Nam”.
Việc thành lập hội Tim mạch quốc gia trong lĩnh vực nội khoa từ 1992, tiếp theo đó thành lập Hội Phẫu thuật Tim –Mạch – Lồng ngực Việt Nam 2006 đã tạo điều kiện cho các thầy thuốc Việt Nam trong lĩnh vực nội – ngoại khoa tim mạch lồng ngực có điều kiện trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát triển các kỹ thuật, phương pháp điều trị mới, không những trong giới học thuật Việt Nam mà còn là cơ hội tốt để giao lưu với bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh được cải thiện rõ rệt.
Trong nhiều năm qua, chuyên ngành phẫu thuật tim mạch lồng ngực tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2000, cả nước chỉ có 2 trung tâm tim mạch đặt tại Hà Nội và TP.HCM, thì đến nay Việt Nam có 51 trung tâm/ cơ sở phẫu thuật, can thiệp tim mạch nhà nước và tư nhân rải đều 3 miền Bắc – Trung – Nam. Chỉ tính riêng năm 2017, số ca mổ tim hở đạt 10.617 ca.
Cũng theo Thứ trưởng bộ Y tế, một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự lớn mạnh, hội nhập và phát triển chuyên ngành phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam là hội đã tổ chức thành công hội nghị các nhà phẫu thuật tim mạch lồng ngực Châu Á -ATCSA lần thứ 24 (năm 2014 tại Hà Nội).
“Với gần 200 báo cáo khoa học của các đồng nghiệp trong và ngoài nước trình bày tại hội nghị đã cho thấy niềm vinh dự của ngành y tế Việt Nam nói chung và cho các thầy thuốc, điều dưỡng công tác trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam nói riêng. Đồng thời, cũng là sự thừa nhận của các đồng nghiệp quốc tế cho sự phát triển và hội nhập khu vực và thế giới trong lĩnh vực chuyên khoa này”- Thứ trưởng Lê Quang Cường đánh giá.
Còn theo GS-TS Bùi Đức Phú – Phó Chủ tịch Hội Y dược Việt Nam nhấn mạnh: “Hội phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam hoạt động rất hiệu quả và mang tính chuyên nghiệp. Trong 13 năm qua, đã tổ chức được nhiều hội nghị chuyên ngành có chất lượng chuyên môn cao, được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao”.
GS Phú tin tưởng rằng, trong thời gian tới, để đáp ứng những nhiệm vụ mới mà Bộ Y tế giao cho: Hội sẽ tham gia cấp bằng chuyên ngành, xây dựng quy chế chuyên môn chuyên nành và tham gia bảo vệ phẫu thuật viên tim mạch…
GS. TS Lê Ngọc Thành – Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện E cho hay, kể từ khởi điểm ca mổ tim tác van hai lá đầu tiên được thực hiện bởi cố GS Tôn Thất Tùng (năm 1958) đến nay, chuyên ngành phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng. Hàng năm, các trung tâm/ cơ sở phẫu thuật, can thiệp tim mạch thực hiện hơn 10.000 ca phẫu thuật tim, phổi và mạch máu khác.
Những phẫu thuật thuộc bình diện khó khăn phức tạp nhất trong lĩnh vực tim mạch cũng đã được thực hiện một cách thường quy tại các trung tâm phẫu thuật lớn của nước ta như phẫu thuật sửa chữa dị tật tim bẩm sinh phức tạp, phẫu thuật sửa van tim, lóc động mạch chủ cấp tính, bệnh lý van tim – mạch vành, ghép tim, bệnh lý đa mạch máu, phẫu thuật tim hở nội soi hỗ trợ, nội soi toàn bộ, phẫu thuật nội soi lồng ngực… nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
K.T- K.NBạn đang xem bài viết Mỗi năm cả nước có hơn 10.000 ca phẫu thuật tim mạch tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].