Chính phủ mới ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Nghị định 59, có 3 mức độ tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam là:
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của cá nhân: Gồm các thông tin cá nhân như số định danh cá nhân, Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, Giới tính; nếu là người nước ngoài thì có thêm thông tin về quốc tịch, thông tin về hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân: Gồm các thông tin của mức độ 1 và có thêm thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.
- Tài khoản định danh điện tử của tổ chức gồm: Mã định danh điện tử, tên tổ chức bằng tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có), tên tiếng nước ngoài (nếu có), ngày thành lập, địa chỉ nơi đặt trụ sở chính, số định danh, họ tên người đại diện theo pháp luật/người đứng đầu của tổ chức.
Đặc biệt, tại Điều 31 quy định, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam sẽ không phải thanh toán chi phí đăng ký tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Còn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xác thực điện tử phải thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật.
Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm:
- Người từ 14 tuổi trở lên; Đối với người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Cơ quan, tổ chức thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Nghị định 59/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/10/2022.
Tài khoản định danh điện tử là gì?
Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Tài khoản định danh điện tử tích hợp các loại giấy tờ như bằng lái xe, bảo hiểm y tế... và được sử dụng khi công dân muốn làm thủ tục hành chính tại nhà, không cần đến trụ sở cơ quan Nhà nước. Tài khoản định danh điện tử giúp tiết kiệm thời gian đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính, cơ quan Nhà nước cũng tiết kiệm được thời gian xác minh thông tin công dân.
Để đăng ký tài khoản định danh, người dân khi đi làm CCCD thông báo cho cảnh sát về việc làm hồ sơ cấp tài khoản. Thông tin đăng ký gồm: Số điện thoại, email và thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo.
Ngoài ra, những ai có nhu cầu tích hợp giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì mang giấy tờ gốc tương ứng để đối chiếu. Sau đó, cảnh sát sẽ tích hợp các giấy tờ này vào tài khoản định danh điện tử.
Đối với người đã có CCCD nhưng chưa tích hợp tài khoản định danh điện tử thì có thể đăng ký trên điện thoại qua ứng dụng VNEID.
An AnBạn đang xem bài viết Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử cho người dân tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].