Mẹ chủ quan để con bị vàng da bệnh lý hơn 1 tháng dẫn tới bại não, ân hận thì đã muộn

Theo bác sĩ điều trị bại não, vàng da bệnh lý rất dễ dẫn tới bại não nếu trẻ không được điều trị trong thời điểm "vàng". Nếu để lâu sẽ bị nhiễm độc thần kinh, dẫn tới bại não.

Con bị vàng da bệnh lý mà mẹ không biết 

Bé Thiều Ngân Khánh (sinh năm 2015) sinh non khi mới 35 tuần tuổi, nặng 2,7kg. Nghe một số người cùng phòng bệnh nói rằng con có dấu hiệu vàng da, chị Gấm - mẹ của Khánh lúc đó chưa biết về vàng da là gì, hỏi ý kiến bác sĩ, bác sĩ nói hai mẹ con chị Gấm có thể xuất viện, và về nhà tắm nắng cho bé là hết. 

Nghe lời tư vấn của bác sĩ, chị Gấm tắm nắng cho con hằng ngày nhưng mãi không thấy con hết vàng da. Chị thấy bé vẫn không lên cân, da vẫn vàng, và hay quấy khóc. Lúc đó, chị chưa có sự hiểu biết về vàng da trẻ sơ sinh nên chủ quan không đưa con tới bệnh viện khám. 

  Hơn 1 tháng đầu sau sinh, chị Gấm không biết con bị vàng da bệnh lý nên đã không đưa con tới bệnh viện

Hơn 1 tháng đầu sau sinh, chị Gấm không biết con bị vàng da bệnh lý nên đã không đưa con tới bệnh viện

Trong lần tiêm vắc xin lao khi Khánh được 1 tháng 10 ngày, bác sĩ tại trạm y tế nơi chị Gấm sinh sống khuyên đưa Khánh tới Bệnh viện Nhi đồng 1 để được kiểm tra kỹ càng hơn. Bác sĩ tại bệnh viện Nhi đồng 1 chẩn đoán bé bị vàng da dẫn tới nhiễm độc thần kinh. 

Dấu hiệu nhận biết vàng da bệnh lý 

Bác sĩ Vũ Thị Vui - Trưởng khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: Ngân Khánh là một trong nhiều trương hợp bệnh nhi bị vàng da bệnh lý dẫn tới bại não. Vàng da bệnh lý để lại nhiều di chứng về thần kinh hết sức trầm trọng mà không thể phục hồi như: điếc, chậm phát triển về vận động và trí tuệ. 

Bác sĩ Vui cũng cho biết thêm, vàng da bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ sinh non, trẻ đẻ ngạt, do bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ ABO. Chẳng hạn như mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A hoặc B…); bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ Rh...

Vàng da bệnh lý thường khó nhận diện do nhiều trẻ không có các dấu hiệu chỉ điểm như: kích thích, vật vã hoặc li bì, bỏ bú mà đôi khi trẻ vẫn bú, vận động và ngủ bình thường. 

  Bác sĩ Vũ Thị Vui. Ảnh: Chi Đoàn

Bác sĩ Vũ Thị Vui. Ảnh: Chi Đoàn

Tuy nguy hiểm nhưng việc theo dõi và phát hiện các dấu hiệu vàng da bệnh lý lại không quá khó nếu các bà mẹ biết các kỹ năng đơn giản sau: tập trung theo dõi sát con trong 7 ngày đầu đối với tất cả các trẻ sinh non hoặc sinh thường. Đánh giá vàng da ở trẻ sơ sinh dưới ánh sáng tự nhiên (ánh sáng trời).

Bác sĩ Vui khuyên, cha mẹ nên quan sát da trẻ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Bắt đầu từ trán, ngực, bụng, đùi, cẳng chân. Nếu chỉ thấy vàng da từ trán xuống ngực thì không cần cho trẻ đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà.

Nếu thấy trẻ vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở khoa Nhi có khoa sơ sinh để khám ngay. Tại đây các bác sỹ sẽ đánh giá sâu hơn bằng hình thức khám lâm sàng và xét nghiệm định lượng bilirubin/máu.

Thời gian vàng để điều trị hiệu quả cho trẻ mắc bệnh vàng da chỉ trong 7 ngày đầu sau sinh bằng biện pháp chiếu đèn hoặc phối hợp truyền dịch. Nếu để muộn hơn thời gian này thì da bé dày hơn và phương pháp chiếu đèn sẽ không còn hiệu quả.

Tú Anh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính