PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chúng ta có thể phân ra hơn 10 nguyên nhân khiến trẻ có thể chậm nói hơn so với mốc phát triển thông thường. Các nguyên nhân có thể phân theo 3 nhóm vấn đề sau:
Trẻ chậm nói
Khi có biểu hiện chậm nói, rất nhiều phụ huynh thường nghĩ con có vấn đề về nhận thức hoặc thiểu năng trí tuệ… Điều đó hoàn toàn có cơ sở vì chậm nói là biểu hiện của rất nhiều chứng bệnh liên quan đến rối loạn nhận thức như tự kỷ, bại não…
Thông thường, khi nhắc tới biểu hiện chậm nói, phần lớn các phụ huynh đều lo lắng nghĩ tới chứng bệnh này. Tự kỷ là một loại rối loạn phát triển xuất hiện sớm trong những năm đầu đời của trẻ với đặc trưng là sự chậm nói và không có khả năng giao tiếp.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, cha mẹ cần dựa trên các yếu tố như giảm giao tiếp ngôn ngữ, có hành vi bất thường, giảm tương tác xã hội để kết luận trẻ có bị tự kỷ hay không.
Giảm tương tác là gì?
Các hành vi bất thường là gì?
Ngoài ra, khi trẻ mắc bệnh lý vận động miệng, rối loạn xử lý âm thanh cũng khiến trẻ gặp rắc rối tại các vùng não chịu trách nhiệm về nói, ví dụ bệnh loạn vận ngôn (mất phối hợp động tác trong việc nói).
Lúc này, trẻ không kiểm soát được các cơ và phần cơ thể dùng để nói. Chẳng hạn môi, lưỡi hoặc hàm không thực hiện công việc bình thường để tạo một số từ nhất định.
Bên cạnh, rối loạn xử lý âm thanh cũng là tình trạng khá nhiều trẻ chậm nói mắc phải, lúc này, trẻ mất khả năng hiểu âm thanh của lời nói. Trẻ thuộc nhóm này có thể điều trị tốt bằng âm ngữ trị liệu. Tương tự như bệnh lý trên, khi trẻ mắc các bệnh lý thần kinh như bại não, chấn thương não có thể ảnh hưởng tới các cơ cần thiết cho việc nói.
Dị tật vòm miệng, viêm tai giữa nhiều lần…
Một số trẻ chậm nói lại do có vấn đề về vòm miệng hoặc hở hàm ếch hoặc có vấn đề về thính giác. Như với lưỡi ngắn bất thường, làm hạn chế cử động của đầu lưỡi, cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng phát âm của trẻ.
Bệnh thường được bác sĩ nhi khoa phát hiện trước khi trẻ bắt đầu nói, nhưng đôi khi cũng bị bỏ sót và chỉ được chẩn đoán khi trẻ có biểu hiện chậm nói.
Bệnh lý về thính giác cũng khá phổ biến ở trẻ chậm nói, vì vậy trẻ cần được kiểm tra thính lực khi có lo ngại về khả năng nói. Trẻ mất thính lực gặp khó khăn trong hiểu ngôn ngữ của người xung quanh cũng như giọng nói của chính mình. Khả năng hiểu và nắm bắt các từ của trẻ thường thấp, trẻ không thể bắt chước các từ và nói đúng hoặc nói trôi chảy.
Không ít trẻ mắc nhiều đợt viêm tai trước khi được 3 tuổi. Bệnh nhiễm trùng tai nếu được điều trị kịp thời và không gây rắc rối sẽ không làm tăng nguy cơ chậm nói.
Tuy nhiên, viêm tai giữa mạn tính có thể ảnh hưởng tới ngôn ngữ. Nếu bệnh tồn tại dai dẳng, không đáp ứng với điều trị và thường xuyên tái phát thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng.
Ngoài ra, trẻ sinh non có thể dẫn tới nhiều dạng chậm phát triển, trong đó có chậm phát triển ngôn ngữ. Đối với những trẻ sinh thiếu tháng thường sức khỏe không được như những trẻ sinh đủ ngày, do đó, trong quá trình phát triển trẻ sẽ khó đạt được các cột mốc, mặc dù trẻ vẫn phát triển bình thường như những trẻ khác nhưng vẫn xuất hiện dấu hiệu chậm nói.
Bên cạnh đó, một số trẻ thay vì phát triển khả năng ngôn ngữ, nhiều trẻ phát triển bình thường nhưng lại chậm nói vì trẻ ưu tiên phát triển kỹ năng nào đó thay vì phát triển khả năng nói, do đó mới có quan niệm rằng trẻ nhanh đi thì chậm nói.
Cha mẹ ít quan tâm, để trẻ lệ thuộc điện thoại
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh có thói quen cho con sử dụng điện thoại, xem tivi từ rất sớm. Bên cạnh việc ảnh hưởng tới sức khoẻ toàn diện của trẻ, thói quen sai lầm này cũng chính là một trong số nguyên nhân gây ra chứng chậm nói ở một số trẻ.
Ngay tại Canada, một nghiên cứu đã chỉ ra, với trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi, cứ 30 phút sử dụng thiết bị điện tử sẽ làm tăng 49% nguy cơ chậm nói ở trẻ.
Bên cạnh đó, ở một số phụ huynh, do nghĩ con còn nhỏ, chưa hiểu nhiều nên ít trò chuyện, tương tác với bé. Từ đó, trẻ không được khích lệ học từ mới, ngại nói chuyện, lâu dần khiến trẻ chậm nói.
Chính vì vậy, cha mẹ nên chú tâm tới con cái, thường xuyên kể chuyện, hát cho con nghe. Với những trẻ chậm nói hơn, không có biểu hiện bất thường, vẫn lanh lợi, chơi đùa, các mốc phát triển khác bình thường thì nên tập nói cho trẻ nhiều hơn và không cần quá lo lắng.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Trẻ bị chậm nói có phải là biểu hiện của tự kỷ, bại não? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].