Bác sĩ Vũ Huy Hiền, Trưởng Khoa Thăm, Bệnh viện ĐK Đức Giang chia sẻ, từng có bệnh nhân phải vào viện cấp cứu vì thường xuyên ăn măng.
Vì thích nên người đàn ông ăn măng liên tục trong nhiều ngày và dẫn đến bị đầy bụng khó tiêu, đau bụng dữ dội nên phải nhập viện cấp cứu.
Đến khi bác sĩ thăm khám mới phát hiện, do bệnh nhân ăn quá nhiều măng, cơ thể không tiêu hóa được, măng kết thành khối gây tắc ruột bệnh nhân.
Bác sĩ Hiền cho biết thêm: “Khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi không thể cắt nhỏ được khối bã thức ăn để những miếng nhỏ này đi xuống ruột ra ngoài, mà phải nội soi gắp từng mảnh nhỏ măng ra ngoài.
Sau gần 2 giờ đồng hồ nội soi gắp măng, chúng tôi gắp được hơn 100g măng kết bã trong bụng bệnh nhân.
Trường hợp này nếu không được gắp măng ra kịp thời có thể gây viêm loét dạ dày, tắc ruột nghiêm trọng”.
Các bác sĩ khuyến cáo, măng là loại thực phẩm được nhiều người yêu thích, nhưng trong măng có nhiều chất xơ cứng nên rất khó tiêu hóa, dễ hình thành những khối bã thức ăn rắn chắc trong ruột gây tắc ruột, táo bón.
Hơn nữa, trong măng còn chứa khá nhiều độc tố, nguy hiểm nhất là glucozit, thành phần này sẽ sinh ra acid xyanhydric gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, để măng được thơm ngon, trong quá trình ngâm, bảo quản, các thương lái còn cho thêm hóa chất gây hại cho sức khỏe.
Chính vì vậy mà không ít trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn măng, với nhiều biểu hiện khác nhau như: nôn, đau bụng, đau đầu gần giống hiện tượng ngộ độc sắn…
Để đảm bảo cho sức khỏe, những đối tượng dưới đây tuyệt đối không nên ăn măng, kể cả là măng tươi hay măng khô.
Người bị đau dạ dày: Bệnh đau dạ dày rất dễ tái đi tái lại nếu ăn uống, sinh hoạt không khoa học. Vậy nên, người bị đau dạ dày thường phải kiêng khem rất kỹ trong việc ăn uống. Người bị đau dạ dày thường được khuyến cáo không ăn măng vì nó có chứa nhiều acid cyanhydric, là chất độc hại cho dạ dày.
Người bị bệnh gout: Măng là thực phẩm làm gia tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể, từ đó làm cho bệnh gout trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người bị bệnh gout cần tránh xa món măng trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Trẻ nhỏ: Măng chứa một lượng lớn chất khó tiêu hóa và khi kết hợp với canxi, sắt, kẽm sẽ tạo thành chất phức hợp làm cơ thể khó hấp thụ dinh dưỡng. Ăn nhiều măng dẫn đến tình trạng thiếu canxi dẫn đến còi xương và thiếu kẽm gây chậm phát triển ở trẻ em. Hơn nữa, bộ máy tiêu hóa của trẻ nhỏ cũng chưa hoàn thiện nên rất khó để tiêu hóa và hấp thụ những thực phẩm xơ cứng như măng.
Người già: Cũng giống như trẻ nhỏ, bộ máy tiêu hóa của người già rất kém, vậy nên khó có thể hấp thụ được thực phẩm nhiều xơ cứng như măng. Hơn nữa, do tiêu hóa kém nên người già thường bị táo bón, nếu ăn măng sẽ làm cho tình trạng táo bón càng thêm trầm trọng hơn.
Phụ nữ có thai và cho con bú: Trong măng có chứa khá nhiều độc tố, phụ nữ có thai và cho con bú nếu ăn măng sẽ dễ gặp tình trạng ngộ độc cho cả mẹ và con.
Người mới ốm dậy: Những người mới ốm dậy có sức đề kháng suy kiệt, cơ thể ốm yếu. Khi ăn măng, glucoxit có trong măng phân hủy với men tiêu hóa và chất chua trong dạ dày dễ dẫn đến tình trạng nôn mửa.