Mắc cúm B, bé 8 tuổi bị biến chứng nặng, cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cúm B cho con?

Bị mắc cúm B, bệnh nhi 8 tuổi gặp phải biến chứng nặng, vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, viêm não - màng não, viêm phổi kèm rối loạn đông máu.

Bé 8 tuổi hôn mê sâu do mắc cúm B

Ngày 19/12, BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ thông tin, đơn vị đã ghi nhận một trường hợp cúm B biến chứng rất nặng là bệnh nhi T.A.V. (8 tuổi, ở Phú Thọ).

Trẻ được chuyển đến từ Bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán hôn mê sâu, viêm não - màng não, cúm B, viêm phổi kèm theo tình trạng rối loạn đông máu.

Được biết, trước đó 3 ngày, trẻ có biểu hiện sốt theo cơn kèm buồn nôn, nôn nhiều và được dùng thuốc theo đơn của trạm y tế xã.

Sau 3 ngày dùng thuốc, tình trạng trẻ không cải thiện đồng thời xuất hiện cơn giật (khoảng 4 phút). Sau cơn giật trẻ lơ mơ nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV huyện. Đến 4 giờ sáng hôm sau, trẻ tiếp tục lên cơn co giật, ý thức lơ mơ, các bác sĩ xử trí đặt ống nội khí quản và chuyển đến BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Sau 8 giờ được điều trị chống phù não, điều trị tăng áp lực nội sọ và thở máy, tình trạng trẻ vẫn rất xấu. Trẻ hôn mê, không có phản xạ ánh sáng, đồng tử 2 bên giãn 5mm, còn tăng áp lực nội sọ. Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bé.

Sau 30 phút cấp cứu, trẻ có tim trở lại, nhịp tim không đều, mạch quay bắt yếu, huyết áp trung bình 60-65 mmHg, trẻ hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn to 5mm, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng bệnh rất nặng, gia đình xin cho bé về, không tiếp tục điều trị.

Trẻ mắc cúm B thường gặp các triệu chứng sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Ảnh minh họa

Trẻ mắc cúm B thường gặp các triệu chứng sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh cúm B cho con?

Theo BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ, so với các năm trước thì năm nay số lượng bệnh nhi mắc cúm B được ghi nhận tại bệnh viện có sự gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2022, Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 124 trẻ, con số này cao gấp 3 lần so với số liệu được tổng hợp trong cả năm 2020.

Các bệnh nhi khi nhập viện điều trị chủ yếu có các biểu hiện như sốt cao liên tục, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo ho, viêm họng, sổ mũi.

Một thực tế đáng báo động là khi thấy trẻ bị cúm, các gia đình thường không đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám mà thay vào đó sẽ tự mua thuốc về điều trị cho con tại nhà. Chỉ đến khi các biểu hiện của trẻ nặng lên, gia đình mới cho trẻ đến bệnh viện thì khi đó rất có thể bệnh đã gây ra những biến chứng nặng không đáng có, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi kỹ các biểu hiện bệnh, đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus khi chưa có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Để phòng ngừa bệnh cúm B cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Giữ khoảng cách xa tối thiểu 1m với những người có các triệu chứng cúm;
  • Nếu bạn hoặc con bạn có các triệu chứng cúm, bạn nên để trẻ ở nhà không đi học;
  • Rửa tay trước khi chạm vào mắt, mũi và miệng;
  • Sử dụng khăn giấy hoặc mặt trong cánh tay khi bạn ho và hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy vào nơi quy định và rửa tay;
  • Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như cốc uống, thìa, bình sữa, đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì tiếp xúc với miệng hoặc mũi;
  • Làm sạch các bề mặt thường xuyên chạm vào.
  • Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế: Tiêm phòng cúm (Vắc xin cúm bao gồm cả cúm A và B, được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi) là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm. Tiêm phòng hàng năm sẽ tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ chống lại các chủng cúm gần đây nhất, giúp phòng các biến chứng nặng nếu nhiễm bệnh.

Cha mẹ cần cho trẻ mắc cúm B đến cơ sở y tế khi có biểu hiện gì? 

  • Trẻ sốt cao ≥ 39,5 độ C dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (phòng thoáng mát 26-29 độ, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ. Hoặc trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm; 
  • Trẻ thở nhanh, thở bất thường: thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp; 
  • Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt) vân tím, lạnh chi (khi không sốt cao); 
  • Trẻ không ăn/uống; 
  • Trẻ có biểu hiện mất nước: môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, khát nước đòi uống nước, hoặc đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm/tã ít ướt hơn bình thường); 
  • Thay đổi ý thức: trẻ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật… 
  • Trẻ lớn thấy kêu đau bụng/đau ngực, nôn nhiều... 
  • Hoặc cha/mẹ/người chăm sóc cảm thấy lo lắng bất an về trẻ; 
  • Trẻ có các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính