Lu nước chống ngập là chuyện thật hay chuyện đùa?
Giải pháp thành phố và các sở ban ngành đưa ra không làm cho các đại biểu thỏa mãn.
Một đại biểu bức xúc tuyên bố: “Nếu Sở không làm được công việc chống ngập thì để tôi, đơn giản chỉ cần khuyến khích mỗi hộ gia đình có một hồ chứa nước riêng”.
Và 10 năm sau, cũng tại kì họp Hội đồng Nhân dân TP HCM tháng 7 năm 2019, khi bàn về giải pháp chống ngập, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã đưa ra sáng kiến “lu nước chống ngập”.
Về bản chất, sáng kiến mỗi hộ gia đình đào một cái hồ hay trang bị một lu nước để góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt kinh niên tại TP HCM, hai ý tưởng này không có sự khác biệt.
Câu chuyện lu nước chống ngập hôm nay làm tôi nhớ lại trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008, giết chết 25 người, trong đó có một đồng nghiệp cũng là học trò của tôi mới tốt nghiệp ra trường, trên đường đến bệnh viện bị nước cuốn trôi xuống cống.
Những ngày mưa lũ đó, tôi bị mắc kẹt ở bệnh viện, toàn bộ hệ thống thoát nước của TP Hà Nội bị rơi vào tình trạng “táo bón”, tất cả các miệng cống thoát nước đều bị sặc.
Ngay thời điểm đó, tôi đã nhận ra ngoài sự nguy hiểm của lũ lụt trong thành phố, thì nguồn nước tự nhiên có chất lượng rất tốt đã bị đổ đi một cách vô cùng lãng phí. Câu hỏi tôi luôn trăn trở là: tại sao thành phố không triển khai kế hoạch để người dân chủ động hứng nước mưa?
Và hôm nay tôi lại thấy, trong lúc TP HCM mỗi năm có đến 160 ngày bị bị những cơn mưa nhấn chìm và cộng đồng mạng ra sức chế giễu sáng kiến lu nước của PGs – TS Phan Thị Hồng Xuân, thì phần còn lại của thế giới từ lâu đã biết nắm lấy từ khóa “thu hoạch nước mưa trên mái nhà”, biến nó thành giải pháp sinh thái tuyệt vời, giúp cho các thành phố và khu đô thị văn minh thoát khỏi những trận lụt và phát triển bền vững.
Thế giới đã dùng “lu nước” chống ngập như thế nào?
Nửa cuối của thế kỉ XX, lũ lụt tại tại các thành phố trở nên báo động đỏ do sự phát triển của đô thịt, nhất là những quốc gia đang phát triển.
Để giải quyết tình trạng ngập lụt và các vấn đề nước sạch, Hiệp hội Hệ thống hứng nước mưa Quốc tế được thành lập từ năm 1989, với nhiều quốc gia thành viên tổ chức hội nghị luân phiên 2 năm một lần, để bàn về thúc đẩy sự phát triển công nghệ hứng nước mưa thông qua các tham luận và báo cáo khoa học.
Nhờ kinh nghiệm từ mạng lưới hứng nước mưa quốc tế, Ấn Độ đã triển khai thành công ngoài mong đợi chiến dịch thu hoạch nước mưa trên mái nhà, bắt đầu từ năm 2014 thành phố Chennai thực hiện xây 50.000 bể chứa nước cho các hộ gia đình, hơn 4000 ngôi đền ở bang Tamil Nadu xây dựng các phuy téc chứa nước mưa để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo.
Chính phủ Úc hỗ trợ người dân bằng cách cung cấp thông tin về dụng cụ chứa nước mưa cho từng hộ, như kích thước, vật liệu, hình dáng, độ bền. Cách làm này của Úc đã khuyến khích người dân hứng nước mưa trên mái nhà.
Tôi rất thích cách làm của Đài Loan. Hiệp hội Hứng nước mưa Đài Loan đã nghiên cứu xây dựng hệ thống máy tính cho phép tính lượng mưa ở tại mỗi điểm trong thành phố, từ đó tư vấn thiết kế những dụng cụ chứa nước có kích thước và kiểu dáng phong phú, phù hợp với từng hộ gia đình.
Đến nay, hệ thống thu hoạch nước mưa ở Đài Loan không chỉ dừng ở các căn hộ cá nhân trong thành phố, mà đã phát triển mạnh mẽ đến khối căn hộ, tổ hợp văn phòng thương mại, tổ hợp công nghiệp, nhà hàng khách sạn, khuôn viên trường học.
Không có nhiều tài nguyên, Singapore phải tận dụng tối đa những gì họ có, người dân trong các tòa nhà cao tầng đã tận dụng triệt để lượng nước mưa, có những hệ thống lắp đặt ngay tại gia đình để xử lí nước mưa trở thành nước uống.
Vương quốc Anh bị chính người dân nước này cáo buộc là chính phủ quá chậm chạp so với các quốc gia khác trong lĩnh vực thu hoạch nước mưa.
Chính sách phát triển bền vững của Anh hôm nay đã đưa ra khuyến cáo mỗi ngôi nhà nên xây một bể ngầm. Những năm gần đây, chính phủ Anh đã rất nỗ lực đưa ra các sáng kiến thúc đẩy thu gom nước mưa, đến nay đã triển khai ở mức độ công nghiệp tại các thành phố và khu đô thị lớn.
Ví dụ, tòa nhà vòm thiên niên kỉ ở London với diện tích mái 90.000 mét vuông, nước mưa được thu thập vào máng xối, đưa qua một loạt hệ thống phễu đổ vào bể chứa.
Đại lí Honda ở Machester xây bể chứa nước mưa 30 ngàn mét khối, thu gom nước mưa từ 13.000 mét vuông các mái nhà, lượng nước đủ cung cấp cho 40% nhu cầu sử dụng. Thành phố Rochdale thu hoạch nước mưa với con số kinh ngạc, hơn 23 triệu lít mỗi năm, với ba hệ thống lắp đặt chỉ sau một năm đã sinh lợi nhuận.
Hà Lan sau những thành công ở nhiều thành phố thí điểm bể chứa nước mưa, mục tiêu trong những năm tới sẽ triển khai đồng bộ hệ thống thu gom nước mưa ở các thành phố, mỗi gia đình sẽ lắp đặt song song hai hệ thống nước.
Hầu hết các công trình xây mới ở Trung Quốc và Brazil đều tích hợp công nghệ thu gom nước mưa trên mái nhà.
Hứng nước mưa đã trở thành... văn hoá
Hiện nay, Đức và Nhật Bản là hai quốc gia đứng đầu thế giới trong việc thu gom nước mưa ở tầm mức công nghiệp, với hệ thống công nghệ vượt trội đang được nhiều nước trên thế giới nhập khẩu. Nước mưa ở Đức và Nhật đã được xử lí thành nước uống, nước sử dụng cho máy móc nhờ không có tính cứng, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
Tôi đặc biệt ấn tượng với cách người Israel coi việc hứng nước mưa là một nét văn hóa, các trường học lắp đặt các thiết bị hứng nước như một nội dung quan trọng để dạy cho trẻ biết yêu quý và bảo vệ nguồn nước mưa.
Một số tiểu bang ở Hoa Kỳ bắt đầu đưa việc hứng nước mưa trong các hộ gia đình vào điều luật. Nhiều quốc gia cũng đã biến việc hứng nước mưa trở thành luật xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Hệ thống thu hoạch nước mưa ở thành thị có tác dụng làm giảm lượng nước mưa trên đường phố, còn gọi là làm phẳng dòng chảy, giúp khắc phục tình trạng úng lụt, giảm ô nhiễm sông hồ. Khi dòng chảy sau cơn mưa giảm, đó cũng là cách để phân phối lại lượng nước, giúp trái đất bảo vệ nguồn nước ngầm và có cơ hội hấp thụ nhiều hơn lượng nước đã rơi.
Lợi ích sinh thái của việc sử dụng nước mưa là rất lớn. Chỉ riêng việc xả vệ sinh đã chiếm tới 35% lượng nước sử dụng trong các hộ gia đình. Chưa kể lượng nước giặt quần áo, tưới cây, lau nhà, rửa các vật dụng. Đối với các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khách sạn con số nước sử dụng còn tăng hơn rất nhiều.
TP HCM tại sao không hứng nước mưa?
Cống thoát nước của đô thị cần được phân ra làm hai loại: ống thoát nước thải và ống thoát nước mưa.
Đường ống nước thải thu gom nước sinh hoạt, ví dụ nước vệ sinh, nước nhà bếp, nước tắm giặt, thêm cả nước thải công nghiệp; vì thế nó không thể đổ trực tiếp ra sông hồ được, mà phải thu gom lại qua hệ thống xử lí.
Đường ống nước thải ở trong ngõ ngách, lân cận khu xả thải, có đường kính tối thiểu 200mm và tối đa 300mm. Đường ống dẫn nước thải trên đường dài có đường kính tối thiểu 400mm và tối đa 500mm.
Ngược lại, nước mưa có chất lượng tốt nên có thể đổ trực tiếp ra sông, vì thế mà khi quy hoạch đô thị mới cần xây dựng đường ống riêng.
Hãy thử tưởng tượng, một cơn mưa rất lớn ở TP HCM với lượng mưa 150mm, thì một ngôi nhà diện tích 50 mét vuông sẽ đổ ra đường 7,5 tấn nước, cả thành phố này đổ ra đường khoảng hơn 3,2 tỉ tấn nước; lúc đó một chiếc taxi cũng có thể biến thành xuồng, chiếc xe buýt sẽ thành thủy phi cơ.
Và để thoát được từng đó nước, phải làm cống dẫn nước mưa gấp 16 lần cống nước thải, tức là chiều rộng tới 8m, đó là điều không thể. TP HCM có cải tạo hệ thống thoát nước thế nào đi chăng nữa, thì mỗi khi mưa xuống, đường ống dẫn nước thải sẽ lại bị “táo bón” và các miệng cống sẽ lại sặc nước mà thôi.
Nhưng nếu mỗi hộ gia đình xây một bể chứa khoảng vài khối nước, các cơ quan nhà nước, trường học, khách sạn, tổ hợp văn phòng, tổ hợp nhà máy xưởng sản xuất, chùa chiền xây bể chứa thu gom nước từ mái nhà với dung tích lớn hơn, thì tôi đảm bảo thành phố sẽ giải quyết được khá tốt bài toán úng ngập.
Khi đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đưa ra sáng kiến “lu nước chống ngập”, ngay lập tức các đại biểu khác phản ứng và đặt vấn đề muỗi.
Tôi đồng ý vấn đề đáng lo ngại khi hứng nước mưa: đó là muỗi!
Máng xối, đường ống, bể chứa nước mưa có thể trở thành môi trường lí tưởng cho muỗi đẻ trứng. Các dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, virus zika và nhiều hơn nữa có thể bùng phát.
Rất may, giải pháp chống muỗi khá đơn giản. Cụ thể, máng xối nếu có mảnh vụn sẽ là nơi muỗi đẻ trứng, vì thế mà nhà sản xuất máng xối có lưới bảo vệ để ngăn các mảnh vụn.
Ống dẫn cũng được bảo vệ bằng lá chắn thép không gỉ, ngăn muỗi vào đẻ trứng, ngăn cản những côn trùng khác không xâm nhập được vào bên trong ống dẫn nước mưa. Bể chứa cũng có bộ lọc ở cửa ngăn muỗi, ngăn côn trùng, ngăn chất bẩn.
Rõ ràng, nếu TP HCM chỉ đơn thuần là trang bị cho mỗi gia đình một cái lu để chống ngập, thì sẽ không ổn; vì thể tích của một cái lu không đáng kể so với lượng nước đổ xuống đường ngay tại thời điểm mưa, cái lu chỉ làm tạm bợ chắc chắn sẽ phát sinh dịch bệnh.
Điều tôi muốn nói ở đây là, chống ngập cho TP HCM như thế nào, đó là vấn đề kĩ thuật. Các vị dân biểu không chuyên ngành nên khó có thể nắm sâu được vấn đề. Mà dân biểu phải phản ánh được ra diễn đàn cuộc họp trước hội đồng về những tâm tư, nguyện vọng, sức mạnh của sự hiểu biết trong dân; nghĩa là phải tìm hiểu, phải tham vấn các chuyên gia trước khi đăng đàn phát biểu.
Tôi cho rằng, các phiên thảo luận từ hội đồng nhân dân các cấp, cho đến diễn đàn Quốc hội, sự dễ dãi phản ánh không chỉ sự thiếu chuyên nghiệp của các vị dân biểu, mà còn của cả thể chế nắm giữ quyền lực ở địa phương.
Đó chính là lí do cả thế giới đã làm “lu nước chống ngập” trong khi chúng ta chỉ ngồi bàn giải pháp rồi chế giễu nhau.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn)
Bạn đang xem bài viết Bác sĩ Trần Văn Phúc và góc nhìn về 'lu nước chống ngập' tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].