Chính phủ vừa có Nghị quyết đồng ý lộ trình tăng thêm 4 loại vắc-xin phòng rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, giai đoạn 2021-2030. Trẻ sẽ được tiêm phòng miễn phí thêm 4 loại vắc-xin này.
Thời gian cụ thể như sau:
- Từ năm 2022, miễn phí trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh do virus rota (tiêu chảy cấp).
- Từ năm 2023, trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh do phế cầu được miễn phí.
- Từ năm 2026, miễn phí trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung.
- Từ năm 2030, trẻ tiêm vắc-xin cúm mùa sẽ được miễn phí.
Phạm vi và số lượng vắc-xin sẽ theo đề xuất của Bộ Y tế. Nếu Bộ huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước, hoặc được bổ sung ngân sách thì có thể thực hiện lộ trình sớm hơn. Ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí mua vắc-xin; địa phương bố trí ngân sách tổ chức tiêm.
Chính phủ đồng ý cho phép các tỉnh, thành có khả năng cân đối ngân sách mua vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung với mức giá ưu đãi, cho các nhóm nguy cơ cao khác ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022-2025.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tại Việt Nam từ năm 1981, do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Chương trình có mục tiêu ban đầu là tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới một tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Từ năm 1985, toàn bộ trẻ em dưới một tuổi trên toàn quốc đã được tiếp cận với Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2010, đã có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Cùng với tiêm cho trẻ, Chương trình tiêm chủng mở rộng còn tiêm miễn phí vaccine phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai.
V.LinhBạn đang xem bài viết Lộ trình từ năm 2022, trẻ em sẽ được tiêm phòng miễn phí thêm 4 loại vắc-xin tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].