Ngày nay, tỉ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng. Nhiều gia đình đã tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản làm thụ tinh trong ống nghiệm (Phương pháp IVF) và thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Tuy nhiên, những phương pháp này khá tốn kém. Chính vì vậy, nhiều người quan tâm hai phương pháp này có được hỗ trợ bảo hiểm y tế không và mức hỗ trợ là bao nhiêu.
Những trường hợp không được hưởng BHYT
Điều 23 Luật BHYT có sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định các trường hợp không được BHYT chi trả, bao gồm:
- Chi phí thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 21 đã được ngân sách nhà nước chi trả;
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng;
- Khám sức khỏe;
- Khám thai không nhằm mục đích điều trị;
- Chữa trị các tật về mắt bao gồm: Lác, cận thị, tật khúc xạ, trừ trẻ em dưới 6 tuổi;
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; kế hoạch hóa gia đình; phá thai... trừ trường hợp đình chỉ thai do bệnh lý được bác sĩ chỉ định;
- Sử dụng vật tư y tế gồm: Tay, chân giả, mắt giả, răng giả, máy trợ thính...
- Khám chữa bệnh nghiện ma túy, các chất gây nghiện nói chung;
- Giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần
- Tham gia thử nghiệm lầm sàng, nghiên cứu khoa học.
Dịch vụ hỗ trợ sinh sản có được hưởng BHYT không?
Như vậy, đối với trường hợp thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sinh sản sẽ không được hưởng bất cứ một khoản hỗ trợ BHYT nào dù đúng tuyến hay trái tuyến.
Thụ tinh ống nghiệm được coi là một trong những trường hợp sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nên không được hưởng BHYT. Vì vậy, dù người bệnh sử dụng dịch vụ này hết bao nhiêu cũng đều phải tự chi trả 100%.
Ngoài thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) cũng được tính là sử dụng dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và cũng không được hưởng BHYT.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Làm thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo có được hưởng BHYT không? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].