Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

“Làm tất cả vì con” – mặt trái của yêu thương

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ - Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” – Đó là vần thơ đẹp về sự hy sinh cha mẹ dành cho con cái. Việc cha mẹ hy sinh để con hạnh phúc tựa như một lẽ hiển nhiên. Nhưng có khi nào bạn nghĩ, tình yêu thương cũng có mặt trái của nó?

sadkid3

 Có khi nào tình yêu của cha mẹ lại trở thành "liều thuốc độc" cho tâm hồn con trẻ?

Cha mẹ luôn hy sinh và làm hết mọi điều có thể vì con, và đôi khi còn làm quá nhiều nữa. Điều này không chỉ xảy ra ở các nước phương Đông mà còn không lạ lẫm gì ở cả các nước phương Tây – vốn nổi tiếng với giáo dục cởi mở và tạo sự độc lập từ sớm cho trẻ.

Một trường hợp điển hình là cô bé Chase McKenna (London, Anh), mới 12 tuổi nhưng Chase đã có cuộc sống như một công chúa thật sự - cô sở hữu cho mình hàng chục món đồ hiệu Gucci, Juicy, Ralph và một chú ngựa nuôi tốn 2000 bảng mỗi năm (khoảng 59 triệu VND), trong khi cha mẹ Chase nhiều tháng không thể trả hết các hóa đơn tiền nợ.

Ở Việt Nam, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái cũng được thể hiện theo rất nhiều cách khác nhau.

Một hình ảnh thường thấy trong các khu dân cư, đó là ông bà hay cha mẹ có thể bế trẻ đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ để ăn hết một bát cháo, mỗi khi con trẻ va đụng vào đâu đó thì sẽ vừa dỗ trẻ vừa đánh vào chiếc bàn, chiếc ghế và nói “Đánh chừa này” vì “tội” khiến trẻ bị đau…

chasemckenna

 Chase McKenna - "tín đồ shopping" tuổi 12

Hẳn mỗi ông bố bà mẹ đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất khi làm điều gì đó cho đứa con của mình, nhưng có thật rằng những điều đó sẽ khiến con trẻ hạnh phúc hay không? Để trả lời câu hỏi ấy, có lẽ trước hết ta cần phải tìm hiểu…

“Hạnh phúc” là gì?

Ngay cả những người trưởng thành còn có thể có những quan niệm mâu thuẫn nhau về hạnh phúc, vậy thì những đứa trẻ sẽ càng dễ dàng bối rối hơn khi thấy người lớn “nói một đằng làm một nẻo”.

Đơn cử như việc chúng ta vẫn thường nói với nhau “Hạnh phúc không mua được bằng tiền”. Vậy nhưng với những đứa trẻ của mình, đôi khi cha mẹ lại đồng nhất sự thỏa mãn về vật chất với niềm vui của con trẻ.

Càng có đủ điều kiện vật chất, các ông bố bà mẹ càng cố gắng đáp ứng mọi đòi hỏi của con, từ những món đồ ăn vặt cho đến các món đồ chơi, dù biết rằng đứa trẻ có thể chán ngay sau đó.

Việc được thỏa mãn bất kì yêu cầu nào sẽ khiến đứa trẻ lẫn lộn giữa cảm giác thỏa mãn nhất thời khi “sở hữu” được thứ gì đó với niềm vui thật sự có được qua những trải nghiệm của mình.

sadkid4

 

Không chỉ vậy, việc cha mẹ luôn cố gắng duy trì tâm trạng vui vẻ hạnh phúc của con cái 24/7 sẽ có thể khiến đứa trẻ không biết cách đối diện với nỗi buồn – điều không bao giờ tránh khỏi trong cuộc sống.

“Liệu chúng ta có đang khiến con trẻ hạnh phúc bằng những que kem ngọt ngào hay bằng cách cho chúng chơi iPad hay không? Liệu chúng ta đã biết cách dạy cho con trẻ cách hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, thỏa mãn và thật sự ý nghĩa?” – trong những cuốn sách của mình, nhà xã hội học Christine Carter đặt ra câu hỏi ấy.

Các bậc phụ huynh luôn đầu tư cho con cái môi trường học tốt nhất, nhưng trong thực tế, không chỉ kiến thức mà điều cần thiết nhất để có được một cuộc sống hạnh phúc – chính là khả năng chấp nhận và vượt qua những nỗi buồn.

Thế nhưng, các bậc cha mẹ ngày nay lại thường xuyên làm tất cả để đứa trẻ không cảm thấy thất vọng, dù là những sự thất vọng nhỏ nhặt nhất đi chăng nữa.

Laura Markham, nhà tâm lý học và người sáng lập AhaParenting.com chia sẻ “Chúng ta có thể dạy con trẻ kĩ năng đối diện với nỗi thất vọng ngay từ khi đứa trẻ còn chập chững. Thế nhưng nghĩ lại thì, có phải mỗi khi trẻ làm hỏng một món đồ chơi nào đó, bản năng đầu tiên của chúng ta là hứa mua cho trẻ một món đồ chơi mới hay không?”

“Khi chúng ta nói với con trẻ rằng ‘Đừng khóc, bố mẹ mua cho cái khác’, chúng ta đã ngầm gửi đi một thông điệp rằng nỗi buồn, sự thất vọng, nỗi sợ hãi… là những điều không nên có, trong khi chính những cảm xúc ấy mới khiến ta “người” hơn, nhân văn hơn cả”

Sẽ thật khó khăn cho chính các bậc làm cha làm mẹ khi phải chứng kiến sự thất vọng và những giọt nước mắt của con, nhưng đó đều là những điều phải trải qua để ta và con trẻ cùng học cách trưởng thành hơn.

Khi con làm mất món đồ chơi yêu thích, khi con không được chọn tham gia hội diễn của trường dù đã cố gắng rất nhiều…, đừng nói “Con đừng khóc nữa”. Hãy để cho con trẻ được khóc, và cùng chia sẻ với con sự thất vọng ấy.

“Hãy để con trẻ học được rằng chúng không phải lúc nào cũng có được thứ mình muốn, nhưng chúng vẫn luôn có được nhiều hơn thế. Đó là những người cha người mẹ luôn thấu hiểu và chấp nhận mọi cảm xúc của chúng, để con trẻ không bao giờ phải cố giấu đi những nỗi buồn của mình trước cha mẹ” – Laura Markham chia sẻ.

Mong muốn con được hạnh phúc có khiến con phải chịu tổn thương?

Khi nói về tình thương của cha mẹ dành cho con cái, chúng ta vẫn hay nhắc đến đức hy sinh. Nhưng “hy sinh” rốt cuộc có nghĩa là gì?

Theo Hán – Việt tự điển của Đào Duy Anh, 1996, thì “hy sinh” là từ ghép; nghĩa gốc của “hy sinh”: súc vật dùng trong lễ tế Trời – Đất ; nghĩa bổ sung: bỏ cả tự do, quyền lợi và sinh mệnh của bản thân mà làm một việc gì đó.

“Hy sinh” vốn thường mang sắc thái tiêu cực nhiều hơn, vậy chúng ta có nên gắn liền nó với hành động tự nguyện dành cho con cái vốn bắt đầu từ tình yêu thương đơn thuần nhất?

sadparents

 

Trong thực tế, việc cha mẹ làm tất cả vì con cái – nhiều khi vượt quá khả năng của mình, có thể khiến những đứa con cảm thấy mình là gánh nặng của cha mẹ.

Dù không thể hiện ra bằng hành động hay lời nói, thì con trẻ vẫn có thể cảm nhận được sự mệt mỏi, thất vọng khi chúng làm trái với mong muốn của cha mẹ - khi chúng không giỏi ở những môn học mà cha mẹ thấy là quan trọng, chọn trường không theo định hướng của cha mẹ, hay thậm chí là chọn… người yêu không hợp tiêu chuẩn của các bậc phụ huynh.

Một khảo sát được thực hiện với 300 sinh viên đại học cho thấy, các vị phụ huynh càng có sự bảo vệ và kiểm soát thái quá với con thì đứa con càng dễ cảm thấy stress nhiều hơn. Điều này là khá dễ hiểu, bởi càng chăm lo cho con cái, ta càng kì vọng nhiều ở chúng, và càng cảm thấy sự kì vọng ở cha mẹ, đứa con càng áp lực hơn khi phải cố gắng đáp ứng những kì vọng ấy.

“Những đứa trẻ luôn cảm thấy stress và áp lực, chúng không còn biết điều gì khiến chúng cảm thấy hạnh phúc nữa” - nhà xã hội học Christine Carter nói – “Chúng biết điều bố mẹ mong muốn. Chúng biết điều xã hội trông chờ… Chúng hiểu rõ mọi người kì vọng gì ở mình. Nhưng việc bản thân chúng là ai và điều chúng mong muốn thật sự là gì, thì những đứa trẻ của chúng ta lại không hề hay biết”.

Đâu mới là cách đem lại hạnh phúc thật sự cho con?

Dù cho ngày càng được chăm chút về vật chất, nhưng những đứa trẻ của thời hiện đại ngày càng thiếu sự giao tiếp và tương tác thật sự với chính cha mẹ của mình.

Do bận rộn trong công việc, nhiều ông bố bà mẹ thường cho con giải trí bằng cách cho con xem các chương trình TV hay dùng điện thoại. Đó đều là những hình thức giải trí “ăn liền” và lâu dần sẽ khiến trẻ quen với chúng, đến nỗi khi kể cả khi cha mẹ có thời gian rảnh, việc giao tiếp và chơi với con cũng sẽ khó khăn hơn.

Do đó, cần hạn chế bớt sự tiếp xúc của trẻ với đồ công nghệ khi còn quá nhỏ, bạn có thể thay thế các trò chơi điện tử bằng các trò chơi boardgame cho gia đình và trẻ em (Đại diện tiêu biểu của boardgame là trò chơi “cờ tỉ phú”, bạn có thể tìm đến BoardgameVN để tìm kiếm những trò chơi giúp giải trí và kích thích trí sáng tạo của trẻ em).

Một trong những cách để khiến trẻ em hạnh phúc hơn, đó là dạy cho trẻ về lòng biết ơn. Theo Kristen Race, nhà tâm lý học gia đình – trẻ em và nhà sáng lập Mindful Life – “Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng những người lớn có nhận thức rõ ràng về lòng biết ơn có mức độ hạnh phúc cao hơn đến 25%, và những đứa trẻ được dạy về lòng biết ơn cũng có điểm số tốt hơn, hòa nhập với mọi người dễ dàng hơn và ít có biểu hiện stress lo âu hơn”.

Một trò chơi mà Kristen thường gợi ý cho các bậc phụ huynh, đó là “Hoa hồng, Chồi non và Gai”, “Hoa hồng” là những điều khiến mỗi người cảm thấy vui, “Chồi non” là một điều gì đó khiến bản thân thấy biết ơn, một việc tốt đã làm hay thấy ai đó làm, và “Gai” là một trải nghiệm không vui hoặc một sai lầm nào đó.

Những mảnh giấy nhỏ ấy sẽ được bỏ vào trong lọ và mỗi tuần sẽ được cả nhà chia sẻ với nhau, mục đích của việc này là để trẻ nhận thấy rằng bố mẹ cũng cảm thấy biết ơn với những niềm vui mà con cái đem lại chứ không chỉ coi chúng như một điều hiển nhiên, và ngay chính bố mẹ cũng có thể mắc sai lầm. Từ đó, con trẻ sẽ học được thái độ tích cực với cả những điều tốt và không tốt xảy ra trong cuộc sống.

family1

 

Làm cha mẹ chính là một trong những điều khó khăn nhất trên đời, bởi chẳng có một cuốn sách hay công thức nào đúng cho tất cả. Nhưng cùng với những khó khăn ấy, khi trao đi yêu thương cho những đứa con, mỗi người cha người mẹ cũng sẽ học được cách trân trọng những niềm hạnh phúc giản dị trong cuộc sống và trân trọng hơn bản thân mình.

Mai Hoa

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính