Theo Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (đang sinh sống và làm việc tại Pháp), hiện tượng này lại bắt nguồn từ việc không ngờ tới...
Cần phân biệt rõ ràng giữa “nghiêm khắc” với “bạo lực”
Tôi là người phản đối 100% bạo lực với trẻ con, một phần là luật đã cấm, một phần là tôi thấy nó rất phản giáo dục.
Với tôi thì đánh mắng, sỉ nhục, bôi nhọ, làm tổn thương một đứa trẻ chắc chắn không thể góp phần dạy một nó thành người tử tế, có tâm hồn trong sáng, yêu cuộc đời, yêu con người, tự tin, dám nói dám làm, dám đấu tranh, dám ngẩng đầu trong tương lai được các bạn ạ.
Và tôi thấy nhiều người không tính đến những hậu quả lâu dài có thể có, những tổn thương, chán ghét cuộc sống, con người trong lòng một đứa trẻ bị đánh hoặc sỉ nhục, đặc biệt là trước mặt bạn bè cùng lớp.
Trong bài viết này, tôi tạm bỏ các cha mẹ yêu cầu/ hoặc cho phép giáo viên dùng roi vọt để mong con họ ngoan sang một bên để tập trung nói đến thái độ của giáo viên và nhà trường trước.
Chắc hẳn các bạn cũng luôn phân biệt rõ ràng là nghiêm khắc khác với bạo lực đúng không?
Tôi thì thích thầy cô giáo vừa biết dạy hay, vừa nghiêm khắc, vừa cứng rắn khi cần, nhưng cũng đủ mềm dẻo, hiền, vui tính, biết hài hước... để được học trò yêu quý.
Tôi nghĩ cũng hiểu là trong xã hội bây giờ làm giáo viên rất khó. Vì cha mẹ thì yêu cầu cao, trẻ con, gia đình, nhà trường đều có nhiều vấn đề lộn xộn, trong xã hội có nhiều cha mẹ thiếu kiềm chế, hơi có chuyện gì một tý là tung lên mạng, rồi nhiều người vào hùa, đòi đánh chém, mắng chửi ầm ĩ.
Giáo viên thì có thể không được đào tạo đầy đủ, lại thường phải chịu thêm áp lực đến từ ban giám hiệu, giám đốc nhà trường... nữa nên dễ có những hành vi thiếu kiềm chế, bạo lực, mắng chửi, sỉ nhục trẻ con...
Sai lầm mấu chốt của trường mầm non ở Việt Nam: Ép ăn
Riêng ở Việt Nam thì trường mẫu giáo có một đặc thù liên quan đến vấn đề ăn uống của trẻ con. Rất nhiều mâu thuẫn, áp lực, đánh mắng, nhồi nhét... bắt nguồn từ chuyện này.
Vì vậy tôi nghĩ, vào đầu năm học giáo viên nên thông báo cho cha mẹ về phương thức cho trẻ con ăn uống ở trường.
Ví dụ: Nhà trường sẽ có độ cảm thông đến mức abc... nào đó với những trẻ khó ăn. Cha mẹ được phép mang ít đồ ăn đến cho con hay không? Và nhà trường sẽ không ép ăn đến mức nào?
Tôi thấy ban lãnh đạo nhà trường và ban phụ huynh phải giúp đỡ các thầy cô giáo thoát khỏi gánh nặng về ăn uống của trẻ con này thì mới giải quyết được vấn đề.
Chừng nào còn đánh giá giáo viên dựa trên việc trẻ con ăn nhiều ăn ít, chừng nào cha mẹ còn đòi hỏi, yêu cầu vô lý về việc này thì giáo viên còn bị chịu áp lực, gánh nặng trên vai.
Và từ đó rất dễ sinh ra cáu giận, ép uổng, đánh mắng trẻ con, chắc mọi người đều đồng ý với tôi về vấn đề này.
Tổ chức lớp học: 1 giáo viên ở Pháp trông 30 trẻ, nhưng tại sao vẫn không lộn xộn?
Tổ chức các vấn đề liên quan đến/hoặc song song với việc giảng dạy là việc làm rất cần thiết các bạn ạ. Với trường mẫu giáo, tôi xin đưa ra một số ví dụ sau :
1) Lớp mẫu giáo bên này thường cũng chỉ có một giáo viên/ một lớp.
Việc đào tạo giáo viên mẫu giáo bên này được cho vị trí rất quan trọng, vì người ta quan niệm là càng nhỏ càng cần giáo viên có trình độ sư phạm cao.
Và mỗi trường thường có thêm mấy nhân viên phụ việc để giảm bớt lượng việc cho giáo viên. Các nhân viên này thường được đào tạo ngắn ngày, và thường phải qua thi tuyển công chức nhà nước, hoặc được tuyển tạm thời và quản lý bởi toà thị chính thành phố.
Những người này có nhiệm vụ giúp giáo viên dọn lớp, giúp trẻ con vệ sinh giúp sắp xếp, trông coi lớp học, giúp trông coi trẻ con giờ ra chơi, giúp việc dắt trẻ con ra ngoài khi chúng quá quậy phá....
2) Lớp mẫu giáo bên này thường được bài trí tiện lợi nhất đối với đứa trẻ, nhiều khu vực lớp cũng phải có đến 30 hoặc thậm chí trên 30 học sinh, nên thường giáo viên phải bố trí lớp học sao cho đáp ứng được nhu cầu hoạt động của mỗi đứa/ nhóm trẻ, tránh gây tình trạng nhàm chán, lộn xộn ở lớp.
3) Để giúp trẻ làm quen với kỉ luật, quy củ của lớp của trường, thì từ mẫu giáo nhỏ (3 tuổi) trở đi, nhiều thầy cô giáo thường sử dụng suốt tuần đầu để xây dựng quy định của lớp học.
Thường là thầy cô nêu hoạt động, đặt câu hỏi, để trẻ con tự đưa ra các quy định cần thực hiện, thầy cô sẽ ghi chép lại đầy đủ, vài ngày sau đó tổng hợp, sắp xếp lại thành khoảng từ 7-10 quy định với những câu từ dễ hiểu, dễ áp dụng, rồi đem đọc lại cho trẻ nghe, rồi lấy ý kiến chung với đừng điều một...
Nếu đa số các trẻ đều đồng ý, thì thầy cô sẽ viết lại trên một tấm bìa cho đẹp, rồi vẽ thêm hình minh hoạ tượng trưng... rồi dán lên chỗ dễ nhìn dễ thấy nhất ở lớp...
4) Khi có trẻ có vấn đề quấy khóc, quậy phá, đánh nhau, hoặc làm gì đó mà giáo viên không tự giải quyết được thì có thể nhờ nhân viên phụ trách dẫn trẻ đó đến phòng hiệu trưởng, hoặc một người chuyên trách để họ xử lý giúp, tránh làm ảnh hưởng tới không khí/ hoạt động chung của lớp.
Và cũng tránh cho giáo viên khỏi cảm thấy bị gánh nặng công việc quá mức.
Bởi vậy, nên hiệu trưởng các trường mẫu giáo ở bên này thường là những người có nhiều kinh nghiệm dạy học, sau đó học thêm chút về quản lý... để có thể ra tay giúp giáo viên bất cứ khi nào họ cần đến.
5) Những hình thức kỉ luật có thể được áp dụng: nhắc nhở, tách trẻ ra một góc, đình chỉ chơi một trò chơi nào đó, phạt không được ra chơi, đình chỉ không cho động vào một số đồ mà trẻ có hành vi phá hỏng trong một thời gian nào đó, đưa ra khỏi lớp học trong một thời gian ngắn như tôi nói ở mục số 4...
Trong quá trình phạt này bao giờ cũng cần để trẻ hiểu và có cơ hội sửa chữa sai lầm ví dụ :
- Trẻ sẽ được nói lên suy nghĩ của tôi, nếu bé nào không nói được có thể vẽ ra giấy tất cả những cảm xúc có trong người vào lúc đó và vào thời điểm sau đó...
- Tiếp đến là nếu là hành vi không tốt với giáo viên thì cần xin lỗi thầy cô giáo, nếu với bạn thì xin lỗi bạn bằng cách nói lời xin lỗi, hoặc nắm tay, hoặc ôm hôn nhau một cái.
- Nếu là hành vi phá đồ, vứt đồ thì sẽ phải đi nhặt lại, xếp lại đàng hoàng...
6) Khen thưởng, thường trẻ con bên này cũng hay được tặng phiếu ngoan như ở nhà, hoặc ngoan hơn nữa thì sẽ được tặng một thứ đồ chơi, đồ dùng học tập nhỏ ...
Bạn nào có công ngồi cạnh, chia sẻ, giúp đỡ bạn có vấn đề nào đó thì cũng rất hay được thưởng...
7) Một số lớp / trường bên này hay sắp xếp hai thậm chí ba lứa tuổi học chung với nhau nhằm có sự trợ giúp đồng đẳng.
8) Thường cuối tuần, hoặc trước ngày nghỉ mỗi đứa bé đều được mang cuốn vở dán/ ghi chép các thành quả của chúng ở lớp học về nhà cho cha mẹ xem.
Mỗi đứa trẻ cũng có một cuốn sổ liên lạc với trường, luôn để trong túi của trẻ để giáo viên và cha mẹ có thể trao đổi với nhau những vấn đề liên quan đến trẻ/ lớp học nhà trường....
9) Hàng tuần, giáo viên thường có một buổi sinh hoạt chung, họp lại với nhau, cùng nhau bàn về các vấn đề/ tình huống sư phạm. Ai có khó khăn gì đều có thể mang ra tập thể cùng bàn, cùng đưa các phương hướng giải quyết.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Bạo hành ở trường mầm non: Nguyên nhân phổ biến liên quan tới một yêu cầu của các phụ huynh tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].