Sáng 21/5, hai đoạn clip cùng những hình ảnh đi kèm trên mạng xã hội facebook cho thấy, một bảo mẫu liên tục đổ thức ăn vào miệng trẻ trong tình trạng các bé bị bắt nằm ngửa thẳng mặt trên sàn nhà. Khi thấy trẻ khóc, bảo mẫu lấy khăn phủ lên mặt và tát liên tiếp vào mặt...
Sau khi nhận được thông tin, UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tiến hành xác minh thông tin. Qua đó xác định clip đang lan truyền trên mạng xã hội được quay tại cơ sở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (địa chỉ kiệt 251/21 đường Thái Thị Bôi). Cơ sở này do bà Đinh Thị Hồng (SN 1972, trú tại địa chỉ trên) làm chủ. Hiện, cơ quan công an đã tiến hành triệu tập chủ cơ sở để lấy lời khai.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc trẻ bị đút thức ăn liên tục trong hoàn cảnh này rất dễ dẫn đến nguy cơ bị hóc, sặc cháo vào đường thở.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai từng cảnh báo về việc: “Trẻ con bị hóc thường gặp nhất là dị vật thức ăn, dị vật đồ chơi và các loại hạt. Trẻ có thể bị sặc bột, sặc cháo, nghẹn hòn bi, hóc lạc, hạt bí, hạt na…Khi chúng ta cho trẻ ăn, trẻ nghịch ngợm, nói chuyện cười đùa gây ra sặc, dị vật rơi vào đường thở. Đặc biệt, tôi phải nhấn mạnh, nhiều trường hợp trẻ ăn no hoặc không muốn ăn, người lớn vẫn cố đút vô cùng nguy hiểm”.
Chưa kể, ở đây, bảo mẫu đút liên tục thức ăn dạng lỏng ở tư thế trẻ đang nằm vô cùng nguy hiểm. Khi trẻ khóc, người này tiếp tục đánh và đút, nguy cơ ngày hóc càng cao.
Còn theo TS Trần Thu Hương - Giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết, ngoài ảnh hưởng về sức khoẻ, thân thể của trẻ, bạo hành còn để lại những sang chấn về mặt tâm lý.
Với trẻ bị xâm hại, những hình ảnh về bạo lực sẽ ghi dấu trong trí óc trẻ, sau này, nếu phải chứng kiến những cảnh tương tự hoặc chẳng may gặp lại, hình ảnh cũ sẽ khiến trẻ lo lắng, hoảng sợ. Ngoài ra, khi từng bị bạo hành, trẻ cũng khó thiết lập mối quan hệ với người khác, trẻ có thể gặp phải những rối loạn, có xu hướng gây hấn, bạo lực với những người xung quanh bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Hơn nữa, việc trẻ bị bạo hành cũng có thể khiến trẻ bị tách biệt khỏi bạn bè. Những đứa trẻ thấy các bạn bị đánh khi không hiểu lý do, chỉ nghĩ rằng hư sẽ bị đánh, từ đó tạo ra sự tẩy chay giữa các trẻ với nhau. Dần dần bạn bị bạo hành sẽ cảm thấy bị cô độc, bản thân có vấn đề, tự đổ lỗi cho bản thân… Nếu tình trạng này kéo dài, đến một lúc nào đó, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn về mặt cảm xúc.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bạo hành trẻ bằng cách bắt nằm để đổ cháo vào miệng, phủ áo lên mặt đánh sẽ nguy hiểm như thế nào? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].