6 phúc sinh trí huệ
Có sức khỏe là phúc
Sức khỏe chính là phương tiện tải thể của trí huệ, là tiền đề của sự nghiệp, một người nếu như mất đi sức khỏe, vậy xem như là mất tất cả.
Để có một thân tâm khỏe mạnh, ắt phải dưỡng thân, ăn uống có chừng mực, thường xuyên vận động, tránh rượu chè, tửu sắc vô độ.
Bạn cũng cần phải đề cao việc tu tâm dưỡng tính, tránh xa oán giận, ít tranh chấp với người khác, bảo trì tâm thái điềm tĩnh, hòa ái một cách tối đa.
Gia hòa là phúc
Cổ nhân nói: “Gia hòa vạn sự hưng”, hay: “Gia hòa phúc tự đáo”. Nếu chúng ta có một gia đình hòa hợp, tương thân tương ái, trên dưới đồng thuận chính là có được một hậu phương vững chắc để tự tin bước ra ngoài mà gây dựng cơ nghiệp, cũng chính là có được dũng khí để đương đầu với tất cả chông gai của cuộc sống.
Vậy nên có được một gia đình hòa thuận chính là: “Phúc trong phúc”.
Chịu thiệt là phúc
Những người đức không cao, lòng không rộng, nhân cách không chính trực khó có thể chấp nhận bản thân chịu thiệt.
Người có thể vui vẻ chịu thiệt đó cũng chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng. Không sợ chịu thiệt, việc nhiều thì làm thêm một ít, ngược lại có thể tôi luyện tâm tính cho bản thân, nâng cao năng lực chịu đựng, trong các mối quan hệ cũng thể hiện được tấm lòng độ lượng của bậc quân tử.
Cuộc sống thanh đạm là phúc
Cuộc sống bộn bề, áp lực như núi, làm người có thể sống cuộc đời thanh đạm ấy cũng là phúc: Đói thì ăn, mệt thì nghỉ, việc đến thì làm, cần cù chịu khó, sống với hiện tại, ấy cũng chính là phúc.
Biết đủ là phúc
Nhân sinh tại thế, lòng tham của con người xưa nay vốn không hề có đáy. Nhưng thóc đầy kho lụa đầy nhà, nhà trăm gian đất nghìn mẫu thì cũng cơm ngày ba bữa, áo quần vài bộ, tối ngủ giường ba thước.
Bạn cần nhớ, tham lam tài vật thái quá đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang được thứ gì. Vậy nên làm người mà biết ung dung tự tại, không tham không sân, biết đủ là phúc.
Sống tùy duyên là phúc
Nhân sinh vạn nẻo, kiếp người chìm nổi tựa phù vân, đa phần sống ở đời nếu mười phần thì có đến bảy, tám phần không như ý, giờ phút vui vẻ chẳng được đáng là bao, thời gian như nước chảy qua cầu.
Vậy nên biết sống tùy duyên ấy là hạnh phúc, điều đến thì đón nhận, điều đi thì buông bỏ, vạn vật tùy cảnh, vạn sự thì tùy thời, đó cũng chính là cảnh giới của bậc trí giả.
Sướng khổ buồn vui ấy đều do quan niệm của mình chi phối, làm người mà có thể coi nhẹ được mất thì ắt không gì có thể khiến cho chúng ta buồn khổ được.
6 đức cần tu dưỡng
Khẩu đức
Cổ nhân có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông; lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Đời người họa hay phúc đều do cái miệng mà ra, vậy nên làm người thì việc trước nhất chính là tu dưỡng cái miệng của mình.
Hãy nhớ, luôn nói lời chân, không nói lời lộng ngữ thị phi, mỗi khi nói phải nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ đến cảm thụ của người nghe.
Khi nói chuyện thì nên chú ý thời cơ, địa điểm, lúc nào cần nói lúc nào không, đặt cơ điểm từ góc độ của người nghe mà nói.
Ban đức
Có câu: “Tay tặng hoa hồng ắt giữ thơm”, vỗ tay cho người khác thì mặt mình tự cũng vui tươi, khích lệ cho người, trí huệ bản thân tự ắt cũng tăng.
Khổng Tử nói “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị”. (Đại ý: Người quân tử tạo thành cái hay cho người khác, không gây thành cái ác cho người ta; tiểu nhân thì không thế).
Diện đức
Người sống nhờ mặt, cây sống nhờ vỏ, cây không có vỏ cây chẳng thể sinh tồn, người không có thể diện người chẳng thể dung thân.
Tu dưỡng tốt diện mạo của mình cũng là giúp người lưu lại cái uy danh.
Tín đức
Chữ tín luôn là cái vốn để làm người, làm người không có chữ tín hỏi có ai ưa? Vậy nên, tín chính là cái vốn tài sản lớn nhất của đời người, có thể lấy được lòng tin của thiên hạ chính là tài sản vô giá.
Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng người mà không giữ chữ tín thì không có chỗ sinh tồn, không có chỗ đứng trên thế gian này. Cũng có người nói, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Câu nói này thực ra rất có đạo lý.
Khiêm đức
Cổ nhân xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng khiêm nhường chính là một loại mỹ đức thể hiện tinh thần hàm dưỡng tôn quý. Nhường người ba tấc mình cũng lợi hai phần, trong “Chu Dịch” viết rằng: “khiêm tốn là cái gốc của đạo đức, nhường nhịn đứng đầu mọi loại lễ nghi, phép tắc”.
Người khiêm nhường, tao nhã là người có đức hạnh cao, tấm lòng độ lượng bao dung, cũng là người một lòng cung kính đối với mọi việc, mọi người xung quanh. Sự cung kính đó không phải bắt nguồn từ lòng sợ hãi mà xuất phát từ sự tôn trọng.
Như vậy, người xưa nhìn nhận rằng, dù là đạo trời hay đạo làm người, cái gốc đều ở một chữ “Khiêm” này.
Trọng đức
Trong cuộc sống chúng ta đều hiểu là phải biết tôn trọng người khác, nhưng rất ít người có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của điều này.
Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”.
Câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết tôn trọng người khác. Khi kết giao với người khác, nếu có thể hiểu và tôn trọng họ, vậy thì ta cũng sẽ được họ hiểu và tôn trọng lại mình gấp trăm lần.
Người có tu dưỡng thì đối với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng. Tôn trọng người dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng người dưng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.
Tuệ TâmBạn đang xem bài viết Làm người tích 6 phúc sinh trí huệ, hành 6 đức ắt cuộc sống viên mãn, tròn đầy tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].