Làm hồ sơ sinh tại bệnh viện Bưu điện
Những năm gần đây, khoa sản của bệnh viện Bưu điện nhận được nhiều sự tin tưởng và lời khen bởi chất lượng dịch vụ tốt và đội ngũ bác sỹ tận tình, chu đáo.
Nếu bạn đang cân nhắc có nên sinh tại đây hay không, mời tham khảo kinh nghiệm sinh nở tại bệnh viện Bưu điện kèm chi phí sinh chi tiết nhất năm 2019 sau.
Nếu muốn đăng ký sinh tại bệnh viện Bưu điện, bạn cần làm hồ sơ sinh trước tuần thứ 30. Bệnh viện Bưu điện có địa chỉ tại số 49, phố Trần Điền, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Khi nào hồ sơ sinh, bạn nên đến sớm, lấy số chờ và sau đó làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Chi phí làm hồ sơ sinh nếu không dùng BHYT tại bệnh viện Bưu điện khoảng 1,2 triệu đồng.
Các bước làm hồ sơ sinh tại bệnh viện Bưu điện sẽ như sau:
- Lấy số và chờ gọi đến lượt.
- Nhân viên y tế phát cho tờ phiếu ghi thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại.
- Nhân viên y tế phát tờ phiếu khám bệnh, để bạn cầm theo đến phòng khám. Tại phòng khám, bạn được đo cân nặng, đo huyết áp, nhịp tim.
- Bạn được hướng dẫn đến quầy đóng tiền, phòng xét nghiệm và phòng siêu âm.
- Sau khi nộp tiền, bạn được phát 3 tờ phiếu gồm phiếu xét nghiệm huyết học, phiếu xét nghiệm sinh hóa và phiếu xét nghiệm nước tiểu.
- Đến phòng 119, xếp phiếu xét nghiệm vào, chờ đến lượt được gọi vào phòng. Khi vào phòng, bạn được lấy máu và hẹn giờ nhận kết quả.
- Bạn được phát ống đựng nước tiểu, đi lấy nước tiểu và đặt ông nơi quy định.
- Đến phòng số 133 để siêu âm. Bạn có thể chọn siêu âm 2D hoặc 3D tùy vào nhu cầu.
- Sau khi siêu âm, cầm tờ siêu âm và phiếu khám bệnh, ra phòng xét nghiệm máu và nước tiểu để chờ lấy kết quả.
- Thông thường giờ trả kết quả buổi sáng trong khoảng 11 – 11 giờ 30 phút.
- Sau khi lấy kết quả, bạn vào phòng khám lúc đầu để bác sỹ đọc kết quả xét nghiệm, siêu âm và hẹn lịch khám lại.
- Hoàn thành làm hồ sơ sinh tại bệnh viện Bưu điện. Bác sỹ sẽ cho bạn biết hồ sơ sinh gồm những gì, hẹn ngày giờ khám, siêu âm lại hoặc hỏi có đăng ký mổ chủ động hay không (nếu bạn đã từng sinh mổ trước đó).
- Thông thường lịch thăm khám, siêu âm sẽ vào các mốc: 28 tuần, 32 tuần, 36 tuần, 38 tuần, 40 tuần.
Kinh nghiệm sinh nở tại bệnh viện Bưu điện
Với những sản phụ sinh thường, khi có dấu hiệu sinh nở, vào bệnh viện và lên thẳng tầng 3 - khoa sản – phòng 302.
Trong khi đó, người nhà đặt cọc tiền đẻ là 5 triệu đồng nếu đẻ thường hoặc chưa rõ đẻ thường hay đẻ mổ.
Nếu đẻ mổ chủ động, đặt cọc 10 triệu đồng.
Bác sỹ sẽ tiến hành chạy máy monitor, khám trong. Sản phụ khi đó nằm phòng chờ và cứ 30-60 phút bác sỹ kiểm tra một lần.
Giá phòng có các mức: 100 – 250 – 400 – 450 – 1,5 triệu đồng và vệ sinh khép kín.
Bệnh viện có phục vụ 3 bữa gồm cháo vào buổi sáng, và hai bữa cơm giá 25 nghìn/ suất. Nếu người nhà ở lại thêm, có thể ăn ngay tại căng tin tầng 1.
Giờ chăm sản phụ là: 10 giờ 30 phút – 13 giờ, 15 giờ 30 phút đến 7 giờ sáng hôm sau.
Giờ vào thăm sản phụ là: 11 giờ - 13 giờ, 17 giờ - 21 giờ.
Bệnh viện Bưu điện có cho phép da tiếp da ngay sau khi con chào đời, có cắt rốn chậm. Nếu đẻ thường, sản phụ được về phòng với con ngay và bác sỹ dặn dò rất kỹ.
Nếu đẻ mổ, bé được về phòng và người nhà chăm sóc, trong khi đó mẹ nằm theo dõi ở phòng hậu phẫu khoảng từ 2-4 tiếng.
Bé đẻ xong được tiêm mũi K và viêm gan B.
9 giờ sáng hàng ngày, bé sẽ được đưa đi tắm.
Trong lúc này mẹ được các bác sỹ và y tá chăm sóc như vệ sinh vết khâu, thay bỉm, kiểm tra sức khỏe, phụ các việc cá nhân với những mẹ sinh mổ, thay ga, thay quần áo bẩn.
Ngoài ra còn được hướng dẫn cách tắm cho con, cho con bú, chăm sóc con và trả lời những thắc mắc của sản phụ, người nhà sản phụ.
Đồ mang theo khi vào viện
Giống như những khoa sản khác, đồ mang theo khi vào viện rất đơn giản vì bệnh viện đã trang bị đầy đủ đồ dùng, quần áo cho mẹ và bé khi ở trong viện.
Khi vào viện, chỉ cần mang theo:
Đồ cho mẹ: Bỉm, 1 bộ quần áo khi ra viện, cốc thìa.
Đồ cho con: Bỉm, 10 cái khăn xô, sữa, bình sữa, 1 bộ quần áo, khăn ướt
Người nhà ở lại chăm sản phụ có thể thuê giường gấp với giá 10 nghìn đồng. Không phải nằm ghép và chịu cảnh chật chội, khó chịu.
Chi phí sinh tại bệnh viện Bưu điện
Bệnh viện Bưu điện nhận tất cả bảo hiểm trái tuyến và không cần giấy chuyển viện hay cấp cứu. Nghĩa là dù đẻ thường hay đẻ mổ thì sản phụ vẫn được BHYT thanh toán cho 80%.
Nếu đẻ thường, chi phí sinh tại đây chỉ khoảng 2 triệu đồng. Nếu đẻ mổ, chi phí khoảng 7-9 triệu đồng, tùy thuộc vào số ngày lưu viện và loại phòng đăng ký ở.
Bệnh viện Bưu điện cũng có chiếu tia plasma sau mổ để vết mổ khô đẹp, giảm sẹo. Ngoài ra còn có dịch vụ lấy máu gót chân cho bé với giá: 400 nghìn đồng nếu xét nghiệm 3 bệnh di truyền bẩm sinh, 900 nghìn đồng cho 55 bệnh và 1,3 triệu đồng cho tổng 58 bệnh.
Với đội ngũ y bác sỹ tận tình, chu đáo, phòng ốc sạch sẽ và chi phí sinh nở thuộc tầm trung, bệnh viện Bưu điện đang ngày càng nhận được sự tin tưởng từ những bà mẹ mang thai.
Kinh nghiệm sinh nở tại bệnh viện Bưu điện chi tiết và đầy đủ sẽ giúp bạn có được lựa chọn tốt nhất cho mình và có một ca sinh mẹ tròn con vuông, thuận lợi, suôn sẻ.
Bạn đang xem bài viết Kinh nghiệm sinh nở tại bệnh viện Bưu điện và chi phí sinh chi tiết nhất năm 2019 tại chuyên mục Sổ tay của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].