Ngủ dậy thấy miệng khô rang, đây là những điều cơ thể đang muốn nói với bạn

Tình trạng khô miệng xảy ra khi không tiết đủ nước bọt. Thiếu nước bọt thường là triệu chứng hoặc tác dụng phụ của một vấn đề sức khỏe khác.

Tiến sĩ, bác sĩ nha chu và nhà vi trùng học Frank A. Scannapieco tại trường Y Đại học Buffalo sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây khô miệng vào buổi sáng.

1. Bạn bị mất nước

ngu-day-kho-mieng-0

Thông thường, khô miệng là dấu hiệu cho thấy toàn bộ cơ thể bạn cần nhiều chất lỏng hơn.

Tiến sĩ Scannapieco cho biết, khi bị mất nước, cơ thể sẽ không có đủ chất lỏng để tiết ra nước bọt, vì nước bọt có 99% là nước.

Nếu bạn không uống đủ nước trong ngày, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng khô miệng, mất nước vào buổi sáng.

2. Bạn thở bằng miệng

Nếu bạn thường xuyên ngủ há miệng thì điều này có thể đang thúc đẩy tình trạng khô miệng của bạn.

Tiến sĩ Scannapieco cho biết: “Nếu bạn ngủ há miệng, các mô trong miệng sẽ bị khô, đặc biệt là những mô gần môi nhất”.

Thở bằng miệng đặc biệt phổ biến khi bạn bị nghẹt mũi. Nghẹt mũi khiến bạn khó thở bằng mũi nên bạn phải bù đắp bằng cách thở bằng miệng.

Làm sạch xoang trước khi đi ngủ có thể giúp giảm bớt vấn đề này.

3. Bạn có thể bị ngưng thở khi ngủ

Nếu bạn ngủ ngáy mãn tính và thức dậy với tình trạng khô miệng, bạn có thể đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ, một chứng rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi nhịp thở bất thường trong khi ngủ.

Theo Mayo Clinic, những người mắc bệnh này sẽ bị khó thở, thở hổn hển và ngáy to. Những vấn đề này thường dẫn đến thở bằng miệng và có thể gây khô miệng.

Các triệu chứng khác bao gồm mất ngủ, đau đầu vào buổi sáng, buồn ngủ ban ngày, hạn chế khả năng tập trung và cảm giác khó chịu.

4. Bạn đang dùng một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến miệng và làm giảm tiết nước bọt.

Tiến sĩ Scannapieco cho biết: “Nhiều loại thuốc có thể tác động lên hệ thần kinh trung ương hoặc lên tế bào tuyến nước bọt làm giảm tiết nước bọt”.

Ông cho biết, các loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm và bàng quang tăng hoạt cùng một số bệnh khác có thể dẫn đến khô miệng.

Theo Mayo Clinic, một số thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau cũng có thể gây khô miệng do tác dụng phụ.

Người già có xu hướng dùng nhiều thuốc hơn nên nguy cơ khô miệng sẽ cao hơn. Trên thực tế, theo Phòng khám Cleveland, cứ 5 người lớn tuổi thì có 1 người bị chứng khô miệng.

5. Bạn có thể mắc vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác

ngu-day-kho-mieng

Ngoài chứng ngưng thở khi ngủ, còn có một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn có thể là nguyên nhân dẫn đến khô miệng.

Ví dụ, một số bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp và hội chứng Sjogren có ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, Tiến sĩ Scannapieco cho biết.

Bệnh tiểu đường, đột quỵ, nhiễm trùng nấm miệng (hoặc bệnh tưa miệng) và bệnh Alzheimer cũng có liên quan đến khô miệng, theo Mayo Clinic.

6. Bạn uống đồ uống có cồn hoặc caffeine vào cuối ngày hôm trước

Uống cà phê và đồ uống có cồn vào cuối ngày có thể là thủ phạm khiến miệng bị khô.

Lý do là vì caffeine và đồ uống có cồn có thể gây tình trạng mất nước nhẹ, dẫn đến khô miệng, theo Viện Nghiên cứu Nha khoa và Sọ mặt của Mỹ.

(Theo LiveStrong)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính