Hãy chuẩn bị tất cả trong một buổi chiều Thứ Bẩy (hoặc Chủ Nhật) sau đó cả tuần bạn sẽ không phải đi chợ và chỉ mất 30 phút cho mỗi bữa tối.
#1: Lên kế hoạch
Các bà mẹ bận rộn chắc chắn không muốn mất thời gian lang thang ở chợ hay siêu thị mà trong đầu vẫn chưa tính được ‘Hôm nay ăn gì?’.
Để trả lời câu hỏi hóc búa này, thực ra chỉ cần để một chút thời gian cuối buổi sáng ngày cuối tuần để lên kế hoạch.
Đầu tiên, hãy xác định bạn cần chuẩn bị thực phẩm cho bao nhiêu người, trong bao nhiêu bữa? Với những gia đình không ăn trưa ở nhà thì sẽ là: 9 bữa chính (bao gồm 2 bữa trưa ngày Thứ Bẩy, Chủ Nhật và 7 bữa tối trong tuần), 7 bữa phụ.
Thực đơn đơn giản bao gồm một món mặn, một món canh và một món rau (xào, luộc, sa lát…) cho mỗi ngày. Hãy lập một danh sách các thực phẩm cần thiết, càng cụ thể càng tốt.
Quên một chút gừng, thì là cũng khiến cho món canh chua nấu cá của bạn giảm đi rất nhiều hương vị!
#2: Đi chợ
Khi kế hoạch thực phẩm đã xong, hãy bắt đầu khâu mua hàng.
Mỗi người một lựa chọn, bạn có thể mua sắm ở chợ, siêu thị, quầy hàng tiện lợi… Điều quan trọng là lựa chọn đầy đủ các nguyên liệu tươi ngon theo list thực phẩm đã có.
Đừng băn khoăn nếu có 1, 2 thực phẩm bạn không thể mua theo đúng danh sách. Bạn có thể thay thế bằng thực phẩm khác, hoặc mua tăng lượng thức ăn của bữa trước để bù vào. Một vài bữa lặp lại trong tuần chắc chắn không phải là vấn đề lớn.
Đi chợ 1 lần cho cả tuần là mẹo giúp bạn vừa tiết kiệm tiền vừa tiết kiệm thời gian
#3: Sơ chế thức ăn
Đây là bước vất vả nhất trong quá trình chuẩn bị các thức ăn cho cả tuần.
Hãy chia sẻ công việc với các thành viên trong gia đình để thấy vui hơn các mẹ nhé!
Có thể phân công công việc: con nhặt rau, bố thái cà chua, mẹ rửa, sơ chế các loại thịt, cá… Bật nhạc lên cho cả nhà thêm ‘khí thế’ để vào bếp nào!
#4: Chế biến
Một số món có thể chế biến trước và cho vào ngăn mát, một số món bạn chỉ cần chế biến một phần, hoặc đưa thực phẩm vào ngăn đá cấp đông, khi nào ăn sẽ rã đông để sử dụng.
Hãy lưu ý mẹo hay về việc ‘kết hợp’ các việc trong lúc nấu nướng.
Nếu bạn cần làm một món tốn nhiều thời gian, hãy bật bếp làm món đó trước. Sau khi đã đặt món đó lên bếp (ví dụ: nồi xương hầm, nồi cá kho…) hãy chuyển sang các món tốn ít thời gian hơn.
#5: Sắp xếp thức ăn
Việc lưu trữ các thực phẩm là ‘chìa khóa’ để đảm bảo cả tuần bạn chỉ cần ‘đi chợ’... trong tủ lạnh.
Hãy xếp tất cả các loại hộp nhựa, lọ thủy tinh, túi nilon bọc thực phẩm mà bạn có ra bàn bếp. Sau khi sơ chế thực phẩm, hãy sắp xếp vào các vật đựng phù hợp.
Việc chuẩn bị đồ ăn cũng là động lực để bạn dọn dẹp tủ lạnh mỗi lần/tuần. Hãy đảm bảo rằng bạn không có quá nhiều đồ dự trữ và quên mất date sử dụng trong tủ lạnh. Cách làm này vừa lãng phí thực phẩm vừa gây mất diện tích để sắp xếp đồ ăn mới.
Nên sắp xếp theo kế hoạch đã định trước: món ăn đầu tuần thì để bên ngoài, dễ lấy hơn so với món ăn vào giữa tuần, món ăn cuối tuần để trong cùng…
Bạn cũng có thể ghi chú: món nào, dùng cho ngày nào, cần thêm nguyên liệu gì… vào giấy nhớ và dán lên hộp đựng đồ ăn.
Sắp xếp đồ ăn khoa học sẽ giúp sau đó bạn chỉ cần 'đi chợ' trong tủ lạnh
#6: Chuẩn bị bữa sáng cho cả tuần
Vì bữa sáng là bữa ăn rất quan trọng, bạn lại có rất ít thời gian dành cho nó, nên việc chuẩn bị bữa sáng là hết sức quan trọng.
Bạn có thể tham khảo thực đơn gợi ý sau cho 7 bữa sáng trong tuần:
Thứ Hai: Cháo sườn
Thứ Ba: Bánh mỳ ốp la
Thứ Tư: Mỳ gạo nấu rau cải, thịt thăn
Thứ Năm: Mỳ Ý trộn thịt bò băm
Thứ Sáu: Bánh mỳ phô mai, ruốc
Thứ Bẩy: Cơm rang rau củ, xúc xích
Chủ Nhật: Bún chân giò
#7: Dọn dẹp bếp
Làm sạch nhà bếp, rửa dọn các dụng cụ làm bếp là khâu cuối cùng để kết thúc một buổi chiều bận rộn.
Tự thưởng cho mình và gia đình mỗi người một ly sinh tố hoặc đĩa hoa quả, cốc sữa chua… để ‘lấy lại năng lượng’ bạn nhé!
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Hướng dẫn cách chuẩn bị thức ăn cho cả tuần đầy đủ dinh dưỡng và tiết kiệm nhất tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].