Hơn 63.000 ca mắc bệnh tay chân miệng trong thời điểm giao mùa

Hiện, cả nước có hơn 63.000 ca mắc, gần 30 nghìn ca phải nhập viện do tay chân miệng, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2016.

  Đã có gần 30 nghìn trường hợp phải nhập viện do tay chân miệng 

Đã có gần 30 nghìn trường hợp phải nhập viện do tay chân miệng 

Dễ bùng phát thành dịch và có thể gây biến chứng nguy hiểm

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống dịch.

Tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da, do nhiễm virus thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng.

Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước hay phân của người nhiễm virus.

Vì vậy, bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học.

Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện gì thì được cho là nặng?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), bệnh tay chân miệng ở trẻ được chia làm 2 thể là thể nhẹ và thể rất nặng. Với thể nhẹ, cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà.

  Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày để phòng chống dịch tay chân miệng 

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày để phòng chống dịch tay chân miệng 

Trẻ bị tay chân miệng có thể chăm sóc ở nhà khi có tổn thương ở da đi kèm sốt nhẹ hoặc không kèm sốt.

Những tổn thương ở da mà trẻ gặp phải như: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Việc chăm sóc trẻ tại nhà có ưu điểm là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường sạch sẽ và giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Tuy nhiên, người chăm sóc trẻ hay cha mẹ cần phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi, giữ vệ sinh cho trẻ và biết cách phát hiện sớm những biến chứng nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời khi cần.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ được đánh giá là nặng khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục không thể hạ được, trẻ mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, giật mình, vã mồ hôi, lạnh toàn thân, thở nhanh, khó thở, run người, nôn nhiều…

Khi thấy trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu này, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổn thương ở miệng gây đau khiến trẻ bỏ ăn, quấy khóc.

Khi đó, cha mẹ có thể dùng thuốc bôi để giảm đau và liền các tổn thương cho trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc nào cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần dỗ dành cho trẻ ăn đủ loại thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng. Tuyệt đối không kiêng khem, hạn chế đồ ăn cho trẻ.

Phòng chống dịch tay chân miệng thế nào? 

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: 

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. 

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. 

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Linh Ly

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính