Bé Nguyễn Văn Bách (6 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ mới bắt đầu bước vào lớp một, nhưng trước đó 1 tháng mẹ bé đã cho con đi học thêm để quen bạn bè, tập luyện viết chữ.
Ngày đầu đi học Bách tỏ ra rất hào hứng, vui vẻ vì được quen nhiều bạn mới. Nhưng tình trạng vui vẻ chỉ diễn ra được vài ngày rồi cậu bé suốt ngày khóc mếu khi mỗi sáng phải đến lớp.
Khóc mãi không có tác dụng uy hiếp với bố mẹ nên cậu bé tìm cách bày trò. Buổi sáng cậu bé làm vệ sinh cá nhân rất lâu dù mẹ có quát mắng thúc ép. Đến lúc ăn sáng cậu bé cũng ăn rất chậm, vừa ăn vừa nghịch đồ chơi để kéo dài thời gian.
Nhiều hôm mẹ bé phát bực vì con nên để bé đến trường ăn sáng. Lúc này Bách lại mè nheo muốn đi vệ sinh và ngồi ở nhà vệ sinh rất lâu chỉ vì không muốn đi học.
Tìm hiểu mãi mẹ Bách mới biết được nguyên nhân là do đi học Bách phải viết nhiều bài, viết bài ở lớp, viết bài cô giáo cho về nhà, bé không được chơi, không được xem tivi nên dẫn đến tâm lý sợ đi học, chỉ muốn ở nhà.
ThS.BS Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng đã từng điều trị cho một bệnh nhi 8 tuổi gặp tình trạng sợ đi học.
“Cứ hễ bố mẹ nhắc tới chuyện đi học là cháu lại kêu đau đầu, chóng mặt, thậm chí trẻ còn bị ngất. Nhưng khi được đi chơi, chơi những trò mình thích bé lại tỉnh táo, khỏe mạnh bình thường.
Đến khi vào viện thăm khám chúng tôi phát hiện bé bị rối nhiễu tâm trí. Đây là bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng hay gặp nhất là lứa tuổi đến trường (6-7 tuổi).
Sức khỏe của trẻ suy giảm rõ rệt, trẻ sút cân, mất ngủ và luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng, học hành sút kém. Hậu quả tai hại là trẻ có thể bị trầm cảm nặng, có những hành vi gây hại cho sức khỏe”.
Theo bác sĩ Tâm, một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị rối nhiễu tâm trí là do sức ép học tập ngày càng nặng nề. Bố mẹ kỳ vọng quá mức vào con mình nên vô tình đã tạo ra sức ép quá lớn cho trẻ.
Những nỗi lo sợ thi trượt, sự lặp đi lặp lại các bài tập nhàm chán, không có đam mê, những cú sốc tinh thần… của trẻ đều có nguy cơ gây rối nhiễu tâm trí.
Ngoài ra, áp lực bởi chương trình học quá tải, thiếu hứng thú ở trường học cùng với các vấn đề tâm lý xã hội như bạo lực cũng làm gia tăng các rối nhiễu tâm trí ở trẻ.
Bác sĩ Tâm cho biết thêm, với những trường hợp trẻ bị rối nhiễu tâm trí thì yếu tố gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát bệnh và điều trị bệnh của trẻ.
Một số phụ huynh chọn cách giáo dục con bằng cách mắng chửi, đòn roi, gây áp lực về thành tích, điểm số… làm trẻ sợ hãi, ức chế mà gây bệnh.
Vì vậy, để trẻ phát triển bình thường cả về thể chất, trí tuệ và tâm thần, bố mẹ nên lựa chọn cách chăm sóc, dạy con đúng mực, tạo cho con hứng thú học tập, vừa học vừa chơi.
Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, bố mẹ cần tránh thái độ độc đoán, chuyên quyền một cách cực đoan. Phải biết quan sát và lắng nghe các diễn biến, bộc lộ tâm lý của trẻ. Cố gắng thu xếp thời gian và công việc để chăm sóc trẻ, cùng vui chơi, trò chuyện, chia sẻ với con.
L.MinhBạn đang xem bài viết Hội chứng sợ đi học: Khóc thét khi đến trường, cười tươi khi về nhà tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].