Thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành công tác y tế trường học
Kế hoạch số 240/KH-UBND của UBND TP Hà Nội đã xác định rất rõ vai trò quan trọng của công tác phối hợp liên ngành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho ngành y tế và ngành giáo dục trong việc tăng cường công tác chỉ đạo điều hành một cách thống nhất, đồng bộ đối với hoạt động y tế trường học tại các cấp.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế (cơ quan thường trực) chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức, triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác y tế trường học trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở Kế hoạch số 240, liên ngành y tế - giáo dục và đào tạo đã xây dựng Kế hoạch liên ngành số 4838/KHLN-YT-GDĐT ngày 18/10/2023 thực hiện công tác y tế trường học năm 2023 - 2024.
Mục tiêu hướng đến là củng cố nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, phòng chống tai nạn thương tích và dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh…
Để tập trung cho công tác kiểm tra y tế trường học, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 5478/QĐ-UBND về việc thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành công tác y tế trường học năm học 2023 - 2024.
Theo đó, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động y tế trường học tại 30 quận, huyện, thị xã; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về y tế trường học bao gồm: chăm sóc, quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh, truyền thông phòng chống bệnh tật học đường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, nước sạch, phòng chống tai nạn thương tích tại các trường học; tổng hợp kết quả kiểm tra, các đề xuất, kiến nghị báo cáo về UBND Thành phố sau khi kết thúc đợt kiểm tra.
Hiệu quả thiết thực từ công tác y tế trường học
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành công tác y tế trường học năm học 2023 - 2024 số 1 của thành phố đã kiểm tra công tác y tế trường học tại quận Hà Đông, huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức.
Theo báo cáo của lãnh đạo quận Hà Đông với đoàn kiểm tra, năm học 2023 - 2024, trên địa bàn quận có 102 trường công lập, 49 trường tư thục (phân theo cấp học từ mầm non đến THPT, liên cấp), 275 cơ sở mầm non độc lập tư thục. Trong đó, có 136 trường có tổ chức bữa ăn bán trú, 100% trường thực hiện các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể do thành phố triển khai.
Về công tác y tế trường học được quận triển khai đồng bộ từ tập huấn, kiểm tra, giám sát, truyền thông, khám sức khỏe học sinh/giáo viên/nhân viên đến xây dựng các mô hình điểm, hoạt động bảo hiểm y tế, dinh dưỡng học đường.
Hiện, quận Hà Đông đang triển khai 4 mô hình điểm y tế học đường gồm: chương trình mắt học đường; chương trình nha học đường; chương trình truyền thông, tư vấn, khám sàng lọc phát hiện và can thiệp dậy thì sớm ở trẻ em; chương trình can thiệp phòng chống thừa cân/béo phì.
Cụ thể, đối với chương trình mắt học đường, ngành giáo dục quận Hà Đông đã phối hợp với BV Mắt Hà Đông xây dựng điểm khối trung học cơ sở về phòng chống cận thị mắt học đường tại 5 trường THCS gồm: trường THCS Yên Nghĩa, Dương Nội, Mỗ Lao, Lê Hồng Phong và Kiến Hưng. Kết quả, đã có 326 giáo viên và 8.381 học sinh của 5 trường được tập huấn bồi dưỡng kiến thức phòng chống tật khúc xạ và phòng chống viêm kết mạc; triển khai khám sàng lọc, phát hiện, định hướng điều trị cho học sinh có thị lực dưới 7/10.
Với chương trình nha học đường, ngành giáo dục quận Hà Đông đã phối hợp với BV Hữu nghị Việt Nam - CuBa triển khai chương trình điểm nha học đường năm 2023 tại Trường Tiểu học Đồng Mai I. Kết quả, 100% giáo viên của trường được tập huấn kiến thức về nha học đường; 485 học sinh được khám răng, 115/485 học sinh được trám dự phòng sâu răng.
Đối với hoạt động bảo hiểm y tế, 100% các trường trên địa bàn quận Hà Đông đã tích cực triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về chính sách bảo hiểm y tế, tính nhân văn và quyền lợi của học sinh khi tham gia bảo hiểm y tế. Kết quả, đến nay đã có 90% học sinh các trường tham gia bảo hiểm y tế.
Theo báo cáo của huyện Đan Phượng, hiện trên địa bàn huyện có 60 trường học (trong đó 19 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 16 trường THCS, 5 trường THPT); 54 trường có cán bộ y tế và 6 trường không có cán bộ y tế, ký hợp đồng cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ y tế trường học. Tổng số học sinh trên địa bàn là 44.795 học sinh (bao gồm cấp học mầm non, tiêu học, THCS, THPT); số trường có tổ chức ăn bán trú có 32 trường (trong đó, 19 trường tự nấu ăn bán trú; 6 trường thuê đơn vị nấu ăn bán trú tại trường; 7 trường thuê đơn vị nấu ăn bán trú nơi khác mang tới trường).
Để thực hiện tốt công tác y tế trường học, huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý cho các em học sinh; phòng chống tác hại thuốc lá...
Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra và giám sát về an toàn thực phẩm các trường có tổ chức ăn bán trú. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 31/32 trường tổ chức ăn bán trú được giám sát (đạt 97%); 100% bếp ăn tập thể các trường học có tổ chức ăn bán trú được kiểm tra có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; 100% bếp ăn tập thể trường học có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ đảm bảo theo quy định.
Hầu hết các bếp ăn tập thể sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến bao gói sẵn có đầy đủ nhãn mác theo quy định và còn hạn sử dụng; 100% các trường sử dụng nước uống đóng bình để uống trực tiếp.
Về công tác chăm sóc sức khỏe, tính đến hết tháng 11, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng đã tổ chức khám sức khỏe học sinh được 23 trường/60 trường, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 270 giáo viên, nhân viên tại các trường mầm non trên địa bàn huyện.
Kết thúc mỗi đợt khám, nhà trường thông báo kết quả khám tới phụ huynh học sinh, nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh. Ngoài ra, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng đã phối hợp Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám sàng lọc các bệnh về tim cho 6 tường mầm non với hơn 2.000 trẻ, 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế.
Còn tại huyện Hoài Đức, theo báo cáo, trên địa bàn huyện có 106 trường các cấp học và 1 Trung tâm GDNN-GDTX; 96 trường có cán bộ y tế; tổng số học sinh trên địa bàn là 77.655 học sinh; 76 trường học có tổ chức ăn bán trú (trong đó, 52 trường tự nấu ăn bán trú; 24 trường hợp đồng suất ăn). Các trường học duy trì thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.
Huyện Hoài Đức cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát như: Phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo, phòng Y tế kiểm tra liên ngành công tác Y tế trường học và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn huyện. Kiểm tra, giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể tại 65 trường học trên địa bàn. Kết quả 64/65 bếp ăn tập thể đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; 1 cơ sở có vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, cơ sở đã khắc phục ngay tồn tại.
Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tập huấn như: Tổ chức lễ phát động "Xây dựng cộng đồng an toàn - Phòng chống tai nạn thương tích" năm 2023 tại UBND xã Cát Quế; tổ chức 2 lớp nói chuyện chuyên đề về môi trường không khói thuốc lá, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý tăng cường vận động phù hợp tại trường THCS Vân Côn và THCS Cát Quế A, với tổng số 500 học sinh; tổ chức 1 lớp tập huấn về công tác chuyên môn, phòng chống dịch bệnh trong trường học cho cán bộ Y tế các trường với tổng số 104 học viên; tổ chức 12 lớp truyền thông cho học sinh khối THCS về sức khỏe sinh sản vị thành niên với tổng số 1.700 học sinh;…
Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra số 1 của thành phố đánh giá cao việc thực hiện công tác y tế trường học của các quận, huyện. Đồng thời ghi nhận kiến nghị về khó khăn vướng mắc trong công tác y tế trường học tại các quận, huyện như một số trường học thiếu nhân viên chuyên trách về y tế; nhiều trường học nhân viên y tế chưa có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh... để tổng hợp, báo cáo thành phố cũng như chỉ đạo các ngành chức năng theo phân cấp phối hợp với các trường học khắc phục những khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, đoàn kiểm tra đề nghị các trường cần chú trọng hơn nữa đến công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo chất lượng của bữa ăn bán trú cho học sinh. Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đề nghị các đơn vị nhân rộng các mô hình điểm, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt hoạt động dinh dưỡng học đường; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho các em học sinh.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội: Kiểm tra nâng cao chất lượng y tế trường học tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].