Du khách tiện lợi với thẻ thông minh, vé điện tử, nghe thuyết minh tự động
TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, hiện nay chuyển đổi số là đòn bẩy khách quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với ngành du lịch, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu. Trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code, app du lịch... Đồng thời, các doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu, qua đó có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phù hợp.
Từ 1/6/2023, khách đoàn tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ cần 1 lần mua vé theo hình thức biên lai điện tử rồi quét mã QR cho cả đoàn đi vào, thay vì mua vé giấy cho từng người như phương thức cũ. Khác với cổng soát vé tự động, hình thức biên lai điện tử có chứa mã QR không chỉ dùng để quét khi khách qua cửa, mà còn chứa đủ thông tin về ngày giờ thực xuất vé, số series, tra cứu trên hệ thống quản lý để kiểm tra tình trạng vé... Việc triển khai này giúp nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan, đồng thời nhân viên soát vé không còn phải vất vả kiểm tra từng vé tương ứng với người, cũng như không cần phải nhận vé, xé vé khi khách qua cửa như trước đây.
Ngoài ra, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu; triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ.
Tại Hoàng thành Thăng Long, từ ngày 15/6 cũng đã triển khai vé điện tử. Khách hàng có thể đặt vé qua website bằng máy tính hoặc điện thoại di động thay vì xếp hàng mua vé ở quầy. Sau khi mua vé thành công từ hệ thống, du khách sẽ nhận thông tin vé qua email đăng ký. Đến cổng soát vé tại khu di sản, du khách chỉ cần quét mã QR và bắt đầu hành trình “trở về quá khứ” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đầy thú vị.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cũng đã xây dựng ứng dụng "Hoàng thành Thăng Long" và cập nhật trên cả hệ điều hành Android lẫn iOS. Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh Nguyễn Thị Yến cho biết: "Trung tâm đã xây dựng ứng dụng này để phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của khách. Trước đây, muốn hiểu kỹ về những hạng mục di tích trong Hoàng thành, cần có thuyết minh viên đi kèm, nhưng hiện giờ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, khách du lịch đã có một "trợ lý" thông minh, hướng dẫn toàn bộ lịch trình tham quan. Tất cả các hạng mục của di sản, các hiện vật quan trọng đều được giới thiệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau bằng văn bản và bằng âm thanh. Khi dịch Covid-19 xảy ra, ứng dụng ngày càng được khách quan tâm. Ban quản lý cũng đã áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích, bên cạnh phần mềm kiểm soát vé và quản lý khách tự động để nâng cao công tác quản lý.
Làng gốm Bát Tràng ở huyện Gia Lâm thì sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp du khách hòa mình vào lễ hội thủ công mỹ nghệ của làng nghề...
Thanh Hà, nhân viên một công ty du lịch tại Hà Nội, cho biết sự phát triển của công nghệ số giúp công việc hỗ trợ khách hàng của cô trở nên dễ dàng và thuận hơn. "Từ khâu đặt phòng khách sạn, đặt vé các điểm tham quan, đặt bữa ăn cho đoàn khách, thậm chí các lưu ý cho từng thành viên tới các thanh toán dịch vụ, hay hỗ trợ nhập cảnh ngay tại sân bay đều có thể được thực hiện online", cô nói.
Anh Nguyễn Trung Hiếu (phố Hào Nam, quận Đống Đa) chia sẻ, trước mỗi chuyến du lịch, anh tự đặt tour qua các ứng dụng hỗ trợ trên điện thoại di động, hoặc thông qua các công ty du lịch bằng phương thức giao dịch trực tuyến. Thậm chí, khi đến các khu vui chơi, di tích thẳng cảnh ngay tại Hà Nội, anh cũng thường mua vé trước trên mạng, qua đó có thể tránh được tình cảnh phải xếp hàng chờ đợi hay đến nơi mà hết vé. Anh khẳng định: “Công nghệ đang giúp việc đi du lịch thuận tiện hơn".
Chuyển đổi số là chìa khóa hút khách du lịch đến Hà Nội
Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 18,9 triệu lượt du khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả khả quan của ngành du lịch Hà Nội, trong đó có sự đóng góp đáng kể của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch.
Có thể kể tới việc tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của TP; bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn), vận hành và thường xuyên nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; chia sẻ dữ liệu cùng các đơn vị công nghệ phát triển các ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch
"Những tiện ích trong chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành khi hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế" - bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định.
Cùng với đó là việc triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng công nghệ 360, FLYMCAM, 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch đến với du khách. Đến thời điểm hiện tại, đã có 27 đơn vị điểm đến trên địa bàn TP Hà Nội triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến… Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Hà Nội đã triển khai xây dựng và lắp đặt các trạm phát sóng wifi tại các khu vực du lịch trọng điểm, tập trung lượng lớn khách du lịch: khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố sách Hà Nội, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, khu vực phố Trịnh Công Sơn, khu vực nhà chờ sân bay Nội Bài... phục vụ nhân dân và khách du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ký kết Chương trình phối hợp năm 2021 trong việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những nội dung quan trọng nhất trong chương trình phối hợp này là chuyển đổi số trong ngành du lịch để du khách có những trải nghiệm tốt hơn, lưu lại Hà Nội lâu hơn.
V.LinhBạn đang xem bài viết Du lịch Hà Nội chuyển đổi số: 'Ghi điểm' từ những ứng dụng du lịch số tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].