Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Phú Xuyên: Sản phẩm làng nghề phát triển mạnh nhờ chuyển đổi số

Thông qua việc sử dụng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, nhiều làng nghề ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút nhiều khách hàng.

Tự hào vùng đất trăm nghề

Huyện Phú Xuyên là một huyện phía Nam của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km. Đây được mệnh danh là vùng “đất trăm nghề” - huyện nghề, với 156/156 thôn, cụm dân cư có nghề. Trong số đó có 43 làng được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Sản phẩm của các làng nghề rất đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, được đem đi tiêu thụ trong khắp cả nước và nước ngoài.

Việc các sản phẩm làng nghề của huyện Phú Xuyên được đem đi tiêu thụ trong khắp cả nước và thế giới không chỉ góp phần quảng bá về văn hóa của huyện mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Giày da Phú Yên là một trong những làng nghề nổi tiếng ở huyện Phú Xuyên

Giày da Phú Yên là một trong những làng nghề nổi tiếng ở huyện Phú Xuyên

Phát triển làng nghề, du lịch làng nghề luôn được huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề của huyện rất nổi tiếng như: May mặc Vân Từ; giày da Phú Yên; đồ gỗ các xã Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La, lưới trã Quang Trung…

Nhờ có nghề, kết hợp với du lịch và kinh doanh sản phẩm của các làng nghề phát triển mạnh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80% số lao động của huyện.

Phát huy thế mạnh, từ năm 2011 đến nay, huyện Phú Xuyên lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Những năm qua, huyện Phú Xuyên đã tổ chức 7 lễ hội vinh danh làng nghề (3 năm cấp huyện, 4 năm cấp xã). Năm 2019, TP.Hà Nội đã công nhận 2 điểm du lịch tại Phú Xuyên ở xã Vân Từ và xã Chuyên Mỹ. Năm 2023, công nhận điểm du lịch làng nghề Giầy da Phú Yên”.

Vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên

Năm nay, Lễ hội vinh danh làng nghề lần thứ IV huyện Phú Xuyên sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 26 - 29/10/2023) với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

Cụ thể, tại lễ hội có trưng bày 220 gian hàng với gần 1.000 sản phẩm làng nghề độc đáo của huyện Phú Xuyên, các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, huyện Phú Xuyên có 218 sản phẩm OCOP, tiêu biểu là sản phẩm các làng nghề khảm trai, sơn mài xã Chuyên Mỹ; đan cỏ tế xã Phú Túc; may mặc xã Vân Từ; da giày xã Phú Yên; đồ gỗ cao cấp của các xã: Tân Dân, Văn Nhân; dệt tơ lưới chã xã Quang Trung; cơ kim khí xã Đại Thắng và thị trấn Phú Minh…

Lễ hội vinh danh làng nghề lần thứ IV huyện Phú Xuyên

Lễ hội vinh danh làng nghề lần thứ IV huyện Phú Xuyên

Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên còn công bố và trao quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về công nhận điểm du lịch làng nghề Giày da xã Phú Yên; ấn nút điện tử khai trương Sàn thương mại điện tử huyện Phú Xuyên… cùng nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn khác.

Cũng trong khuôn khổ lễ hội, huyện Phú Xuyên còn tổ chức Tế lễ Tổ nghề, rước kiệu các xã: Phú Túc, Chuyên Mỹ, Phú Yên, Phượng Dực; tổ chức trình diễn tay nghề các nghệ nhân làng nghề truyền thống; đấu giá sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc như biểu tượng Khuê Văn Các, Chùa Một Cột… của các nghệ nhân làng nghề; biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian...

Các hoạt động diễn ra trong Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV sẽ là nhịp cầu cho Phú Xuyên giới thiệu thành tựu, tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa; là điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm làng nghề phát triển mạnh hơn nữa.

Các làng nghề phát triển mạnh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80% số lao động của huyện

Các làng nghề phát triển mạnh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80% số lao động của huyện

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, Phú Xuyên không chỉ là vùng quê văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, kiên cường mà còn là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Từ năm 2011, huyện đã lấy ngày 26/10 hàng năm là “Ngày vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên”.

Phát huy những làng nghề truyền thống với hàng trăm năm lịch sử, huyện tập trung phát triển thêm nhiều làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới, đa dạng, đậm nét văn hóa riêng, tạo dựng được thị trường rộng lớn trong nước, nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu.

Sự phát triển của các làng nghề đã giải quyết việc làm cho phần lớn lao động địa phương và vùng lân cận. Đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Đặc biệt, việc xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Xuyên chủ động ứng dụng, chuyển đổi dữ liệu và quy trình làm việc từ thủ công sang số hóa, tự động hóa.

Cùng với đó, người dân ở các làng nghề cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ như sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử... để mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hiện, làng nghề Phú Xuyên đang không ngừng phát triển sau những cải tiến, năng động tiếp cận thị trường cùng ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Với định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXV ban hành Chương trình số 02-CTr/HU ngày 26/2/2021 đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp…

UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành Đề án “Phát triển Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Phú Xuyên giai đoạn 2021 - 2025”. Theo ông Lê Văn Bính, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, việc hình thành các Cụm công nghiệp làng nghề, thúc đẩy phát triển du lịch, tập trung thực hiện chương trình OCOP góp phần đưa làng nghề của Phú Xuyên lên tầm cao mới, đưa sản phẩm làng nghề vươn xa hơn. 

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính