Vì sao bệnh tay chân miệng bùng phát?
Theo ghi nhận tại Bệnh viện E, trong 3 tuần gần đây, mỗi ngày Khoa Nội Nhi tổng hợp tiếp nhận 10 - 15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh tay chân miệng.
Có những trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú vì mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 2, với những biểu hiện phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân, các dấu hiệu bệnh nặng như sốt cao không giảm, li bì...
Bác sỹ Trương Văn Quý, Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp Bệnh viện E trung ương cho biết, dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát mạnh do tốc độ lây lan "chóng mặt" của loại virus gây bệnh này.
Số liệu của Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP ghi nhận 329 trường hợp bệnh nhân mắc chân tay miệng từ đầu năm 2020 đến nay. 2 tuần trở lại đây, bệnh nhân có dấu hiệu gia tăng.
Bác sỹ Quý cho hay, nguyên nhân bệnh tay chân miệng đến từ virus đường ruột Enterovirus nên chúng tồn tại ở môi trường và ngay trong bản thân trẻ. Do đó, nếu trẻ mắc bệnh không phát hiện kịp thời sẽ có nguy cơ lây cho nhiều trẻ khác ở cùng lớp, cùng nơi ở.
Chân tay miệng khác với bệnh sởi ở chỗ, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm. Vì vậy, trẻ mắc tay chân miệng có thể tái mắc sau đó. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Hiện các bác sỹ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo mức độ nặng của bệnh theo 4 mức độ để xác định và đưa ra quyết định bệnh nhân nhi có cần nhập viện điều trị hay không.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh bố mẹ cần biết:
Bác sĩ lưu ý, khi thấy trẻ có các biểu hiện sau, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế:
Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...
Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc...
Các biến chứng của chân tay bệnh:
Bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú. Nhịp thở nhanh, thở bất thường: Có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản, xuất hiện rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ.
Trường hợp nặng bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hà Nội có 329 trẻ mắc chân tay miệng: Biểu hiện nhận biết bệnh bố mẹ cần lưu ý tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].