Vì sao bệnh chân tay miệng lại dễ cướp đi tính mạng trẻ nhỏ?

Theo chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM, bệnh chân tay miệng do chủng virus EV 71 thường có biểu hiện lâm sàng nặng hơn khi chúng gây tổn thương hệ thần kinh, hô hấp nhanh và mạnh hơn.

Vì sao các ca chân tay miệng năm nay lại biến chứng nặng?

Ngày 27/9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre đã xác nhận 1 trường hợp là bé gái 2 tuổi (ngụ xã Bình Phú, TP Bến Tre) tử vong do bệnh tay chân miệng. 

Còn theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng gia tăng đáng kể.

Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân dương tính với Enterovirus 71 (EV 71). Đây là tác nhân gây nhiều biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao nhưng các triệu chứng thường không điển hình, dễ bị bỏ sót.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, số lượng trẻ nhập viện vì tay chân miệng liên tục gia tăng.

Phần lớn số ca nhập viện vì tay chân miệng năm nay là do nhiễm chủng virus EV 71 nguy hiểm.

  Chủng virus EV 71 gây bệnh tay chân miệng có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong. Ảnh minh họa

Chủng virus EV 71 gây bệnh tay chân miệng có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong. Ảnh minh họa

Chủng virus này có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM, bệnh tay chân miệng theo mùa, thường rơi vào tháng 5 – 11 hàng năm. Nhưng năm nay, nhất là tháng 8,9 lại tăng rất nhanh, khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2017 và các năm trước đó.

Đặc biệt, 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng, lây cho con, cháu. Chính vì vậy cha mẹ cần phải lưu ý phòng bệnh cho trẻ.

Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều, có dấu hiệu khác như trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao trên 2 ngày thì người nhà phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo những nơi có dịch cần phải vệ sinh đồ chơi và bàn tay kỹ lưỡng, thường xuyên.

Đối với các trường mẫu giáo, thầy cô phải theo dõi có biểu hiện tay chân miệng, cách ly trẻ bệnh ít nhất 10 ngày.

Dịch tay chân miệng năm 2011 tại Việt Nam có hơn 70.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong. Ở các nước lân cận có những năm lên đến gần 400 trường hợp tử vong.

Virus Enterovirus 71 (EV 71) là gì?

Theo các chuyên gia y tế, Enterovirus là một loại virus đường ruột có kích thước rất bé. Khả năng đề kháng của Enterovirus khá tốt, sống lâu hơn khi nhiệt độ lạnh giá.

Đặc biệt sự khô ráo và nhiệt độ bình thường không làm ảnh hưởng đến sự sống và sự phát triển của chúng.

Enterovirus có trong phân và người ta cũng phân lập được chúng cả ở họng. Vì vậy chúng có thể được phóng thích ra môi trường bên ngoài bởi phân và các chất khạc nhổ của người bệnh tay chân miệng hoặc người lành mang virus này.

Type EV71 là một trong những tác nhân gây bệnh tay chân miệng và  chúng còn có khả năng gây nên bệnh ở hệ thần kinh trung ương như viêm màng não virus và hiếm hơn là các thể trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt.

EV71 không phải là virus mới nhưng có độc tính rất cao và có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương gây ra những bệnh cảnh lâm sàng nặng và hậu quả để lại xấu.

Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 - 7 ngày. Bệnh khởi phát là sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và xuất hiện ban đỏ ở bàn tay, bàn chân.

Hầu hết các trường hợp bị bệnh tay chân miệng sẽ qua khỏi nhưng có một số nếu căn nguyên gây nên bệnh là EV71 có thể bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện bệnh viêm màng não điển hình. Biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt.

Bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hoặc phân của người bệnh.

Ngoài ra, bệnh cũng có thể được lây truyền gián tiếp từ các dụng cụ ăn uống, đồ chơi, quần áo, chăn màn của người bệnh hoặc do thức ăn, nước uống nhiễm virus.

Vậy nên, khi trẻ không may bị tay chân miệng, cha mẹ nên cho trẻ ở nhà không đến nhà trẻ và tránh không cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ bị bệnh.

Cách phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Cha mẹ cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hằng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày.

L.Minh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính