Giữ gìn, lan tỏa nét đẹp văn hóa gia đình Thăng Long - Hà Nội: Bài 2: Gia phong người Hà Nội - nơi giữ gìn và trao truyền văn hóa ứng xử

Trong gia đình Thăng Long - Hà Nội, người Hà Nội coi trọng nề nếp, gia phong để tạo ra ngũ phúc cho con cháu. Ông bà, cha mẹ luôn làm gương, chú trọng dạy từng lời ăn tiếng nói cho con cháu trong nhà. Do vậy mới nói gia phong người Hà Nội chính là nơi giữ gìn và trao truyền văn hóa ứng xử.

Mỗi gia đình Thăng Long là một "lớp học" giảng dạy văn minh, nếp ăn, nếp ở 

GS. TS Từ Thị Loan, nguyên quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên để hình thành nhân cách của mỗi con người từ khi mới sinh ra đời cho đến lúc trưởng thành, là nơi giữ gìn và trao truyền văn hóa ứng xử cho các thế hệ. 

Mô hình gia đình truyền thống Hà Nội xưa hiện nay còn tồn tại ở những khu phố cổ Hà Nội hay ở một số làng cổ ngoại thành ven đô với nhiều thế hệ chung sống với nhau gọi là Tam đại đồng đường, Tứ đại đồng đường… Nhiều gia đình ông bà, bố mẹ, con cháu sống chung trong một gian nhà, hoặc ngôi nhà có sân vườn, hàng cau, cây khế bờ ao, giếng thơi, cây mít, nhà ngói sân gạch. Tùy theo gia cảnh của mỗi nhà (khá giả, trung lưu, nghèo khó) mà nếp xưa được gìn giữ khác nhau một cách phù hợp. Tuy nhiên, dù khá giả hay bình dân thì đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng.

Mỗi gia đình Thăng Long là một

Mỗi gia đình Thăng Long là một "lớp học" giảng dạy văn minh, nếp ăn, nếp ở.

Trong gia đình, người Thăng Long – Hà Nội lấy chữ “hiếu” với ông bà cha mẹ làm đầu, chữ “hiền thảo” với dâu rể, chữ “thành đạt” với con cháu. Ông bà, cha mẹ lấy cái mẫu mực làm gương cho con cháu. Đạo lý “kính trên nhường dưới” thể hiện rõ trong bữa cơm từ vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời trước khi ăn, sự nhường nhịn món ngon, gắp tiếp trước cho khách. Rồi cách ăn uống cũng phải từ tốn, nhai nuốt thong thả.

Còn nếp mặc, người Hà Nội cũng dạy con cháu hết sức lịch sự, ra đường là mặc áo dài, khăn nón, giày guốc đầy đủ. Khách đến chơi, chủ nhà giữ lễ “tôn trọng mình, tôn trọng khách”, ăn vận quần áo gọn gàng tươm tất rồi mới ra tiếp.

Trong cách nói năng, người Thăng Long – Hà Nội vận dụng từ ngữ khéo léo, nhã nhặn, tinh tế. Trong giao tiếp biết nhún mình, tôn trọng người, mềm mỏng mà không thớ lợ, tài hoa mà không khoe khoang, biết rộng mà không làm cao. Con gái Hà Nội xưa được cha mẹ dạy bảo “công, dung, ngôn, hạnh”, giữ đủ nét e lệ, dịu dàng, ý tứ, từ dáng đi, nụ cười, ánh mắt, đồ trang sức vừa đủ.

Ngày giỗ Tết luôn được coi trọng không chỉ vì những quan niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà vì đó là cơ hội để những người trong họ tộc gặp nhau, là cơ hội giúp cho thế hệ trẻ nhận biết cộng đồng đông đảo và những mối quan hệ “dây mơ rễ má” của những người trong họ mạc để ứng xử và giữ mối dây liên hệ.

“Tứ đại đồng đường” - nét đẹp trong gia đình Hà Nội

Mô hình gia đình hạt nhân đang là xu hướng phát triển, nhưng không vì thế mà mô hình gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” mất đi. Ngay giữa Thủ đô Hà Nội có không ít các gia đình “tứ đại đồng đường” sống êm đềm, hạnh phúc trong không gian chung. Nét đẹp và nền nếp gia phong của những gia đình này đã góp phần tích cực vào xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn nếp sống văn minh, thanh lịch của thành phố.

Theo Tiến sỹ Tâm lý học Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm, đặc điểm chung trong các gia đình “tứ đại đồng đường” là luôn giáo dục các thành viên giá trị truyền thống về đạo đức làm người, tinh thần tương thân tương ái, gắn bó máu mủ, ruột già, đoàn kết, hướng về cội nguồn, yêu thương quê cha, đất tổ. Nếu gia đình nào không có các giá trị đó thì chỉ là gia đình cộng sinh.

Trong mô hình gia đình nhiều thế hệ, người lớn là những tấm gương để trẻ học tập và làm theo. Sự tận tâm, bảo ban giáo dục, nâng đỡ, đùm bọc và cả sự hy sinh của thế hệ đi trước dành cho thế hệ sau đảm bảo cho sự duy trì truyền thống gia đình được bền vững và phát triển vị thế xã hội của dòng họ trong xã hội.

Lợi ích lớn nhất mà tất cả các thành viên sống trong cùng một mái nhà nhận được là tình cảm. Khi ông bà đến tuổi về hưu, ở nhà giúp con cháu một số công việc trong gia đình sẽ thấy mình là người có ích hơn. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm hơn. Còn với những người trẻ, việc sống chung với ông bà sẽ giúp mỗi người phát triển hoàn thiện hơn, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi khi họ ốm đau. Việc sống chung với ông bà cũng giúp những người trẻ giảm được nguy cơ sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ sẽ được kế thừa và thẩm thấu được những giá trị truyền thống, đạo đức của gia đình ấy. Khi ra ngoài xã hội, đứa trẻ biết cách ứng xử với người trên, người dưới. Còn trong một gia đình hạt nhân, khi mà bố mẹ độ tuổi quá trẻ thì đứa bé được sinh ra sẽ thiếu rất nhiều tri thức sống.

Để hài hòa các mối quan hệ giữa các thế hệ và giữ được những giá trị tốt đẹp về đạo đức, lễ nghĩa, văn hóa trong các gia đình “tứ đại đồng đường”, theo chuyên gia, các gia đình sẽ có những nguyên tắc, phép tắc ứng xử giữa các thành viên, định hướng các thành viên theo các lễ giáo gia đình, có sự kính trên nhường dưới, mọi thành viên tuân thủ và tôn trọng lẫn nhau. Khi gia đình duy trì được sự yêu thương, trách nhiệm, minh bạch, đoàn kết thì mọi phức tạp sẽ được các thành viên đồng cảm và hóa giải. Chính vì vậy, nhiều gia đình bốn, năm thế hệ vẫn chung sống hòa thuận, nhiều gia đình đến nay vẫn giữ nếp nhà, ăn chung mâm cơm, tiền tiêu chung một ví.

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài..."

Nhìn nhận về mối quan hệ giữa xây dựng hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực con người Hà Nội, PGS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, đây là mối quan hệ biện chứng, gắn bó tác động lẫn nhau rất chặt chẽ. Gia đình là một thiết chế văn hóa - xã hội có vai trò đặc biệt trong việc giáo dục, trao truyền niềm tin đối với mỗi thành viên trong gia đình, trở thành "tổ ấm" nuôi dưỡng thể lực, trí tuệ, tình cảm, là cái nôi đầu tiên giúp hình thành nhân cách, là điểm tựa suốt vòng đời của con người.

Gia phong người Hà Nội bao đời tạo nên con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch ngày nay.

Gia phong người Hà Nội bao đời tạo nên con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch ngày nay.

Nét thanh lịch này thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Nếu tinh tế sẽ thấy người Hà Nội gần gũi, cởi mở mà không suồng sã; hiếu khách mà không vồ vập; săn đón, tận tình, song vẫn giữ khoảng cách vừa đủ để khách cảm thấy tự nhiên, thoải mái. Thêm vào đó là tiếng nói nhẹ nhàng, dễ nghe, có âm điệu đặc trưng hấp dẫn. 

Kế thừa nét đẹp gia đình truyền thống Hà Nội, ngày nay nhiều gia đình vẫn dạy bảo con cháu cốt cách của người Thủ đô, sống có nề nếp, giữ cho mái ấm tình thương, xóm làng hòa thuận, vợ chồng hạnh phúc, chăm chỉ, cần cù nhẫn nại, biết tôn ti trật tự, hành xử văn hóa: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”…

Cuộc sống tự điều chỉnh như nó vốn có. Và trong cuộc sống, cái truyền thống và cái hiện đại luôn có mối liên hệ mật thiết. Cái truyền thống là nền tảng của cái hiện đại, cái hiện đại là cái kế thừa, phát triển của cái truyền thống. Không có gì tự dưng sinh ra và không có cái gì tự nhiên mất đi. Cuộc sống sẽ điều chỉnh theo yêu cầu của chính nó. Con người thích ứng phải tuân theo quy luật ấy. Người Hà Nội hôm nay dù đã định cư nhiều đời hay mới nhập cư vào Hà Nội luôn nhắc nhớ mình là người Hà Nội để điều chỉnh mọi hành vi, từ ăn mặc, lời nói đến giao tiếp ứng xử sao cho xứng danh người Thủ đô ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh mà vẫn giữ được nét đẹp của “chốn kinh sư muôn đời” như nhận định của Lý Thái Tổ trong chiếu dời đô cách đây hơn ngàn năm.

V.Linh

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính