Ngân hàng Thế giới gọi Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục. Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.
Báo cáo nêu rõ, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang có khoảng 331 triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng một phần tư tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD.
Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.
Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
Một phát hiện quan trọng khác của báo cáo là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực. Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc, học sinh từ các hộ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực toán và khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD.
Nguyên nhân theo nhận xét của Giám đốc cấp cao về Giáo dục của Ngân hàng Thế giới, Ông Jaime Saavedra: "Hiệu quả chính sách cho việc lựa chọn, thúc đẩy, và hỗ trợ giáo viên cũng như thực tiễn dạy học ở nhà trường là yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh.
Đối với các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của đất nước, việc phân bổ ngân sách một cách hiệu quả, đi kèm với cam kết chính trị mạnh mẽcó thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của trẻ em trong khu vực".
Báo cáo đưa ra các bước cụ thể giúp cải thiện kết quả học tập cho các hệ thống giáo dục tụt hậu trong khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới, theo đó bắt đầu bằng việc đồng bộ thể chế để đảm bảo sự nhất quán và phù hợp giữa mục tiêu và trách nhiệm trên khắp hệ thống giáo dục.
Báo cáo kêu gọi các quốc gia tập trung vào bốn lĩnh vực chính: chi tiêu công có hiệu quả và công bằng, chuẩn bị cho học sinh học tập, lựa chọn và hỗ trợ giáo viên và sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đổi mới giáo dục và đào tạo tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].