Giám đốc bệnh viện mắt nói gì về thuốc tự chế của 'siêu thầy lang' Văn Đình Tân?

Với thuốc nhỏ mắt tự chế, "siêu thầy lang Văn Đình Tân" quảng cáo có thể chữa hầu hết các bệnh về mắt. Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội nói gì về điều này?

Không có thuốc nhỏ mắt chữa bách bệnh

Liên quan tới phương pháp điều trị mắt của "siêu thầy lang" Văn Đình Tân, chỉ cần dùng một loại thuốc nhỏ mắt tự chế để chữa hầu hết các bệnh về mắt, trao đổi với Gia Đình Mới, ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội khẳng định: “Việc dùng một lọ thuốc chữa đủ các bệnh về mắt, từ cận thị, loạn thị, viễn thị đến viêm kết mạc, mộng mắt… là hết sức vô lý.

Theo bác sĩ Hương, mỗi loại bệnh có một nguyên nhân khác nhau, cơ chế khác nhau nên cách điều trị cũng khác nhau. Không thể có chuyện chỉ bằng một loại thuốc lại có thể chữa khỏi tất cả các bệnh ở mắt.

Đối với mỗi bệnh nhân khi đến thăm khám, bác sĩ nhãn khoa phải kiểm tra rất kỹ để xem có thật sự bị tật khúc xạ hay không? Nếu đúng bị tật khúc xạ, bác sĩ phải thăm khám, đo đạc rất kỹ lưỡng để ra một thông số cho người bệnh. Mỗi loại tật khúc xạ sẽ được cấp đơn kính khác nhau, và mỗi bệnh nhân cũng có số độ khác nhau.

Vậy nên, không thể nào lấy kính của người này đặt cho người kia mà đem lại tác dụng như nhau. Do đó, việc thầy lang dùng một loại thuốc nhỏ mắt chữa cận thị, loạn thị, viễn thị cho nhiều người bất kể độ khúc xạ ra sao là điều không thực tế. 

Các tật khúc xạ hình thành là do sự bất thường cấu trúc nhãn cầu như chiều dài nhãn cầu dài, ngắn quá mức bình thường, bề mặt giác mạc không đều, cong, dẹt quá mức bình thường, đục thể thủy tinh.

ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội khẳng định:

ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội khẳng định: "Không có chuyện dùng một lọ thuốc chữa tất cả các bệnh về mắt"

Muốn điều trị cần phải tác động để thay đổi lại cấu trúc của nhãn cầu, bề mặt giác mạc. Về mặt khoa học, một loại thuốc nhỏ có tác dụng làm thay đổi độ cong, dẹt của giác mạc, thay đổi chiều dài của nhãn cầu là không đáng tin cậy.

Hơn nữa, mỗi bệnh nhân có tình trạng sức khỏe khác nhau, cơ địa khác nhau, mắc các bệnh lý ở mắt khác nhau nên không thể có chuyện không cần thăm khám, chỉ cần nhỏ thuốc là có thể chữa khỏi bệnh.

Đặc biệt, với các bệnh viêm nhiễm, dễ lây cho người khác, về nguyên tắc bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị riêng, không thể dùng cùng một lọ thuốc để chữa cho tất cả mọi người, như vậy sẽ làm lây nhiễm bệnh cho những người khác.

Điều nguy hiểm nữa là thuốc tự chế của vị “lương y” này không ghi rõ thành phần các chất trong đó, không thấy có kết quả nghiên cứu, không thấy thông tin được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận. Vậy mà thuốc tự chế lại được vị “lương y” nhỏ vào mắt của rất nhiều người.

Bất kỳ một loại thuốc nào để được đưa vào điều trị bệnh cho con người đều phải trải qua nhiều bước nghiên cứu nghiêm ngặt

Bất kỳ một loại thuốc nào để được đưa vào điều trị bệnh cho con người đều phải trải qua nhiều bước nghiên cứu nghiêm ngặt

Thuốc điều trị bệnh mắt cần phải qua nhiều bước nghiên cứu

Bác sĩ Bùi Cẩm Hương cho biết, bất kỳ một loại thuốc nào để được đưa vào điều trị bệnh cho con người đều phải trải qua nhiều bước nghiên cứu. Quy trình làm thuốc rất kỳ công, thủ tục rất phức tạp, đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm, kiểm nghiệm, cấp phép…

Việc dùng một loại dung dịch không rõ nguồn gốc, không biết thành phần, không qua nghiên cứu, thử nghiệm để nhỏ vào mắt sẽ hủy hoại đôi mắt. Đôi mắt của con người rất tinh vi và dễ bị tổn thương, việc nhỏ bất kỳ một dung dịch gì vào mắt cũng có thể gây ra nhiều tác hại mà chúng ta không thể lường trước được, nhẹ có thể là dị ứng gây ngứa mắt, đỏ mắt, nặng có thể gây tổn thương tổ chức của nhãn cầu, gây độc cho các tế bào ở sâu bên trong mắt dẫn đến hỏng mắt, mù mắt.

“Tôi đã từng gặp không ít trường hợp bệnh nhân phải vào viện điều trị vì biến chứng của việc nhỏ các dung dịch không rõ nguồn gốc vào mắt để điều trị bệnh. Vì xuất phát từ tâm lý không muốn cho con đeo kính, không muốn mắt con trông dại, xấu nên sau khi thăm khám, mặc dù các bác sĩ kết luận trẻ bị tật khúc xạ, cần phải đeo kính để điều chỉnh.

Nhưng thay vì cắt kính điều chỉnh tật khúc xạ cho con, cha mẹ lại mang con đi chữa bởi một thầy lang, sử dụng một thuốc truyền tai, các bài tập bỏ kính… Đến khi mắt con bị tăng nặng hơn, viêm nhiễm, đau rát, giảm thị lực… mới quay lại với bác sĩ nhãn khoa.

Với những trường hợp như vậy, tình trạng bệnh nhẹ và mới thì việc điều trị sẽ mất ít thời gian, khả năng phục hồi nhanh hơn. Nhưng với những trường hợp bị tật khúc xạ nặng, nếu chỉ cho tập mắt và nhỏ các loại thuốc ko rõ nguồn gốc mà không được chỉnh kính sớm sẽ dẫn tới tình trạng bị nhược thị, không thể phục hồi được thị lực” – BS Cẩm Hương chia sẻ.

Hiện trong ngành nhãn khoa vẫn chưa có thuốc điều trị tật khúc xạ, vậy nên, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng để bôi, nhỏ vào mắt.

Với những người đang hoặc có dấu hiệu mắc tật khúc xạ, các bệnh về mắt, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều chỉnh tật khúc xạ theo chỉ định của bác sĩ.

Nhóm PV GIA ĐÌNH MỚI

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính