Bức ảnh "Em bé Napalm" từng giúp Nick Ut giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer vừa nhận được bình chọn lớn nhất (37%) trong một cuộc khảo sát mới ở Anh do kênh truyền hình History thực hiện.
Theo WikiPedia, Phan Thị Kim Phúc, hay còn được gọi là Em bé Napalm, sinh năm 1963) là người Canada gốc Việt.
Kim Phúc và gia đình sống trong làng Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngày 8/6/1972, máy bay Việt Nam Cộng Hòa dội bom xuống làng Trảng Bàng khi đang xảy ra giao tranh, do nhầm lẫn, máy bay ném trúng vào phía trước Thánh thất Cao Đài nơi gia đình Phúc trú ẩn trước đó để lánh nạn.
Vì quá đau đớn, Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa chạy đi vừa khóc. Cảnh tượng ấy lọt vào ống kính Leica của một phóng viên chiến trường của hãng thông tấn AP Nick Ut. Ngay ngày hôm sau, tấm ảnh được đưa lên trang bìa của tờ New York Times.
Về sau, tác giả của nó được trao Giải Pulitzer và bức ảnh được chọn làm Ảnh Báo chí Thế giới Năm 1972. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Năm 1973, nhiếp ảnh gia Nick Ut đã quay lại Trảng Bàng, Tây Ninh để gặp Kim Phúc và chụp ảnh cùng cô bé. Sau những năm tháng sống trong chiến tranh, vào năm 1986, Kim Phúc đã được trao 1 suất học bổng ngành y tại Cuba.
Năm 1989, Nick Ut đã tới Cuba và ghé thăm Kim Phúc. Đây là lần tương phùng đầu tiên của 2 người kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc.
Tại Cuba, Kim Phúc gặp và đem lòng yêu Bùi Huy Toàn, một sinh viên Việt Nam. Hai người kết hôn năm 1992 và đã có với nhau 2 người con trai. Hiện, cả gia đình Kim Phúc đang sống và làm việc ở Ontario (Canada).
Ở tuổi 52, Kim Phúc đã được một chuyên gia giàu kinh nghiệm dùng tia laser điều trị từng vết thương sâu gây nhăn nhúm da trên lưng và một phần hai cánh tay. Sau 43 năm mang đầy thương tích trên mình, gần đây Kim Phúc được tài trợ đi điều trị vết thương bằng kỹ thuật laser tại Miami (Florida, Hoa Kỳ).
Ngày 22/10/2004, Kim Phúc được Đại học York ở Toronto, Ontario, trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự vì những nỗ lực trợ giúp trẻ em nạn nhân chiến tranh trên khắp thế giới. Bà cũng được tặng thưởng Huân chương Ontario, huân chương cao quý nhất của tỉnh Ontario, Canada.
Ngày 27/10/2005, bà được Đại học Queen ở Kingston, Ontario trao tặng học vị danh dự.
Kim Phúc cũng được mời làm Sứ giả Hoà bình của Tổ chức Giáo dục, Văn hoá và Khoa học của Liên hiệp quốc. Từ đó, Kim Phúc đi khắp nơi nói chuyện và vận động chống chiến tranh, xây dựng kinh tế, văn hoá, khoa học trong hoàn cảnh hoà bình, nhất là các hoạt động về y tế giúp người già, trẻ em và người vô gia cư...
Kim Phúc hiện sống tại Canada với chồng và hai con.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết 'Em bé napalm' Phan Thị Kim Phúc: Ngày ấy, bây giờ tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].